Vụ mùa này, mô hình lúa - cá kết hợp lần đầu tiên được triển khai ở xã Lạng Phong (Nho Quan) một cách quy mô, bài bản. 10 hộ dân, trong đó có cả đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã xin được đứng ra thực hiện thí điểm mô hình trên quy mô diện tích 12 ha. Đây là phần diện tích thuộc các thôn Sào Hạ, Đá Thượng, Tràng An, hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, chỉ sản xuất được 1 vụ đông xuân.
Sau khi đi tham quan học tập ở một số địa phương, được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cá, cách bón phân, sử dụng thuốc BVTV hợp lý cho lúa, 10 hộ dân này đã tiến hành cải tạo bờ vùng, bờ thửa và mạnh dạn thả gần 300 nghìn con cá giống các loại. Kết quả khảo sát mô hình vừa qua, sau gần 1 tháng chăm sóc, cá sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt gần 80%. Theo tính toán nếu mô hình thành công sẽ đem lại thu nhập từ 20-30 triệu đồng mỗi ha, mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế gia đình của những hộ dân vùng trũng.
Còn tại xã Phú Lộc (Nho Quan) mô hình gà thả vườn đã được triển khai 3 năm nay thu hút hàng chục hộ dân tham gia. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân xã đã đứng ra tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học và làm cầu nối cung cấp giống gà sạch bệnh cho những hộ dân có nhu cầu. Chị Hoàng Thị Yến, thôn Yên Sơn, xã Phú Lộc cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng từ khi chị thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn, thu nhập được cải thiện đáng kể. Hiện nay, lúc nào trong vườn nhà chị cũng có khoảng 500 con gà thịt, cứ sau 3-4 tháng chị lại xuất 1 lứa, thu lãi 20-30 triệu đồng tùy thời điểm.
Mô hình lúa - cá hay nuôi gà thả vườn chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình mà Ban chỉ đạo NTM huyện Nho Quan đã triển khai đồng loạt ở các xã trên địa bàn huyện. Hiệu quả của các mô hình này không chỉ giúp người dân các xã có được những địa chỉ tin cậy để học tập, chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng tiêu chí giảm nghèo, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân. Nếu như năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện ở mức 9,77% thì đến năm 2013, tỷ lệ này giảm còn 8,09%.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nho Quan phấn khởi cho biết: Cái được lớn nhất trong quá trình triển khai mô hình là giúp người dân thấy rằng mình hoàn toàn có khả năng nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, một phương thức canh tác nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ và biết liên kết với nhau. Huyện đang khuyến khích các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và vận động các hộ thực hiện dồn điền, đổi thửa. Song song với đó, tích cực kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cùng vào cuộc, hỗ trợ người nông dân để họ tự tin đầu tư vào sản xuất".
Xác định muốn nâng cao thu nhập của người dân thì cần phải xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, thời gian qua Ninh Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ để người nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, xây dựng và mở rộng các mô hình kinh tế như: Hỗ trợ sản xuất vụ đông, hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa chất lượng cao (ở xã Khánh Cường, