Có thể làm giàu từ nông nghiệp không? Đã có nhiều người cho rằng, một hộ làm nông nghiệp có 4 khẩu, được chia 4 sào đất nông nghiệp, trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 5 triệu đồng thì chỉ đủ ăn. Mặc dù vậy từ trước đến nay, nông dân tỉnh ta vẫn gắn bó với nông nghiệp, tuy không giàu nhưng không có hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hiện ở mức thấp so với các tỉnh khác. Thực tế cho thấy, toàn tỉnh có trên 630 trang trại cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên, an ninh lương thực luôn được giữ vững. Với tiềm năng sẵn có, người nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Cần nguồn nhân lực đủ mạnh
Những năm gần đây, Yên Nhân là một trong những xã luôn đạt năng suất, sản lượng, giá trị cây trồng cao trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Mô. Thế nhưng nếu đem so sánh thời điểm này với mấy năm trước đây thì về thực chất Yên Nhân không có bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, thậm chí mô hình làm kinh tế giỏi như chăn nuôi, VAC đã giảm đi. Đi tìm nguyên nhân, chúng tôi được biết: Hiện nay năng suất cây trồng ở đây, mà cây lúa là chủ lực đã ở ngưỡng kịch trần, với năng suất trung bình 125 tạ/ha/năm, tổng sản lượng quy thóc đạt 9.500 tấn cả năm. Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Yên Nhân cũng như nhiều đơn vị khác xác định phải "đi bằng 2 chân", có nghĩa là một mặt duy trì diện tích cấy lúa có năng suất, sản lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực, một mặt đẩy mạnh thâm canh bằng các giống lúa có giá trị kinh tế cao như lúa thuần, lúa chất lượng cao, Nếp, Tám, Dự, Thiên hương... để hướng đến sản xuất hàng hóa. Toàn xã có 691,8 ha đất nông nghiệp thì diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao chiếm 35%, góp phần đưa giá trị trên 1 ha đất canh tác của xã trung bình đạt 52 triệu đồng/năm. Mặc dù hiệu quả cao nhưng việc chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa của nông dân trong xã không đồng đều, không gọn vùng. Như ở xã có diện tích 20 ha thùng đào, thùng đấu dọc triền sông Vạc khoảng 3 km, rất thuận lợi để xây dựng mô hình VAC, hoặc lúa + cá cho thu nhập cao. Khi xã đưa ra chủ trương, vận động hơn 100 hộ dân của xóm Trung Đồng thực hiện thì gặp phải sự phản ứng, không đồng tình từ phía một số nông dân nên đành chịu. Cũng do tư tưởng đó nên xã rất khó khăn trong việc làm vụ đông và đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản, chăn nuôi vì nhiều hộ dân e ngại về giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng cao, dịch bệnh nhiều, sản phẩm tiêu thụ bấp bênh. Mặt khác, nguồn nhân lực làm nông nghiệp ở đây chủ yếu là phụ nữ, người quá tuổi lao động, trẻ em. Những lao động có sức khỏe, trình độ thâm canh, dám nghĩ, dám làm đều chuyển sang làm các nghề khác. Một số hộ lại có tư tưởng không thiết tha, chú tâm với đồng ruộng, do vậy đến thời vụ nhiều hộ đi thuê mướn lao động sản xuất như cấy, gặt, làm cỏ... nên chất lượng, hiệu quả thâm canh, sản xuất ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Tính trên địa bàn toàn xã hiện có trên 2.000 lao động làm nghề thợ xây ở các công trình trong và ngoài tỉnh, với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng; hàng nghìn lao động tham gia vào các nghề như thảm cói, sản xuất vật liệu xây dựng, đan lát, dịch vụ... với mức thu nhập từ 600.000 đến 1 triệu đồng/người/tháng.
Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa ở tỉnh ta hiện nay đang vấp phải cản trở không nhỏ là đội ngũ lao động trực tiếp tham gia sản xuất thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cũng như kỹ năng làm giàu. Nông dân làm nông nghiệp chủ yếu là phụ nữ, những người đã quá tuổi lao động, lao động tận dụng... nên trình độ chuyên môn không cao. Nhiều lao động chính có năng lực hơn thì không chú tâm, làm xong thời vụ rồi chuyển hướng sang các nghề khác hoặc đi làm ăn xa.
