Kính thưa đồng chí Bùi Văn Nam, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình;
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và tỉnh Bạc Liêu các thời kỳ;
Kính thưa các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí lão thành cách mạng 2 tỉnh Ninh Bình - Bạc Liêu;
Thưa các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình và Bạc Liêu;
Thưa tất cả các đồng chí đại biểu; đồng bào, đồng chí Ninh Bình yêu mến!
![]() |
Thắm tình đồng chí, anh em giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Ninh Bình. |
Trước hết, thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu, tôi xin được gửi đến đồng chí Bùi Văn Nam, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo tỉnh Ninh Bình các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng toàn thể lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố của Ninh Bình; các đồng chí và đồng bào đã trực tiếp đóng góp, giúp đỡ Bạc Liêu; các đồng chí thương binh, gia đình có người thân hi sinh trên chiến trường Bạc Liêu - Cà Mau cùng toàn thể cán bộ, chiến sỹ, nhân dân tỉnh Ninh Bình lời kính chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất.
Thưa các đồng chí,
Trong suốt 53 năm qua, bất cứ lúc nào Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu cũng đều nhớ đến sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của Ninh Bình. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu không thể nào quên hình ảnh của buổi Lễ công bố Bắc - Nam kết nghĩa tại Câu lạc bộ Lao động, Hà Nội vào mùa xuân năm 1960, buổi lễ khởi đầu cho phong trào "Bắc - Nam kết nghĩa" theo chủ trương hết sức đúng đắn của Trung ương Đảng và của Bác Hồ lúc bấy giờ, để rồi sau đó, hàng loạt các tỉnh miền Bắc kết nghĩa với các tỉnh miền Nam nhằm kịp thời chi viện sức người, sức của và động viên tinh thần cho tiền tuyến lớn miền Nam. Để rồi, sau đó không lâu, sáng ngày 23/1/1960, tại hội trường Tỉnh ủy Ninh Bình, Lễ kết nghĩa giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh Bạc Liêu đã được diễn ra, do đích thân đồng chí Phan Điền, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chủ trì, cùng với các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tập kết ra miền Bắc tham dự. Và buổi tối hôm ấy, tại Sân vận động Ninh Bình đã diễn ra Lễ công bố kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu với đông đảo đồng bào Ninh Bình và liên hoan văn nghệ hết sức nghĩa tình, hết sức xúc động, đánh dấu một giai đoạn gắn bó giữa hai địa phương, ở hai đồng bằng, của hai miền đất nước.
Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu không thể nào quên hình ảnh của hàng ngàn người con từ khắp các làng quê miền Bắc, trong đó có Ninh Bình, có những người còn rất trẻ đã từ biệt gia đình, bè bạn, người thân, băng đèo, lội suối, vượt Trường Sơn, vượt bom đạn vào với miền Nam, với Bạc Liêu, cùng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bạc Liêu chiến đấu chống quân thù.
Và Bạc Liêu cũng không thể nào quên khí thế thi đua lao động, tăng gia sản xuất với những khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" được phát động thực hiện trên khắp những công trường, xí nghiệp, phố phường, làng mạc của Ninh Bình, cũng như các tỉnh hậu phương miền Bắc để bày tỏ tình đoàn kết, cổ vũ tinh thần đấu tranh của tiền tuyến miền Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng trong suốt những năm tháng đấu tranh chống Mỹ, cứu nước.
