Những việc làm của Hội đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam đồng thời có sức lay động lòng người, nói lên tiếng nói của lương tri, huy động toàn xã hội chung sức vì những nạn nhân CĐDC. Nhân kỷ niệm 5 năm ngày "Vì nạn nhân CĐDC/điôxin Việt Nam" 10-8, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Tạ Quang Chính, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin tỉnh.
Phóng viên (P.V): Được biết, Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin tỉnh thành lập từ tháng 8-2006 và đến nay đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Xin đồng chí cho biết những kinh nghiệm để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì lợi ích của nạn nhân CĐDC?
Đồng chí Tạ Quang Chính: Từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin tỉnh đã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố, thị xã đã thành lập được tổ chức Hội cấp huyện, 118 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện thành lập tổ chức Hội cơ sở, đạt 84%. Tổng số hội viên đến nay là 3.690 người, trong đó 1.462 là nạn nhân và 2.228 người tình nguyện. Sự ra đời của Hội các cấp phù hợp với nguyện vọng đông đảo của các nạn nhân, là cầu nối giữa nạn nhân với cộng đồng xã hội để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Có thể khẳng định, trong thời gian qua, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ những nạn nhân CĐDC vươn lên vượt qua khó khăn hòa nhập cộng đồng.
Để làm được điều này trong một hoàn cảnh khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu về nguồn lực, con người, Hội đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt là những người có lòng nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì nạn nhân. Những cán bộ này đã trực tiếp khảo sát, điều tra số liệu về nạn nhân. Bên cạnh đó huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là các tổ chức phi Chính phủ, các nhà hảo tâm trong việc đóng góp ủng hộ quỹ giúp đỡ các nạn nhân, tạo thành phong trào sâu rộng vì nạn nhân CĐDC. Chúng tôi làm việc với phương châm "Tự nguyện, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm", vì lợi ích chính đáng của nạn nhân.
Để xây dựng tổ chức Hội ngày một vững mạnh, chúng tôi cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền để các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thấu hiểu nỗi đau da cam, có sự cảm thông cũng như trách nhiệm đối với những đối tượng bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh. Các cấp Hội mặc dù trong điều kiện khó khăn cũng đã khắc phục để duy trì đều đặn nền nếp sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần, với nội dung sinh hoạt khá phong phú, có nhiều đổi mới, thiết thực. Hội cũng đã tổ chức thành công lớp tập huấn cho 176 cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày một vững mạnh.
P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả cụ thể mà các cấp Hội đã làm được trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC?
Đồng chí Tạ Quang Chính: Hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là hoạt động thường xuyên của các cấp Hội. Trong thời gian qua, các cấp Hội đã giúp xây dựng và sửa chữa nhà cho 81 nạn nhân có khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 700 triệu đồng; cấp vốn hỗ trợ sản xuất cho 51 nạn nhân với số tiền trên 50 triệu đồng. Các dịp lễ, Tết hay ngày 10-8, Hội đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà nạn nhân. Số tiền không lớn nhưng đã thể hiện trách nhiệm của Hội đối với những nạn nhân CĐDC. Bên cạnh đó các cấp Hội đã chú trọng đến công tác dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân để họ có điều kiện vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Hội cũng đã làm tốt công tác xã hội hóa, vận động những tổ chức chính trị, xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các nạn nhân CĐDC.
P.V: Trong thời gian tới, để xây dựng tổ chức Hội ngày một vững mạnh, thực sự là mái nhà, là tiếng nói chung của những nạn nhân, xin đồng chí cho biết những giải pháp cụ thể mà Hội sẽ triển khai?
Đồng chí Tạ Quang Chính: Hoạt động của Hội chủ yếu dựa vào các nguồn kinh phí ủng hộ nên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các cấp Hội cơ sở. Để tháo gỡ khó khăn này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng đến công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về những người bị ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh để có được nền hòa bình như ngày hôm nay. Xã hội hóa công tác chăm sóc nạn nhân CĐDC là một việc làm hết sức cần thiết, chúng tôi sẽ tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái để tạo thêm nguồn lực hoạt động. Bên cạnh đó các cấp Hội cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là MTTQ để xây dựng quỹ "Vì nạn nhân CĐDC", phát động cuộc vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam… Việc nhân rộng những gia đình nạn nhân tiêu biểu có thành tích vượt khó vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập xã hội cũng là việc làm cần thiết để động viên, khuyến khích những người khác noi theo.
Quỳnh Thu (Thực hiện)