Xây dựng NTM là một nội dung cơ bản của Nghị quyết 26 do Hội nghị T.Ư 7 - khóa X ban hành về: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là một chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị hóa theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao...
Chính phủ đã ban hành 19 bộ tiêu chí xây dựng NTM, gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch (sử dụng đất, hạ tầng kinh tế - xã hội, khu dân cư); Hạ tầng kinh tế - xã hội: Giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ, bưu điện, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa; Kinh tế và tổ chức sản xuất: Thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất; Văn hóa - xã hội và môi trường: Giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường; Hệ thống chính trị: Các đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội, an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Mỗi tiêu chí có thể gồm một hoặc nhiều nội dung và mỗi nội dung đều có chỉ tiêu chung. Bên cạnh chỉ tiêu chung còn có các chỉ tiêu riêng cho từng vùng, miền, ngành, lĩnh vực. Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% vốn từ ngân sách Trung ương cho công tác quy hoạch, đường giao thông đến trung tâm xã, xây dựng trụ sở xã, trường học đạt chuẩn, trạm y tế xã, nhà văn hóa xã, kinh phí đào tạo kiến thức xây dựng NTM cho cán bộ xã, thôn, bản, HTX. Hỗ trợ một phần từ ngân sách Trung ương cho công trình cấp nước sạch sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư, đường giao thông thôn, xóm, kênh mương nội đồng. Theo đó ở giai đoạn đầu (2010-2015) sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn theo chuẩn Quốc gia, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn gấp 1,1-1,2 lần so với hiện tại, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn năm 2007), xây dựng cơ bản hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường, xử lý và ngăn chặn cơ bản ô nhiễm môi trường ở những điểm nghiêm trọng.
Hiện cả nước đang thực hiện 11 chương trình Quốc gia và nhiều chương trình, dự án lớn khác liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Đảng, Nhà nước, Chính phủ bên cạnh việc tiếp tục tăng nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình, dự án đã có thì chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM sẽ được triển khai thực hiện ở tất cả các xã trên phạm vi toàn quốc (trước đó Chính phủ đã cho triển khai thực hiện thí điểm ở 5 xã, thuộc 5 tỉnh, thành đại diện cho các vùng, miền khác nhau của cả nước). Phương châm chung là dựa vào nội lực cộng đồng địa phương là chính và Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần trực tiếp nhằm phát huy sự đóng góp của cộng đồng.
Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Với điều kiện thực tế của địa phương, trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách trực tiếp nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, hoặc liên quan đến nông nghiệp, nông thôn: Nghị quyết 03 ngày 14-4-2006 về phát triển vụ đông đi kèm với nó là chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi đầu mối, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ giống... Nghị quyết 04 về phát triển ngành nghề chiếu cói, đá mỹ nghệ, thêu ren và thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tranh, vách đất... Theo thống kê, hiện tại dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 81% dân số toàn tỉnh. Trong số 123 xã thuộc vùng nông thôn của 8 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh có 6 xã vùng biển, 38 xã miền núi và 79 xã đồng bằng.
Theo báo cáo: Kinh tế nông thôn tỉnh nhà bình quân tăng trưởng 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó: nông nghiệp chiếm 25%, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề chiếm 40%, còn lại là thương mại và dịch vụ. Khu vực nông thôn của tỉnh có khoảng 160 làng có nghề và đã có 36 làng được công nhận là làng nghề.
Nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đã hình thành khu chuyên canh sản xuất quy mô lớn: lúa cao sản, lúa chất lượng cao (Kim Sơn, Yên Khánh...), lạc (Yên Khánh, Yên Mô), dứa (Tam Điệp)... đưa giá trị thu nhập/ha canh tác đất nông nghiệp bình quân chung lên 75 triệu đồng/ha/năm. Không những thế, vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh còn được đảm bảo và có phần dư thừa với khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, nhờ thành tựu trong lĩnh vực sản xuất lương thực. Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng: toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 78% đường giao thông nông thôn, trên 61% trường học các cấp, 83% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, 100% các xã có hệ thống lưới điện Quốc gia, 100% các xã có hệ thống đài truyền thanh và bưu điện. Trình độ dân trí, văn hóa và kỹ năng sản xuất của người nông dân được nâng lên với gần 30% số lao động có qua đào tạo. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm đi rõ rệt. Thôn, xóm văn minh, tiên tiến, hiện đại xuất hiện ở nhiều nơi... Tuy nhiên, kết quả trên đối chiếu với bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Chính phủ quy định thì nông thôn Ninh Bình mới chỉ có 4 tiêu chí đạt được: Điện, bưu điện, nước sạch và hình thức tổ chức sản xuất; 6 tiêu chí chỉ đạt từ 50-80%, gồm: Thủy lợi, nhà ở dân cư, cơ cấu lao động, giáo dục, y tế, hệ thống tổ chức chính trị, xã hội; 9 tiêu chí đạt dưới 50%, gồm: quy hoạch giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất nông thôn, văn hóa, chợ, thu nhập, hộ nghèo và môi trường.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX chỉ rõ: Phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM. Với tình hình hiện tại, theo tính toán sơ bộ của các cơ quan chuyên môn thì để xây dựng thành công NTM theo chương trình của Trung ương thì tỉnh nhà phải cần có một nguồn kinh phí khá lớn (10.000 tỷ đồng) và với nguồn vốn lớn như vậy thì không thể trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Trung ương, hay chỉ huy động từ sức dân mà cần có sự khơi thông từ nhiều nguồn vốn khác nhau theo phương châm xã hội hóa sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực trong công cuộc xây dựng NTM của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng hợp liên quan đến tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, trật tự. Theo lộ trình, chương trình chia làm nhiều giai đoạn với những khó khăn và phức tạp đang hiện hữu. Do vậy trách nhiệm không thuộc về một ngành nào, cấp nào, mà cần có sự "chung tay vào cuộc" đồng bộ của cả hệ thống chính trị với sự hợp lực của các tầng lớp nhân dân mà bắt nguồn từ việc khơi dậy ý thức của họ trên cơ sở phát huy điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Trường Sinh