Thời kỳ ấy, để thể hiện sự gắn bó keo sơn, nhiều công trình giao thông, thủy lợi; nhiều công trình văn hóa tại Ninh Bình được đặt tên các địa danh của Bạc Liêu như: Trạm bơm Vĩnh Lợi, kênh Giá Rai, cánh đồng Long Điền, trường cấp 2 Ninh Bình - Bạc Liêu, cánh đồng Ninh Bình - Bạc Liêu, vườn cây Bạc Liêu, phòng thí nghiệm Bạc Liêu, rạp chiếu bóng Kim Mau, cống Biện Nhị, sông Cà Mau, đê Năm Căn, cầu Chà Là…
Nhân dân Bạc Liêu không thể nào quên hình ảnh của đội chiếu bóng Ninh Bình - Bạc Liêu năm xưa (mà nhân chứng lịch sử là đồng chí Hai Cương, đồng chí Bảy Huệ, hôm nay cũng đang có mặt tại hội trường này) đã vượt gian khó, hiểm nguy để vào với Bạc Liêu - Cà Mau, lặn lội đến từng xóm ấp, làng quê, các đơn vị bộ đội của Bạc Liêu, Cà Mau để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân những thước phim về Bác, về hậu phương miền Bắc, về chiến thắng của quân và dân cả nước trên các mặt trận và về những câu chuyện nghĩa tình giữa hai miền Nam - Bắc. Các đồng chí Ninh Bình thời ấy kể lại rằng: Chiếc máy chiếu bóng đó là do nhân dân Ninh Bình đã đóng góp để mua tặng cho nhân dân Bạc Liêu, người anh em kết nghĩa ở nơi cuối trời Tổ quốc.
Bạc Liêu không thể nào quên tình cảm, sự yêu thương, đùm bọc của cán bộ và nhân dân miền Bắc đối với cán bộ và con em miền Nam, trong đó có con em Bạc Liêu tập kết và học tập trên đất Bắc, trên đất Ninh Bình. Nhiều đồng chí là người Bạc Liêu, thuộc lớp những học sinh miền Nam kể lại rằng, để động viên, an ủi học sinh miền Nam trong lúc xa gia đình, hè năm nào học sinh miền Nam là người Bạc Liêu cũng đều được lãnh đạo tỉnh đón về Ninh Bình nghỉ hè và chăm sóc hết sức chu đáo.
Những nghĩa tình sắt son, sâu nặng, sự giúp đỡ vô tư đó đã tạo thêm sức mạnh, trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng vượt qua gian khổ, mất mát, hy sinh để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Thưa các đồng chí,
Đáp lại những nghĩa tình của hậu phương miền Bắc và người anh em kết nghĩa Ninh Bình, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam nói chung, Bạc Liêu - Cà Mau nói riêng luôn hướng về Bác Hồ kính yêu, hướng về miền Bắc XHCN, về quê hương Ninh Bình bằng sự tin tưởng tuyệt đối, bằng những tình cảm còn hơn ruột thịt. Miền Nam phấn khởi khi miền Bắc trúng vụ chiêm, vụ mùa; Bạc Liêu vui mừng khi Ninh Bình thu được nhiều kết quả trong tăng gia sản xuất; và miền Nam sôi lửa căm thù khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc thân yêu."Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời" là khẩu hiệu chiến đấu thể hiện tình cảm gắn bó máu thịt của 2 miền lúc bấy giờ. Cứ mỗi lần giặc Mỹ dánh phá miền Bắc thì miền Nam càng đẩy mạnh chiến tranh du kích để tiêu hao lực lượng địch, đồng thời mở nhiều trận đánh lớn để diệt bốt phá đồn, nhằm chia lửa, đáp trả những hành động ngang ngược, tàn bạo của đế quốc Mỹ đối với đồng bào miền Bắc, đồng bào Ninh Bình kết nghĩa. Đó là hành động cụ thể của miền Nam, của Bạc Liêu mỗi khi "miền Bắc gọi"..
Trong cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Ninh Bình đã trực tiếp chiến đấu, công tác tại chiến trường Bạc Liêu - Cà Mau (như chú Ba Châu, nguyên Hiệu trưởng trường Nội trú Ninh Bình trong kháng chiến); có những mối tình đã đơm hoa kết trái, tạo nên một minh chứng sống động và tuyệt đẹp của mối tình kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu (như mối tình của chú Hai Cương, người con trai của quê hương Yên Mô, Ninh Bình và cô Út Định, người con gái Bạc Liêu) - Các cô chú đều đang hiện diện tại hội trường này. Có không ít người trong số đó đã anh dũng hy sinh, nhiều người đã để lại một phần xương máu của mình trên mảnh đất Bạc Liêu - Cà Mau… Đó là sự hy sinh cao cả vì nghĩa lớn, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và cũng một phần vì miền Nam, vì Bạc Liêu ruột thịt. Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, trong đó có những cán bộ, chiến sĩ quê hương Ninh Bình kết nghĩa.
