Phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn đồng chí Vũ Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức lễ hội để hiểu thêm về việc tổ chức lễ hội năm nay.
Phóng viên (P.V): Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư diễn ra năm nay đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình - một sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh. Xin đồng chí cho biết lễ hội năm nay được huyện Hoa Lư chuẩn bị như thế nào?
Đồng chí Vũ Văn Huân: Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư năm nay đúng vào dịp kỷ niệm 1044 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, xây dựng Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên tại Việt Nam, được tỉnh xác định là một trong ba sự kiện văn hóa lớn hướng về kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của lễ hội năm nay, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức lễ hội, huyện Hoa Lư đã bắt tay vào chuẩn bị các điều kiện cho việc tổ chức lễ hội từ đầu tháng 2 với mục đích việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo vui tươi, trang trọng, hoành tráng, ấn tượng, hiệu quả. Trong đó phải đặc biệt ưu tiên những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư.
Về phần lễ, các nghi lễ truyền thống vẫn được duy trì như mọi năm.
Riêng về phần hội, từ lễ hội năm trước huyện đã có chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao tại lễ hội, kêu gọi các địa phương, đơn vị, các đoàn thể và người dân cùng du khách tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao để tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong những ngày diễn ra lễ hội, trong đó chú trọng và đặc biệt ưu tiên những hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc, truyền thống của vùng đất Cố đô.
PV: Xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội là hết sức quan trọng. Huyện Hoa Lư đã có những giải pháp gì để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này?
Đồng chí Vũ Văn Huân: Là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trong năm, trong đó có lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất là lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư. Xác định mỗi lễ hội được tổ chức là cơ hội thu hút du khách về với Ninh Bình, là cơ hội để huyện quảng bá, giới thiệu những tiềm năng về vùng đất, con người Ninh Bình, do đó công tác xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội được huyện hết sức quan tâm. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân khi tham gia lễ hội đến việc phục vụ lễ hội và triển khai hoạt động du lịch, dịch vụ tại lễ hội, huyện Hoa Lư đã chỉ đạo các đơn vị tham gia lễ hội triển khai thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm tại lễ hội như: bói toán, xóc thẻ... nhằm đảm bảo nếp sống văn minh khi tổ chức lễ hội, ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan, hướng người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh.
Qua nhiều năm tổ chức lễ hội, chưa có năm nào để xảy ra tình trạng đáng tiếc như trộm cắp, gây lộn, tai nạn giao thông... ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, tại khu vực Khu di tích lịch sử, văn hóa đền vua Đinh - Lê, các hoạt động bán hàng, chụp ảnh, xe ôm được chấn chỉnh và đưa vào nền nếp. Huyện đã xây dựng các ki ốt bán hàng, quy hoạch các khu, điểm bán hàng, yêu cầu các hộ gia đình tham gia kinh doanh đăng ký thực hiện nếp sống văn minh... Với những nỗ lực của mình, huyện Hoa Lư mong muốn lễ hội hàng năm sẽ là "điểm nhấn" quan trọng trong hoạt động du lịch của địa phương.
PV: Xin đồng chí cho biết, những năm qua công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích được triển khai như thế nào?
Đồng chí Vũ Văn Huân: Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của Khu di tích Cố đô Hoa Lư, những năm qua tỉnh ta đã có sự quan tâm, đầu tư các dự án để tôn tạo, tu bổ. Thông qua công tác tôn tạo, bảo tồn, nhiều hạng mục đã được thi công, tạo nên diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp. Cụ thể: năm 2006, dự án đầu tư nghiên cứu và khai quật khảo cổ học Khu di tích Cố đô Hoa Lư với mức đầu tư trên 30 triệu đồng; Dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích Cố đô Hoa Lư được phê duyệt vào năm 2005 với 8 hạng mục chính: gồm Chùa Nhất Trụ, Phủ Kình Thiên, đền thờ công chúa Phất Kim...; Dự án xây dựng Quảng trường và sân lễ hội phía trước đền thờ vua Đinh và vua Lê được phê duyệt vào năm 2009...
Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với các ngành ở Trung ương và địa phương tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm giới thiệu giá trị Khu di tích Cố đô Hoa Lư để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng Khu di tích Cố đô Hoa Lư là khu di tích đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia...
Về trách nhiệm của huyện Hoa Lư, cùng với việc xây dựng nếp sống văn minh ở khu di tích, huyện đã có văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định tu sửa một số hạng mục, công trình tại khu di tích, dành nguồn kinh phí để chỉnh trang một số cơ sở hạ tầng tại khu di tích như: sửa sang hệ thống vỉa hè khu vực sân lễ hội, cắt tỉa cây cảnh khu vực 2 đền, sửa chữa một số đồ tế lễ... Với nhiều dự án đã được đầu tư tôn tạo, xây dựng và nâng cấp, các di tích, danh thắng thuộc Khu du tích Cố đô Hoa Lư chắc chắn sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách và người dân trong tỉnh.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)