Trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, chúng tôi được biết hiện tại lộ trình XDNTM của xã Đông Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đang tiếp tục hoàn thiện 6 tiêu chí còn lại, trong đó khó khăn nhất là tiêu chí giao thông nông thôn. "Tiêu chí này rất khó nếu không muốn nói là gần như không thể đạt nếu không có thêm nguồn hỗ trợ của Nhà nước"- Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ. Do địa hình phức tạp, đồi núi xen đồng bằng nên xã Đông Sơn gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng đường giao thông. Đặc biệt là ở các thôn 1, 3, 5, 7 là những thôn chuyên thâm canh cây đào phai, chè xanh, dứa… nên điều kiện đi lại của bà con trong vùng rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc thương lái tìm đến thu mua nông sản và hàng hóa.
Hiện tại, xã chỉ mới bê tông, cứng hóa được 5/17 km đường giao thông nông thôn, còn lại đều là đường đất, đường rải mạt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, để hoàn thành tiêu chí giao thông, xã phải bê tông, cứng hóa 12 km đường còn lại. Đối với một xã miền núi nghèo như Đông Sơn, đây thực sự là một thử thách lớn để hoàn thành lộ trình XDNTM.
Bên cạnh tiêu chí đường giao thông, môi trường cũng được đánh giá là một tiêu chí khó đối với Đông Sơn. Mặc dù thời gian qua xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đã thực hiện tốt việc đổ rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản như đá, mỏ sét, than, vôi… rất khó để di dời những công trường này trong thời gian tới.
Tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là những "nút thắt" khó gỡ. Khó nhất để thực hiện tiêu chí thu nhập chính là cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp, với gần 70% lao động. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ.
Thêm vào đó, các lĩnh vực CN, TTCN, dịch vụ chậm phát triển, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế nên việc kéo giãn lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện một sớm một chiều.
Về tiêu chí thu nhập, thời gian qua, xã Đông Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại; mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị, đặc biệt là cây đào phai, cây chè xanh, cây dứa, hoa màu…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giải pháp đó chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn của mình, chứ chưa nâng mức thu nhập theo đúng tiêu chuẩn. Với kinh tế thuần nông, để đạt mức thu nhập 23,6 triệu đồng/người/năm như hiện tại là một nỗ lực vượt bậc của Đông Sơn. Cho nên, việc nâng mức thu nhập lên mức đạt chuẩn nông thôn mới đối với xã vẫn rất khó khăn".
Ngoài ra, các tiêu chí khác như nước sạch, cơ cấu lao động, trường học... của xã cũng gặp nhiều khó khăn khi phấn đấu đạt theo đúng tiêu chuẩn của một xã nông thôn mới. Hiện tại, Đông Sơn đã hoàn thành được 13/19 tiêu chí và phấn đấu trong năm nay sẽ đạt thêm 2 tiêu chí nữa (y tế và cơ sở vật chất văn hóa). Với 6 tiêu chí chưa đạt, chặng đường phấn đấu đưa địa phương trở thành xã nông thôn mới vào năm 2018 còn rất nhiều gian nan.
Nguyên nhân chính được đưa ra để lý giải vì sao lộ trình XDNTM ở Đông Sơn gặp nhiều khó khăn là do thiếu vốn và thiếu nguồn đầu tư. Thời gian qua, xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học..., đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Nhiều hộ dân đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình dân sinh, đường giao thông nông thôn nhưng sự đóng góp về kinh phí còn quá ít. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp còn hạn chế.
Do vậy, kinh phí thực hiện chương trình phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hạn hẹp được phân cấp hàng năm, dẫn đến việc xã luôn trong tình trạng năm sau chi trả nợ cho các công trình của năm trước và không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng những công trình đã đưa vào sử dụng.
Với đề án XDNTM của xã, tổng nhu cầu vốn hiện tại để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trên 30 tỷ đồng. Đây là một con số quá lớn, vượt xa khả năng tài chính hiện có của xã. Để giải quyết được vấn đề "khát vốn", ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước hơn bao giờ hết, cấp ủy, chính quyền xã Đông Sơn rất cần sự quan tâm về chính sách và nguồn lực từ tỉnh và thành phố, có như vậy mới đẩy nhanh được tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Nguyễn Thủy - Anh Tú