Thưa các đồng chí,
Sau ngày Tổ quốc thống nhất, Bắc - Nam thu về một mối, trong buổi ban đầu sau ngày giải phóng, các tỉnh miền Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng còn bộn bề những khó khăn, thiếu thốn, không chỉ về cơ sở vật chất mà cả về nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ. Một lần nữa, theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, nhiều cán bộ của tỉnh Hà Nam Ninh lại được tăng cường vào miền Nam trong đó có Bạc Liêu công tác (lúc đó là tỉnh chung Minh Hải), giúp Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu xây dựng cuộc sống mới.
Đặc biệt, trong đội ngũ cán bộ tăng cường lúc đó, có những đồng chí đang giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hà Nam Ninh như: đồng chí Tạ Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; đồng chí Đinh Gia Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Hà Công Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều cán bộ lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; cán bộ quân đội cùng những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng trên các lĩnh vực giáo dục, y tế và các ngành khoa học, kỹ thuật khác… Thật là xúc động và trân trọng biết bao khi trong số đó có những đồng chí đã gác lại tình riêng, để lại quê hương vợ hiền và những đứa con thơ để lên đường chi viện cho Bạc Liêu (như chú Phạm Văn Kha, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải); có những sinh viên xuất sắc đã không chọn ở lại trường đại học giữa thủ đô theo sự sắp xếp của nhà trường, cũng không chọn nơi nào khác, mà chỉ có một nguyện vọng, nguyện vọng duy nhất là được tăng cường vào Minh Hải công tác, vì "ở đó có Cà Mau nơi cuối trời Tổ quốc, có Bạc Liêu là quê hương kết nghĩa với Ninh Bình quê tôi trong suốt bao năm đánh Mỹ". Những đồng chí đó, nay đang nghỉ hưu trên đất Ninh Bình nhưng vẫn nặng lòng với Bạc Liêu ruột thịt nơi cuối trời Tổ quốc; những sinh viên đó đã ở lại và gắn bó với miền đất Bạc Liêu, và hôm nay đang có mặt trong hội trường này (như đồng chí Phạm Thị Liễu, nguyên Hiệu trưởng trường Mầm non thị xã Bạc Liêu)...
Rồi khi vào đến Bạc Liêu, trong điều kiện rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, chỗ nơi làm việc và ăn ở, sinh hoạt; lại trong hoàn cảnh xa quê hương, xứ sở, chưa quen với phong tục, tập quán, tính cách của người dân địa phương và môi trường công tác mới, nhưng các đồng chí vẫn bám trụ, vì sự nghiệp chung, vì trách nhiệm đối với Đảng, tình cảm với nhân dân Bạc Liêu mà đem hết nhiệt tình, tâm huyết ra cống hiến xây dựng Bạc Liêu.
Ngoài lực lượng cán bộ dân sự, cán bộ quân đội và giáo viên tăng cường, đến với Bạc Liêu còn có hơn 3 ngàn người dân Ninh Bình. Đây là những người con cần cù lao động, chịu thương chịu khó, những người đã góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Bạc Liêu hôm nay.
Khó có lời lẽ nào có thể diễn tả hết được những câu chuyện, những tình sâu, nghĩa nặng đó. Không vì lợi ích cá nhân, chỉ có trái tim nhiệt huyết, lòng yêu nước và tình cảm ruột thịt với miền Nam, với Bạc Liêu đã thôi thúc những người con của quê hương miền Bắc, của quê hương Ninh Bình xông pha vào nơi lửa đạn; chấp nhận xa quê, xa gia đình khi tuổi mới đôi mươi; quyết từ chối làm việc ở những nơi thuận lợi, để vào với chốn đồng chua, nước mặn và nguyện gắn bó cả cuộc đời mình nơi tận cùng đất nước, nơi mà ngày ấy, do điều kiện đất nước còn bao khó khăn, muốn về thăm quê ngay cả khi gia đình có hữu sự, giỗ chạp hay tết nhất… cũng không phải là điều dễ dàng gì.
