40 năm xây dựng và trưởng thành
Ngày 17/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 200-HĐBT thành lập thị xã Tam Điệp trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Đây là một dấu mốc lịch sử rất quan trọng, đánh dấu sự ra đời của thành phố - nơi có vị trí chiến lược cả về chính trị, kinh tế - xã hội và quân sự, quốc phòng, an ninh, đồng thời còn là vùng đất văn hiến với nhiều di tích lịch sử văn hóa và những địa danh nổi tiếng trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc. Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, thành phố Tam Điệp đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Ninh Bình.
Ngày mới thành lập, Tam Điệp là một thị xã nhỏ cả về diện tích và quy mô dân số, cơ sở hạ tầng thấp kém, lạc hậu; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; thu ngân sách thấp, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Điệp qua các thời kỳ đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, từng bước vượt qua khó khăn và giành được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế của thành phố liên tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Năm 2020, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 67,5%; dịch vụ 30%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 2,5%.
Trong sản xuất công nghiệp, thực hiện các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, thành phố tích cực thu hút đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Khu công nghiệp Tam Điệp là một trong những khu công nghiệp quan trọng của tỉnh, được hình thành sớm, thu hút nhiều doanh nghiệp vào sản xuất tập trung, hiện tại có khoảng trên 70.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đi đôi với phát triển công nghiệp, những năm qua, thành phố Tam Điệp luôn quan tâm thực hiện huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thành phố đã tập trung các nguồn vốn đầu tư, vốn huy động xã hội hóa và bố trí, sử dụng hợp lý có trọng tâm, trọng điểm gắn với triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chỉ tính trong 5 năm gần đây, thành phố đã huy động các nguồn vốn và đầu tư trên 700 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung xây dựng mới và nâng cấp nhiều tuyến đường trong và ngoài đô thị đưa thành phố Tam Điệp từ đô thị loại IV lên đô thị loại III, từ thị xã trở thành thành phố vào năm 2015.
Trong sản xuất nông nghiệp, bám sát các nghị quyết của tỉnh và của thành phố, UBND thành phố Tam Điệp đã lãnh đạo, chỉ đạo vận động Nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Tập trung cấy đủ 100% diện tích lúa hàng năm với cơ cấu giống, mùa, vụ hợp lý. Chú trọng phát triển cây công nghiệp là cây dứa, kết hợp với phát triển cây Chè trại Quang Sỏi (xã Quang Sơn), Đào phai Đông Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng thế mạnh về đồi, rừng để đẩy mạnh chăn nuôi về dê, bò, đồng thời xây dựng các trang trại, gia trại để chăn nuôi lợn, gà, vịt... Chuyển đổi ruộng trũng, canh tác một vụ sang làm mô hình kết hợp lúa + cá để tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy sản xuất nông nghiệp của thành phố Tam Điệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế nhưng góp phần ổn định đời sống nhân dân và tạo được một số thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như: Dứa Tam Điệp, Đào phai Đông Sơn. Phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới" của thành phố được đẩy mạnh và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Nhân dân các xã đã tích cực tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông, làm thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh nội đồng, xây dựng hạ tầng ở địa bàn dân cư, tạo bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Những xã kinh tế mới ngày xưa với biết bao khó khăn nay đã có sự thay đổi nhanh chóng. Thành phố có 3 xã đã về đích nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện nay, đang chỉ đạo xã Yên Sơn, Đông Sơn triển khai thực hiện đề án xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã Quang Sơn duy trì và nâng cao các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉ đạo, hướng dẫn 05 thôn đăng ký đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí trong năm 2022.
Dịch vụ của thành phố có bước phát triển khá, hiện chiếm tỷ trọng lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.057 triệu đồng tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 306,048 triệu USD, tăng 13,6%; tổng giá trị hàng nhập khẩu ước đạt 108,770 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2022 đã đạt 252.900 triệu đồng, bằng 114,6% so với dự toán tỉnh giao, 66% so với dự toán thành phố giao; tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có nhiều đổi mới, chất lượng dạy và học ở các cấp học được nâng lên; cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư, kiên cố hóa theo hướng "chuẩn hóa", "hiện đại hóa" đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đến nay, toàn thành phố có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, các chương trình y tế quốc gia được triển khai thường xuyên và đạt chỉ tiêu được giao. Đội ngũ y, bác sỹ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cả chuyên môn và y đức. Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, nhất là dịch COVID-19 được kiểm soát tương đối tốt, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
Các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao được quan tâm. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.
Đời sống Nhân dân ổn định; công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc các đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tích cực.
Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ và hiệu quả bằng nhiều giải pháp như: hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, dạy nghề. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình đối tượng chính sách được thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở và hỗ trợ an sinh xã hội khác... Tính đến hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt khoảng 64,9 triệu đồng/năm, tăng gần 2 lần so với năm 2015 và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,64%.
Công tác quốc phòng được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Công tác xây dựng hệ thống chính trị, nhất là chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước từ thành phố đến các phường, xã được tăng cường.
Triển khai và thực hiện tốt, có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "Một cửa, một cửa liên thông" tạo thuận lợi cho Nhân dân và doanh nghiệp đến làm các thủ tục hành chính.
Những bước đi vững chắc
Sau 40 năm xây dựng và phát triển, thành phố Tam Điệp đã có những bước tiến dài trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Không gian đô thị của thành phố đã được mở rộng. Từ 7 đơn vị hành chính ngày đầu thành lập đã nâng lên thành 9 đơn vị (6 phường, 3 xã). Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của thành phố được thực hiện bài bản, khoa học làm cơ sở quan trọng để thành phố phát triển trong tương lai.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Tam Điệp lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa từng bước xây dựng Tam Điệp đạt được các tiêu chí đô thị loại II và trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Trong thời gian tới, UBND thành phố Tam Điệp sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tập trung phát triển kinh tế một cách toàn diện, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tích cực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp với yêu cầu công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiên tiến, phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị gắn với vùng sản xuất. Tập trung chỉ đạo để các xã xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị văn minh, hiện đại phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng du lịch sinh thái, chất lượng cao; khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên du lịch.
Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành của hệ thống chính quyền các cấp từ thành phố đến xã, phường. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đầu tư mở rộng không gian phát triển, xây dựng thiết chế văn hóa lớn tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị.
Tập trung cao độ trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố và hoàn thành giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tăng cường quản lý tài chính, ngân sách, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm hiệu quả các nguồn vốn. Tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để phát triển mở rộng không gian đô thị, đảm bảo hài hòa giữ khu vực nội thành và vùng nông thôn, giữa các vùng phía Đông, Đông Bắc và Tây Nam thành phố.
Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện phát triển văn hóa - xã hội. Giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Quan tâm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giảm nghèo, chú trọng công tác giải quyết việc làm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; gắn xây dựng chính quyền số với việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố; xây dựng chính quyền các cấp của thành phố trong sạch, vững mạnh; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Làm tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố Tam Điệp hôm nay đang có sự chuyển mình mạnh mẽ với những bước đi vững chắc. Diện mạo của thành phố đang phát triển từng ngày. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Tam Điệp phấn khởi, tự hào trước những thành tựu phát triển sau 40 năm thành lập, đồng thời tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đẩy lùi khó khăn, thách thức, chung tay xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hoàng Mạnh Hùng
Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp