Chuyển biến tích cực
Tuy không nằm trong danh sách các xã điểm về xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015 của huyện Gia Viễn, nhưng sau khi có chủ trương xây dựng NTM của Trung ương, của tỉnh, huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân Dân xã Gia Trung đã chủ động bắt tay vào thực hiện Chương trình này. Trước hết, để triển khai chương trình thuận lợi, xã tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn về chủ trương xây dựng NTM, các nội dung, mục tiêu cần đạt được trong chương trình để người dân hiểu rõ, đồng thuận và tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, xã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM để đảm trách các nhiệm vụ thuộc chương trình, triển khai công tác quy hoạch, đề ra kế hoạch chi tiết hàng năm và giám sát quá trình thực hiện.
Ông Bùi Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Gia Trung cho biết: Qua quá trình thực hiện xây dựng NTM, đến nay xã Gia Trung đã đạt được một số kết quả nhất định, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực. Về sản xuất nông nghiệp, xã đã thực hiện chuyển đổi thành công 90 ha vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng kết hợp lúa + cá cho mức thu nhập bình quân 100-120 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nghề vận tải thủy nội địa ở thôn Điềm Khê là một thế mạnh trong phát triển kinh tế ở địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho 270 lao động. Hiện tại, cả xã có 68 phương tiện vận tải thủy, tổng tải trọng 19 nghìn tấn, cho mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Nghề tre đan truyền thống tiếp tục được duy trì với gần 300 hộ làm nghề, thu nhập từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, xã còn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Gia Viễn tăng cường nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ bà con phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất như: chăn nuôi bò sinh sản, lợn công nghiệp, nuôi gà, vịt… Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ nên đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 6,8%, hộ cận nghèo là 4,47% (giảm lần lượt 1,3% và 0,3% so với năm 2013).
Đặc biệt, trong năm 2014, xã đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 1,2 km đường bê tông nông thôn, nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; tiếp nhận và đưa vào sử dụng đường bê tông KT6, thôn Điềm Khê dài 1 km; cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà hiệu bộ trường mầm non xã. Hiện nay các thôn đang duy trì tốt hoạt động của tổ thu gom rác thải. Ban quản lý nước sinh hoạt nông thôn xã đảm bảo tốt việc cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Nhờ việc quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở kịp thời, đúng mục đích nên bộ mặt nông thôn của địa phương ngày càng khởi sắc. Nhất là hệ thống trường học đã cơ bản đảm bảo cho công tác dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Cần sự trợ lực của Nhà nước
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực, đời sống của người dân dần được cải thiện. Song, theo lãnh đạo xã Gia Trung, tiến trình xây dựng NTM ở đây còn không ít khó khăn bởi địa thế và nguồn lực còn nhiều hạn chế, bên cạnh phát huy nội lực rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, các ngành.
Chủ tịch UBND xã Gia Trung Bùi Công Hoan cho biết: Sau khi chương trình phân lũ, chậm lũ rút đi, xã không còn được hưởng những chương trình đầu tư đặc biệt nữa, đời sống, sản xuất của nhân dân vẫn còn rất nhiều khó khăn, chính quyền địa phương không có cách nào để kêu gọi đầu tư trong quá trình xây dựng NTM.
Hiện nay, tuyến đường trục của xã Gia Trung vẫn chưa được bê tông hóa, mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt, đi lại hết sức khó khăn. Ông Bùi Như ý, thôn Trung Đồng chia sẻ: "Triển khai xây dựng NTM, bà con chúng tôi phấn khởi lắm, được Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, tuy kinh tế còn khó khăn nhưng ai cũng vui vẻ đóng góp. Đến nay, nhiều tuyến đường ngõ xóm đã được bê tông hóa. Nhưng buồn một nỗi là đường liên xã, liên thôn thì vẫn là đường cấp phối, mùa mưa các cháu học sinh đi học rất vất vả". Chủ nhiệm HTX Phong Khê thì cho biết: Hiện toàn bộ hệ thống kênh cấp II của xã chưa được cứng hóa, thậm chí có 1 thôn là thôn Trung Đồng chưa có kênh tưới, toàn bộ phải sử dụng hệ thống máy bơm dầu để bơm cục bộ. Diện tích không đồng đều, hệ thống bờ vùng, bờ thửa chưa hoàn thiện nên việc triển khai dồn điền, đổi thửa cũng rất khó khăn. Đất đai úng trũng nên năng suất lúa của xã cũng chỉ dừng ở mức 45-56 tạ/ha, các giống lúa sử dụng chủ yếu vẫn là các giống Tạp giao, lúa lai, lúa chất lượng cao chỉ chiếm 10%. Bình quân giá trị canh tác ở mức 60 triệu đồng/ha/năm.
Hiện tại, xã Gia Trung mới đạt 6/19 tiêu chí về NTM, đó là tiêu chí về: Quy hoạch, hệ thống chính trị, điện, bưu điện, an ninh trật tự, tổ chức HTX. Còn lại hàng loạt các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, kênh mương nội đồng… đang triển khai khá chậm do thiếu vốn. Bên cạnh đó, các tiêu chí như cơ cấu lao động, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập cũng đang "làm khó" chính quyền và nhân dân Gia Trung khi muốn đẩy nhanh lộ trình xây dựng NTM. Với mức thu nhập bình quân đầu người 9-10 triệu đồng/năm, quá thấp để huy động sức dân. Thiết nghĩ, ở một xã nghèo, còn nhiều khó khăn như Gia Trung thì bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước, có thể dưới hình thức lồng ghép với các chương trình phát triển khác để đảm bảo lộ trình hoàn thành xây dựng NTM theo đúng thời gian dự định.
Hà Phương