Thưa các đồng chí,
Để đáp lại nghĩa tình sâu nặng đó, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lãnh đạo tỉnh Minh Hải cũng đã có nhiều hoạt động gắn kết nghĩa tình với tỉnh Hà Nam Ninh. Hai tỉnh cũng đã có nhiều chuyến thăm nhau để thắt chặt mối quan hệ kết nghĩa. Lãnh đạo tỉnh Minh Hải trước đây, Bạc Liêu - Cà Mau hiện nay luôn xem cán bộ và nhân dân người Ninh Bình ở Cà Mau - Bạc Liêu như người Cà Mau - Bạc Liêu vậy; luôn yêu quý con người và quê hương Ninh Bình; luôn tạo điều kiện để các đồng chí và bà con người Ninh Bình phát triển trên mọi lĩnh vực.
Năm 1997, tỉnh Minh Hải chia tách thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Với truyền thống kết nghĩa năm xưa, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục có nhiều việc làm thiết thực để vun đắp cho mối quan hệ này thêm bền chặt. Tỉnh luôn tạo điều kiện cho cán bộ gốc Ninh Bình, hiện nay có nhiều đồng chí giữ chức vụ cấp trưởng, phó ngành tỉnh là người Ninh Bình. Kể từ năm 2003, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đều có cuộc họp mặt mừng xuân với các đồng chí cán bộ miền Bắc tăng cường, trong đó chủ yếu là cán bộ người Ninh Bình; bà con nhân dân là người Ninh Bình đều có đời sống phát triển, rất ít hộ nghèo. (Trong tổng số 573 hộ người Ninh Bình, đã có 321 hộ giàu và khá, chỉ còn 3 hộ nghèo). Nhiều người Ninh Bình là chủ doanh nghiệp đang "ăn nên làm ra"; cán bộ và nhân dân người Ninh Bình ở Bạc Liêu có mối quan hệ rất tốt với cán bộ và cộng đồng dân cư, tất cả đều xem Bạc Liêu là quê hương thứ hai của mình. Các địa danh của Ninh Bình như: Ninh Bình, Hoa Lư, Kim Sơn... đã được chọn đặt tên cho các công trình của Bạc Liêu từ rất lâu và được giữ mãi đến ngày hôm nay. Nhà thơ Lê Chí đã cảm xúc viết lên rằng:
"Bạc Liêu chẳng có huyện Kim Sơn
Nhưng đó lại là tên một cây cầu quen thuộc…
… Bạc Liêu sao có phố Ninh Bình
Tên một tỉnh xa nghìn cây số?
Con thuộc làu một bài vọng cổ
Về vua Đinh - Lê - Thái hậu Vân Nga"
Đó có thể coi là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết Bắc - Nam, là nghĩa tình sâu nặng của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu chúng ta. Nghĩa tình ấy đã đi qua năm tháng, kết tinh thành truyền thống quý báu của hai địa phương chúng ta, mà tôi nghĩ rằng, và chắc chắn các đồng chí Ninh Bình cũng đã và đang nghĩ rằng, chúng ta phải nỗ lực gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ kế tiếp sau này.
Thưa các đồng chí,
53 năm đã trôi qua kể từ ngày hai tỉnh chúng ta kết nghĩa, nhất là sau 16 năm kể từ ngày tỉnh Minh Hải chia tách thành 2 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau, những tình cảm, những đóng góp, những hy sinh của Ninh Bình đối với Bạc Liêu cứ canh cánh bên lòng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Chúng tôi - các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu sau này mong muốn có một ngày nào đó có đoàn cán bộ của Bạc Liêu chính thức đến thăm Ninh Bình, nói nên lời cảm ơn và biết ơn các đồng chí Ninh Bình. Chúng tôi biết rằng, Ninh Bình giúp đỡ Bạc Liêu rất vô tư, nhưng Bạc Liêu coi đó như là ơn nghĩa lớn. Hôm nay, trên quê hương Ninh Bình, trên mảnh đất cố đô linh thiêng và hùng vĩ, thay mặt Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu, tôi xin được trân trọng gửi đến Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình lời cảm ơn sâu sắc về sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa trong những năm tháng kháng chiến giành độc lập, cũng như trong xây dựng và phát triển Bạc Liêu từ sau ngày giải phóng đến nay.
Nguyện đời đời biết ơn các liệt sĩ và xin chia sẻ những mất mát, hy sinh của các gia đình chính sách, những người trực tiếp tham gia chiến đấu, hy sinh tại chiến trường Bạc Liêu - Cà Mau năm xưa. Cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ, những người con của quê hương Ninh Bình đã đồng cam, cộng khổ với Bạc Liêu trong suốt những năm tháng khó khăn sau ngày giải phóng và đã coi Bạc Liêu là quê hương thứ hai của mình để gắn bó, lập nghiệp và xây dựng cuộc sống mới.
Thưa tất cả các đồng chí,
53 năm đã trôi qua, lịch sử của đất nước đã trải qua nhiều giai đoạn, Ninh Bình và Bạc Liêu đã nhiều lần được sáp nhập, chia tách và có lúc được biết đến với những cái tên hoàn toàn mới. Nhưng, nhìn lại toàn bộ quá trình hơn nửa thế kỷ từ khi kết nghĩa đến nay, trải qua nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh và nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo nối tiếp nhau, tuy việc trao đổi đoàn ra đoàn vào có lúc chưa thường xuyên, song nghĩa tình giữa Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh vẫn luôn sắt son, bền chặt, trước sau như một và đang tiếp tục được xây đắp, vun bồi.
Hôm nay chúng ta kỷ niệm 53 năm ngày hai tỉnh kết nghĩa, trong điều kiện, hoàn cảnh hoàn toàn mới; cả hai tỉnh đều đã có những đổi thay sâu sắc và đang từng bước phát triển, hội nhập với cả nước.
Ninh Bình giờ đây đã trở thành một tỉnh phát triển năng động với mức tăng trưởng nhanh; thu ngân sách hơn 3.400 tỷ đồng mỗi năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt của thành thị và nông thôn đã đổi mới sâu sắc.
Nói đến Ninh Bình hôm nay là nói đến một vùng đất đầy tiềm năng, đang được khai thác, phát triển năng động và bền vững. Là dáng dấp của một tỉnh có thế mạnh về phát triển công nghiệp và dịch vụ. Và đặc biệt, Ninh Bình đang được biết đến như một trọng điểm du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, với gần 4 triệu lượt du khách/năm, mức doanh thu hơn 655 tỷ đồng. Những Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An, Chùa Bái Đính, Tam cốc Bích động, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, rừng Quốc gia Cúc Phương, Nhà thờ đá Phát Diệm… là những địa danh nổi tiếng, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong nước và thế giới trên hành trình du lịch. Đó là những lợi thế đã, đang và sẽ tiếp tục chắp cánh cho Ninh Bình phát triển lên một tầm cao mới.
Về với Ninh Bình hôm nay, chúng tôi hết sức phấn khởi và ấn tượng về sự phát triển mọi mặt trên quê hương của các đồng chí. Thay mặt Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu, tôi xin được chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình anh em đã đạt được trong thời gian qua. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với truyền thống lịch sử văn hóa từ ngàn xưa, với sự năng động, sáng tạo của các đồng chí lãnh đạo, sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Ninh Bình nhất định sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, trở thành một tỉnh giàu mạnh của cả nước. Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã thay mặt nhân dân cả nước làm một việc nghĩa lớn, đó là lo việc phụng thờ các bậc tiền hiền, có công khai quốc, chắc chắn sẽ được hưởng phúc của tổ tiên để Ninh Bình trở thành một tỉnh giàu, đẹp nhất nhì của cả nước, nhân dân Ninh Bình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với Bạc Liêu, như các đồng chí cũng đã biết, là một tỉnh nằm trên bán đảo Cà Mau, gần cực Nam của Tổ quốc, với dân số hơn 870 ngàn người, diện tích tự nhiên gần 2.600km2. Khi mới được tái lập năm 1997, Bạc Liêu là một tỉnh rất nghèo; kinh tế, xã hội trong tình trạng kém phát triển; kết cấu hạ tầng lạc hậu, thiếu đồng bộ; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chưa tới 250 USD, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 29%; thu ngân sách 1 năm chỉ ở mức 124 tỉ đồng; là một trong những tỉnh nghèo nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Sau gần 17 năm phấn đấu, trải qua 4 kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, Bạc Liêu đã từng bước vượt qua được khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng khá cao, nhịp độ tăng trưởng bình quân của 16 năm qua là gần 13%. So với năm 1997, năm 2012: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 7 lần; thu ngân sách tăng gần 9 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần; cơ cấu kinh tế đang có bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Môi trường đầu tư của tỉnh được đặc biệt quan tâm, năm 2012 chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Bạc Liêu được xếp hạng 7/63 tỉnh, thành của cả nước, tăng 57 bậc so với năm 2009. Nhờ những tiến bộ ấy, nên Bạc Liêu đã và đang được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư ngày càng nhiều hơn.
