Trong sản xuất nông nghiệp, yếu tố đảm bảo sự thắng lợi là hệ thống hạ tầng cơ sở, bao gồm các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, hệ thống điện nông thôn, bưu chính - viễn thông, các công trình cung cấp nước sạch... Thực tế cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại trên địa bàn tỉnh ta được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, hoàn thiện. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa cần chú trọng quy hoạch gọn vùng, khu vực sản xuất chuyên canh, tích cực đầu tư xây dựng, hoàn thiện các trang trại có quy mô chăn nuôi theo mô hình công nghiệp, trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất hiện đại, huy động các nguồn lực để kiên cố hóa giao thông nông thôn kết hợp giao thông nội đồng đảm bảo thông thương, đi lại thuận lợi.
Hàng năm hệ thống thủy lợi của tỉnh ta được quan tâm đầu tư tu bổ, nạo vét, xây dựng thường xuyên. Đối với các tuyến đê trọng điểm như đê tả, đê hữu Hoàng Long, đê biển Bình Minh, đê sông Đáy, đê Năm Căn... đã và đang được kiên cố đảm bảo yêu cầu phòng, chống lụt bão, sản xuất của tỉnh. Các trạm bơm đầu mối, kênh cấp I, II, III, cống đáp ứng được yêu cầu tưới, tiêu chống úng, lụt. Riêng về thủy lợi nội đồng, tính đến hết năm 2008, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 628.803/838.000 m kênh mương, đạt 75% so với kế hoạch đến năm 2010. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay là ở nhiều nơi, việc làm thủy lợi nội đồng trước đây có sự hỗ trợ kinh phí nhưng đến nay các đơn vị đều phải tự túc bố trí để đào đắp, tu bổ, xây dựng. Vì kinh phí có hạn nên việc làm thủy lợi nội đồng gần như chỉ nghiêng về nạo vét kênh mương, cống, bể hút các trạm bơm, tôn cao áp trúc bờ kênh, bờ vùng.
Thủy lợi là yếu tố đồng hành cùng năng suất, sản lượng cây trồng, con nuôi thủy sản. Những trận lũ lụt xảy ra trên diện rộng trong những năm qua càng khẳng định rõ hơn điều đó. Với huyện đồng chiêm Gia Viễn, là một trong những vùng "rốn lũ" nên hệ thống thủy lợi ở đây được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Ngoài các tuyến đê trọng điểm như đê tả, hữu sông Hoàng Long, đê Đầm Cút do Trung ương đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa thì các tuyến đường bờ vùng như bờ đường vùng Bắc, Nam Rịa, vùng Hoa Tiên - Gia Hưng, Phương Đông - Gia Thanh, một số bờ bao ở các xã Gia Phú, Gia Tiến, Gia Minh... có nhiều cống, trạm bơm không đảm bảo khả năng chống lũ, chưa được nâng cấp kịp thời, nhiều đoạn bị sụt lở, nứt, sạt mái, thấp, bé. Về công trình nội đồng, trên địa bàn huyện có 20 trạm bơm với 147 máy, tổng công suất thiết kế 253.900 m3/h, và một số trạm bơm dã chiến do các xã quản lý, về lý thuyết có thể thực hiện tiêu nước cho toàn huyện nhưng trên thực tế rất có thể bị sự cố khi tiêu nước chống úng.
Ngoài việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, để đảm bảo sản xuất, các địa phương cũng đã đẩy mạnh đầu tư phát triển giao thông với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" cứng hóa 100% đường giao thông huyện, xã, giao thông nông thôn (đường liên xã, đường xã), đặc biệt là duy trì, đảm bảo tuổi thọ của các công trình. Khi quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các địa phương cần đầu tư kiên cố hóa đường giao thông nội đồng, bờ vùng, bờ thửa, tạo thuận lợi trong việc đi lại và đưa cơ giới hóa, điện khí hóa vào sản xuất. ở Yên Khánh, một huyện có hệ thống thủy lợi tương đối đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân làm thủy lợi nội đồng, các xã, thị trấn trong huyện còn nỗ lực huy động sự đóng góp của nông dân để bê tông hóa đường nội đồng như xã Khánh An làm được 10 km, xã Khánh Thành đang làm khoảng 10 km. Đây là một trong những việc đầu tư thiết thực, đúng hướng cho nông nghiệp cần được nhân ra diện rộng.
Có thể thấy, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Hệ thống giao thông nông thôn được tập trung, song giao thông nội đồng trực tiếp cho các vùng chuyên canh, cho sản xuất chưa chú trọng đúng mức. Việc chuyển đổi mô hình quản lý lưới điện hạ thế nông thôn chưa thống nhất nên chất lượng điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nông dân bị ảnh hưởng. Việc xây dựng cơ sở vật chất còn nghiêng về phục vụ trồng trọt. Đối với chăn nuôi, tỉnh ta còn có quá ít những cơ sở chế biến, chăn nuôi tập trung có quy mô lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu theo mô hình hộ, gia trại, trang trại nhỏ, với hình thức chăn thả tự nhiên, chưa có sự mạnh dạn đầu tư lớn vào hệ thống chuồng trại, lán trại, nuôi công nghiệp. Do vậy, cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cụ thể nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các trang trại chăn nuôi lớn, các cơ sở chế biến tập trung nhằm hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Riêng về lĩnh vực thủy sản, ở xã bãi ngang Kim Đông (Kim Sơn), từ những năm 1998 khi người dân chuyển đổi từ trồng cói sang nuôi tôm, cua theo hướng xây dựng vùng nuôi công nghiệp sản xuất hàng hóa, xã và nhân dân đã tích cực đầu tư, quy hoạch gọn bờ đầm, bờ thửa rất thuận lợi cho sản xuất. Tuy nhiên, sự đầu tư vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ, cộng với việc chuyển đổi ồ ạt, thiếu kỹ thuật, môi trường không đảm bảo làm cho tôm chết do bị bệnh. Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã đang tìm hướng đi mới, mong muốn có được hệ thống kênh dẫn nước ngọt cắt từ Bình Minh và Cồn Thoi về đến xã nhằm rửa mặn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt và sản xuất các loại cây trồng khác vì đã có nhiều hộ thực hiện nuôi thủy sản nước ngọt cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ mong muốn xây dựng trên 10 km kênh dẫn nối từ 10 cống BM5, BM6, BM7... đã được xây xong từ năm 2006, 2007 đang để không nhằm dẫn nước mặn vào các cánh đồng, các ao đầm của khu nuôi thủy sản công nghiệp.
Xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa nhất thiết phải chú trọng vào các lĩnh vực: Trồng trọt, dồn điền, đổi thửa hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa, đồng thời chú trọng phát triển chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, cần đảm bảo đồng bộ các yếu tố hạ tầng cơ sở như thủy lợi, giao thông, cung cấp các dịch vụ, cơ giới hóa, điện khí hóa... Hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, toàn diện, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hiệp lực, hợp tác của các cấp, các ngành, sự nỗ lực phấn đấu của nông dân trong toàn tỉnh.
Hoàng Tâm