Phóng viên (P.V): Xin ông cho biết kết quả thành tích của Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thị xã Tam Điệp trong thời gian qua?
Ông Tống Đức Thân: Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thị xã Tam Điệp được thành lập ngày 13-10-2007 với 20 hội viên, đến nay tăng lên 30 hội viên (chiếm 20% các doanh nghiệp trên địa bàn). Hội thành lập với mục đích quy tụ, đoàn kết các doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp với nhau. Hoạt động của Hội thời gian qua đã góp phần rất lớn vào quá trình phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã. Đến nay, thị xã Tam Điệp có 85 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 22 doanh nghiệp so cùng kỳ năm trước, trong đó có 36 doanh nghiệp tư nhân, 29 công ty TNHH, 14 công ty cổ phần. Các doanh nghiệp của thị xã được chia theo 4 ngành sản xuất: Công nghiệp có 29 doanh nghiệp, với số lao động là 1.218 người, tăng 815 người. Thương mại, dịch vụ, du lịch có 36 doanh nghiệp, tăng 2 doanh nghiệp. Vận tải có 9 doanh nghiệp, tăng 5 doanh nghiệp, thu hút gần 500 lao động. Xây dựng có 11 doanh nghiệp, tăng 7 doanh nghiệp, thu hút 319 lao động. Điều nổi bật nhất trong hoạt động của Hội thời gian qua là những đóng góp trong công tác nhân đạo, từ thiện (mỗi năm hàng tỷ đồng). Riêng trong đợt quyên góp ủng hộ thực hiện Nghị quyết 02 về việc xóa nhà tranh, vách đất cho hộ nghèo trên địa bàn thị xã, Hội đã phát động các doanh nghiệp ủng hộ được 620 triệu đồng, trong đó riêng Doanh nghiệp tư nhân Việt Thắng ủng hộ 100 triệu đồng…
P.V: Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thị xã phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cần phải quan tâm đến những vấn đề gì, thưa ông?
Ông Tống Đức Thân: Thực tế cho thấy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp của thị xã có những bước phát triển vượt bậc, song chưa vững chắc và ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư nên quy mô sản xuất còn nhỏ. Sự lựa chọn ngành nghề kinh doanh chưa ổn định, số lao động thu hút chưa nhiều, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, chưa có ngành nghề mũi nhọn và mặt hàng chủ lực có thu nhập cao. Nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tại chỗ không có. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều đầu mối trung gian, ngày công lao động thấp…
Hệ thống chợ, trung tâm thương mại, các khu dịch vụ, khu, cụm công nghiệp chưa ổn định… Những điều này đã làm hạn chế việc đầu tư của các doanh nghiệp vào địa bàn. Không những thế công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn có mặt hạn chế. Mật độ dân cư trên địa bàn thấp, sức mua của người dân chưa cao, thị xã không có ngành nghề và mặt hàng truyền thống. Do vậy việc phát triển và phát triển ổn định, bền vững. Tam Điệp cần có một kế hoạch toàn diện, đồng bộ để phát triển TTCN, thương mại, dịch vụ, du lịch… chú trọng việc thu hút đầu tư, có kế hoạch cho các Doanh nghiệp có như cầu mở rộng sản xuất được thuê đất lâu dài, với giá cả hợp lý bố trí cán bộ có năng lực làm công tác quản lý trong lĩnh vực công nghiệp - TTCN, thương mại, dịch vụ, du lịch…
P.V: Về phía Hội, trong thời gian tới Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thị xã sẽ làm gì để góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp?
Ông Tống Đức Thân: Trong khó khăn của suy giảm kinh tế, Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thị xã Tam Điệp đã bám sát sự chỉ đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, của Nhà nước, thống kê, tập hợp danh sách các doanh nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Hiện đã có 80% doanh nghiệp của thị xã được tiếp cận nguồn vốn này. Điều này phần nào đã tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, chính vì thế đã không có doanh nghiệp nào do khó khăn mà phá sản. Thời gian tới, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thị xã Tam Điệp sẽ củng cố lại Ban chấp hành, hoạt động đi vào chiều sâu giúp các doanh nghiệp trong việc vay vốn ưu đãi. Định hướng thành lập được các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng TTCN cao cấp như: mây tre đan, đồ gỗ hiện đại đang được ưa chuộng, dễ tiêu thụ, xuất khẩu… Đồng thời đào tạo những lao động có tay nghề cao, nâng cao chất lượng các mô hình khuyến công, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý sản xuất, kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp cá thể…
P.V: Xin cảm ơn ông!
Vân Anh (Thực hiện)