Một trong những dự án động lực mà chúng tôi đang triển khai thực hiện đó là dự án Nhà máy Điện gió, với tổng công suất 92 MW, đang trình Chính phủ để nâng công suất lên 480 MW với tổng vốn đầu tư 1 tỷ đô la Mỹ; đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với 10 trụ tuabin (16MW), chuẩn bị hòa vào lưới điện quốc gia và đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Dự án khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm Điện gió của đồng bằng sông Cửu Long; là một địa điểm hấp dẫn cho du khách đến tham quan; là nguồn thu quan trọng cho ngân sách tỉnh.
Là tỉnh ven biển, hằng năm Bạc Liêu có hơn 126 ngàn ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp gần 15 ngàn ha, với tổng sản lượng thủy sản năm 2012 đạt hơn 258 ngàn tấn; vì vậy mà Bạc Liêu chủ trương đầu tư mạnh cho nuôi trông thủy sản theo hướng vừa thâm canh sâu, nuôi theo mô hình công nghiệp, vừa nuôi theo mô hình quảng canh, nuôi sinh thái. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Hiện nay, Bạc Liêu có 17 nhà máy chế biến thủy sản, hằng năm đóng góp khá lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động mỗi năm.
Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, lại nằm ở cuối lưu vực của sông Cửu Long nên được phù sa bồi đắp, hằng năm, lấn biển tự nhiên từ 50 đến 80 m, với hơn 4 ngàn ha rừng ngập mặn ven biển xanh tươi, nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao. Có 2.500ha đất sản xuất muối ăn, muối thực phẩm (muối Bạc Liêu vốn nổi tiếng ngon từ xa xưa). Đặc biệt, với môi trường ôn hòa và trong lành, nên Bạc Liêu còn là một trong những địa bàn có rất nhiều chim yến về làm tổ, cũng như có nhiều vườn chim tầm cỡ. Từ những lợi thế đó, tỉnh đang bước đầu hình thành các dự án du lịch và sẽ tiếp tục thu hút đầu tư để phát triển các cụm du lịch sinh thái ven biển, du lịch sinh thái rừng, gắn với phát triển nghề nuôi yến thương phẩm.
Bạc Liêu còn có cửa biển Gành Hào rộng 500m, độ sâu 13m, rất phù hợp cho các nhà đầu tư muốn xây dựng thương cảng và dịch vụ hậu cần nghề cá cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài những tiềm năng kinh tế, Bạc Liêu còn là quê hương của bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bản vọng cổ, bài ca vua của sân khấu cải lương; Bạc Liêu cũng là cái nôi lớn của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Với giá trị nghệ thuật độc đáo và sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân nên hiện nay, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã đuợc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012 và sẽ được UNESCO xét công nhận vào cuối năm 2013. Với những điều nói trên, Bạc Liêu đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho đăng cai tổ chức Festival đờn ca tài tử quốc gia lần đầu tiên, gắn với công bố Quyết định của UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào đầu năm 2014. Lúc đó, chúng tôi rất mong muốn được đón tiếp đông đảo các đồng chí, đồng bào - người anh em kết nghĩa Ninh Bình vào thăm và tham dự.
Đến với Bạc Liêu, các đồng chí sẽ gặp những con người với tính cách phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình, khoan dung, thân thiện - tính cách đặc trưng của người Bạc Liêu, điều mà lãnh đạo tỉnh đang hết sức phát huy nhằm giữ gìn và phát triển bản sắc riêng của mình, đồng thời cũng làm lợi thế để thu hút đầu tư cho tỉnh. Về điều này, Bạc Liêu cũng cảm nhận tính thân thiện, hiếu khách của người Ninh Bình, thể hiện rất đẹp văn hóa ứng xử của vùng đất cố đô ("Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An). Đến Bạc Liêu, các đồng chí cũng sẽ được nghe nhiều giai thoại và sự thật về "Công tử Bạc Liêu", nói lên tính cách hào sảng, phóng khoáng của người Bạc Liêu, mà hiện nay vẫn còn hiện hữu cụm di tích nhà "Công tử Bạc Liêu" với gần 100 năm tuổi, được xây dựng theo phong cách kiến trúc của Pháp. Hiện nay, cụm nhà Công tử Bạc Liêu đang được trùng tu, tôn tạo, phục hồi lại nguyên trạng và đầu tư thêm một số hạng mục để khai thác du lịch.
