Thăng trầm những làng nghề
Thực tế cho thấy, hàng thủ công mỹ nghệ của Ninh Bình đã tạo nên thương hiệu của nhiều vùng quê như Văn Lâm, Kim Sơn, Ninh Vân, Gia Thủy… và khẳng định được vị trí của mình ở thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, những sản phẩm này cũng chịu không ít thăng trầm và chung số phận với hàng Việt khi tham gia thị trường quốc tế đó là bị ép giá, bị lẫn với hàng thủ công mỹ nghệ của một số nước khác… Chính vì thế, để các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở Ninh Bình có cơ hội được quảng bá xa hơn, chúng ta cần xây dựng thương hiệu Việt ngay từ chính các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở địa phương.
Trăn trở bài toán thương hiệu Việt
Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 60 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) truyền thống; có 36 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 16 làng nghề chế biến cói, 5 làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, 4 làng nghề thêu ren, 5 làng nghề mây tre đan, 1 làng nghề sản xuất cốt chăn bông, 2 làng nghề bún, 2 làng nghề mộc, 1 nghề làng gốm mỹ nghệ. Hoạt động của các làng nghề này đã tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động vùng nông thôn. Mỗi nghề cổ truyền thường có nguồn gốc gắn liền với một vị Thành hoàng, một vị tổ nghề là người có công lao truyền dạy kỹ năng hoặc khẩn hoang lập ấp thời xưa. Cội nguồn mỗi nghề nghiệp, dù đã được huyền thoại hóa thì đó vẫn là những dấu ấn, sắc thái văn hóa đáng tự hào của nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, do tính chất thủ công lại chưa được đào tạo nghề một cách kỹ lưỡng nên chất lượng, mẫu mã hầu hết của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và truyền thống chưa cao, chưa có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống với thiết kế mẫu mã cho phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Hầu hết các nghề truyền thống mới chỉ được duy trì ở góc độ hộ gia đình hoặc nhóm hộ, phân tán, mang tính tự phát, chưa được tổ chức theo quy hoạch và định hướng phát triển. Đại đa số các nghề còn mang tính tự cung, tự cấp, phục vụ cho gia đình hoặc lễ hội truyền thống ở thôn (làng), chưa phát huy được giá trị kinh tế. Với người dân, hầu như chỉ xem các ngành nghề này như những nghề phụ nhằm tăng thêm thu nhập vào những lúc nông nhàn mà thôi.
Ninh Bình có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, song theo đánh giá của Sở Công thương thì phần lớn các làng nghề còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chưa bắt kịp với sự phát triển của thị trường, chưa kết hợp với việc phát huy các giá trị truyền thống để phát triển du lịch ngay tại làng nghề. Lý giải điều này, bà Đỗ Thị Giàn, Trưởng Phòng quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho rằng: Điểm yếu để phát triển làng nghề gắn với du lịch ở Ninh Bình là khâu tiếp thị, hướng dẫn viên tại các làng nghề còn thiếu và yếu; ở các địa phương chưa có Ban quản lý làng nghề. Để giữ gìn và phát triển các làng nghề cần gắn du lịch thông qua các hình thức xây dựng, tổ chức các tuyến du lịch gắn với làng nghề; phát triển thêm những làng nghề mới có triển vọng trên cơ sở phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương thì: Muốn làm được điều này, trước hết tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Để hình ảnh, chất lượng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Bình được nhiều người biết đến thì cần phải hỗ trợ kinh phí cho các ngành nghề và nghệ nhân tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, các cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công để giới thiệu sản phẩm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ các làng nghề áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bằng nhiều cách như phối hợp với các trường dạy nghề hiện có để đào tạo thợ cho nhu cầu phát triển ngành nghề của địa phương. Tận dụng các nguồn vốn, các chương trình hiện có để hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất và xây dựng các mô hình điển hình trong phát triển nghề phi nông nghiệp. Đặc biệt, phải tạo điều kiện cho nghệ nhân được truyền nghề, có chính sách thu hút nghệ nhân và lao động có tay nghề cao từ nơi khác đến. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mở các cửa hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm để tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước.
Ninh Bình có nhiều tiềm năng về nguyên liệu nông - lâm sản để sản xuất nghề thủ công truyền thống, bên cạnh đó còn được xem là một trung tâm du lịch trong khu vực. Với những lợi thế đó, việc khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên để phát triển, trong đó việc tạo được chỗ đứng, xây dựng thương hiệu Việt cho các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ và truyền thống trên thị trường là thực sự cần thiết để tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Bảo Yến