Trên thực tế đã có không ít nông dân làm kinh tế giỏi nhưng cũng có một bộ phận còn nặng tư tưởng bao cấp, không mạnh dạn thay đổi tập quán lạc hậu trong sản xuất, chỉ chuyên canh cây trồng chính là lúa, ngại mở rộng, phát triển thêm diện tích cây vụ đông do lo ngại thời tiết, dịch bệnh... Đã có nhiều lớp dạy nghề, đưa nghề mới về cho nông dân như đan lát, thảm cói, thêu ren, đính cườm..., việc duy trì và phát triển nghề không được thành công. Nông dân hoàn toàn có thể làm chủ khoa học công nghệ như sử dụng máy gieo mạ sạ thẳng đã thử nghiệm ở xã Khánh Thượng (Yên Mô), nuôi các con đặc sản như mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Kỳ Phú, nuôi ương cá mè giống ở Thạch Bình, nuôi thỏ tại Sơn Hà, nuôi dê ở Trường Yên, đưa các giống lúa cao sản, lúa chất lượng cao vào gieo cấy trên diện rộng... Bởi vậy, nhà nông lên lớp không phải là một khái niệm xa lạ nữa, nông dân không nên chỉ mãi cầm liềm, cầm cuốc mà cần tìm tòi, học hỏi để áp dụng tiến bộ khoa học vào đồng ruộng, thay thế dần sức lao động, mang lại giá trị kinh tế cao. Việc thiếu kiến thức ở nông dân đòi hỏi ngành chức năng, các nhà quản lý, các tổ chức tích cực mở các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và chính người nông dân phải xóa bỏ được mặc cảm về trình độ, chủ động cập nhật thông tin, học hỏi kiến thức từ nhiều phía để áp dụng vào sản xuất, tạo ra những mô hình sản xuất hiệu quả.
Và đội ngũ cán bộ tâm huyết
Xây dựng một vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, hay một mô hình tổ chức sản xuất theo hướng toàn diện, không thể thiếu được vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Họ có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, đồng thời là người dẫn dắt, tổ chức cho nông dân sản xuất. Trở lại vấn đề từ Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh mở rộng diện tích cây đông nhằm tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, đa dạng cây trồng, tăng thu nhập, tỉnh đã có hỗ trợ giống cho nông dân, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi tạo ra những chuyển dịch tích cực, diện tích vụ đông tăng nhanh, trở thành vụ sản xuất chính. Tuy nhiên, có thể thấy ở nhiều địa phương mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, vận động nông dân trồng cây vụ đông, chưa tổ chức một cách khoa học, bài bản dẫn đến hiệu quả không cao. Sản phẩm làm ra của nông dân bị thả nổi, chưa được bao tiêu một cách có hệ thống, ổn định, chỉ để sử dụng phục vụ trong gia đình. Riêng ở xã Khánh Thành (Yên Khánh), xã, HTX nông nghiệp bước đầu đã đứng ra ký kết, hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản. Sau khi đã chắc chắn có nguồn tiêu thụ sản phẩm mới tiến hành đưa giống cây, kỹ thuật vào vận động, tổ chức cho nông dân gieo trồng. Hiện nay xã đang quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng điểm chế biến nông sản tại xã cho nông dân ở khu vực ven đê Đáy và chợ Khánh Thành với diện tích 5 - 10 nghìn m2, kinh phí từ 3 - 5 tỷ đồng.
Chưa thực sự yên tâm vào sự dẫn dắt của cán bộ cơ sở, vẫn còn lo lắng vì hàng hóa tiêu thụ bấp bênh, giá cả thị trường, thời tiết, thiên tai... diễn biến bất thường là những nguyên nhân ảnh hưởng đến tư tưởng của một bộ phận nông dân làm cho họ không mạnh dạn tích tụ ruộng đất, cùng bắt tay đầu tư vào sản xuất hàng hóa. Hạn chế nữa của người nông dân là khi thấy mô hình cây trồng, con nuôi nào cho hiệu quả kinh tế cao thì ngay lập tức ồ ạt chuyển đổi tự phát mà không tính đến yếu tố tiêu thụ, khoa học kỹ thuật nên không ít mô hình bị thất bại, ảnh hưởng đến việc nhân rộng, gây tâm lý chán nản không muốn chuyển đổi cái mới và "làm ăn lớn". Ngoài lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sản xuất, việc cân nhắc, tính toán để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, trọng trách này có quá sức khi đặt lên vai đội ngũ cán bộ cơ sở không? Trong khi đội ngũ cán bộ HTX ở tỉnh vẫn còn yếu và thiếu, mới đảm nhiệm được một số khâu dịch vụ như làm đất, thủy lợi, bảo vệ thực vật... chưa làm được việc liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Một vấn đề mà người nông dân cũng đang trăn trở là tình trạng thiếu vốn sản xuất. Từ thiếu vốn đã bó buộc làm cho nhiều nông dân không mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhất là nông dân nghèo. Trong những năm qua, nhiều ngân hàng thương mại, cổ phần, hệ thống tín dụng nhân dân được mở ra, có chân rết vươn xa đến tận cơ sở đã giải quyết phần nào khó khăn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nông dân có nhu cầu vay vốn đầu tư vào sản xuất. Nhưng đối với nông dân nghèo, nhiều người còn rất dè dặt trong việc vay vốn. Từ các nguồn, mà chủ yếu là Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, hàng năm các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân đã đứng ra tín chấp cho hàng nghìn lượt hội viên vay. Với mức trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/lượt thì nguồn vốn nông dân có được để đầu tư vào sản xuất là rất nhỏ, không đủ thực hiện các mô hình như trang trại, gia trại có quy mô. Nông dân đang cần sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các tổ chức chính trị - xã hội để được vay vốn phù hợp phát triển sản xuất, mở hướng chuyên canh có quy mô.
(Còn nữa)
Hoàng Tâm