Bạc Liêu cũng có những khu du lịch tâm linh thể hiện tầm cỡ của vùng, cũng như những sản phẩm du lịch văn hóa khá độc đáo khác. Tất cả những tiềm năng ấy đã, đang và sẽ tiếp tục được Bạc Liêu đầu tư, xây dựng, khai thác để phát triển du lịch - ngành mà tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của mình. Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, nghệ thuật với quy mô cấp vùng; xây dựng và phát huy tích cách phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình, hiếu khách, thân thiện của người Bạc Liêu, để qua đó thu hút đầu tư, phát triển du lịch là hướng đi của Bạc Liêu hiện nay. Chính vì vậy mà tỉnh xác định "Bạc Liêu đi lên từ văn hóa". Về điều này, Bạc Liêu và Ninh Bình có những điểm tương đồng. Hiện tại, cũng nhờ những nỗ lực, cố gắng ban đầu ấy, mà hiện nay Bạc Liêu vừa được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chọn là một trong 5 tỉnh có sản phẩm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL, được mệnh danh là "Bạc Liêu - điểm hẹn văn hóa".
Đó là một số thành tựu, lợi thế của Bạc Liêu, cũng là định hướng phát triển mà chúng tôi sẽ chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được rằng, mặc dù đã có bước phát triển, đạt được một số thành tựu trên các lĩnh vực, nhưng Bạc Liêu vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Và nếu so với Ninh Bình thì Bạc Liêu còn phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa. Sự phát triển, những thành tựu đạt được của các đồng chí trên các lĩnh vực, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là sự đồng lòng chỉ đạo quyết liệt, bản lĩnh của tập thể lãnh đạo Ninh Bình, bản lĩnh của doanh nghiệp Ninh Bình... sẽ là những kinh nghiệm quý giá để Bạc Liêu học tập. Bạc Liêu cũng mong muốn và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của Ninh Bình đến đầu tư làm ăn tại Bạc Liêu để vừa phát triển doanh nghiệp lớn mạnh, vừa giúp Bạc Liêu phát triển đi lên, đó cũng là việc làm thiết thực để thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh, nâng chất lượng quan hệ liên kết, hợp tác phát triển giữa hai tỉnh chúng ta. Tôi vô cùng xúc động khi đến thăm Tập đoàn kinh tế Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn đã phát biểu chân tình: "Tập đoàn kinh tế Xuân Thành là con của Ninh Bình - Bạc Liêu, thời gian qua tuy đã đầu tư ở trên 30 tỉnh thành trong nước nhưng chưa đầu tư vào Bạc Liêu, do đó sẽ có trách nhiệm đầu tư vào Bạc Liêu". Nếu không thấm sâu tình kết nghĩa giữa hai tỉnh, sẽ không nói được điều đó. Bạc Liêu xin sẵn sàng đón chào Tập đoàn Xuân Thành cũng như các tập đoàn kinh tế khác của Ninh Bình!
Thưa các đồng chí, những người anh em Ninh Bình quý mến!
Trong chiến tranh, trong giai đoạn gian khổ, hy sinh và khó khăn, thiếu thốn nhất vừa qua, chúng ta đã làm được một việc nghĩa cao cả; đã kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau, thì việc ký kết, hợp tác để cùng phát triển trong giai đoạn mới sẽ càng làm tăng thêm ý nghĩa và giá trị nhân văn của truyền thống tốt đẹp ấy.
Tôi rất nhất trí với ý kiến của đồng chí Bùi Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình là: việc tổ chức lễ kỷ niệm và ký kết hợp tác phát triển hôm nay chỉ là bước khởi đầu của một thời kỳ mới, nhưng rất quan trọng; để việc hợp tác phát triển giữa hai tỉnh đi vào chiều sâu và đạt kết quả tốt đẹp, chúng ta sẽ có nhiều việc phải làm. Trước mắt hai tỉnh cần thiết có một bản ghi nhớ và một số công việc cụ thể cần triển khai thực hiện ngay sau Lễ kỷ niệm hôm nay; trong đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ triển khai một số công việc cụ thể như sau:
1- Bạc Liêu sẽ xây dựng Tượng đài kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu tại Quảng trường Hùng Vương, dự kiến khánh thành vào tháng 4/2014 nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đúng vào dịp tổ chức Festival đờn ca tài tử quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Bạc Liêu.
2- Tỉnh Bạc Liêu thống nhất đặt tên một số tuyến đường, công trình văn hóa công cộng mang các địa danh, nhân vật của Ninh Bình như:
- Đường Ninh Bình (thuộc khu đô thị mới phường 2, đoạn từ Cầu Bạc Liêu đến đường Cao Văn Lầu). Đây là một trong những con đường lớn và đẹp ở Bạc Liêu;
- Cầu Tràng An (cầu dây văng ở thành phố Bạc Liêu, 1 cây cầu có kiến trúc đẹp);
- Đường Đinh Tiên Hoàng;
- Trường Trung học cơ sở phường 2 (thành phố Bạc Liêu) sẽ đổi tên thành trường Trung học cơ sở Bạc Liêu - Ninh Bình;
- Ngoài ra, mỗi huyện, thành phố của Bạc Liêu sẽ chọn một công trình để đặt tên mang địa danh hoặc danh nhân của Ninh Bình…
3- Bạc Liêu cũng sẽ phát động phong trào sáng tác (vọng cổ và thơ ca, nhạc, kịch…) ca ngợi tình cảm gắn bó giữa hai tỉnh Ninh Bình và Bạc Liêu.
4- Đẩy mạnh giáo dục truyền thống tốt đẹp giữa hai tỉnh. Sẽ chỉ đạo phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các đoàn nghệ thuật của hai địa phương, nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phục vụ nhân dân hai tỉnh.
5- Thống nhất chủ trương cho các ngành của tỉnh, trước mắt là: Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bạc Liêu, Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật liên kết, hợp tác để học tập kinh nghiệm với các ngành tương ứng của tỉnh Ninh Bình.
Chủ trương cho:
Thành phố Bạc Liêu xin được kết nghĩa với thành phố Ninh Bình;
Huyện Vĩnh Lợi kết nghĩa với huyện Hoa Lư,
Huyện Đông Hải kết nghĩa với huyện Kim Sơn;
Huyện Hòa Bình kết nghĩa với huyện Yên Khánh;
Huyện Giá Rai kết nghĩa với thị xã Tam Điệp;
Huyện Phước Long kết nghĩa với huyện Yên Mô và huyện Nho Quan;
Huyện Hồng Dân kết nghĩa với huyện Gia Viễn.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Ôn lại những tình cảm keo sơn, gắn bó trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh, mất mát, chúng ta càng cảm thấy tự hào và quý trọng những nghĩa tình mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh đã dầy công vun đắp, xây dựng nên. Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu sẽ làm hết sức mình để xứng đáng với tình cảm mà đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã dành cho Bạc Liêu trong thời gian qua; đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng, gìn giữ, tô thắm thêm mối quan hệ nghĩa tình đó; quyết tâm xây dựng mối quan hệ Bạc Liêu - Ninh Bình trở thành 1 trong những mối quan hệ mẫu mực của tình đoàn kết Bắc - Nam.
Một lần nữa, xin kính chúc đồng chí, đồng bào Ninh Bình tiếp tục dành nhiều thành tựu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Ninh Bình; chúc tình đoàn kết giữa Ninh Bình - Bạc Liêu ngày càng phát triển.
Bạc Liêu kết nghĩa Ninh Bình
Keo sơn, gắn bó mối tình Bắc Nam
Khó khăn ta vẫn chung tình
Ngày nay thuận lợi nguyện hết mình với nhau!!!
Xin trân trọng cảm ơn!
(*) Đầu đề do Báo đặt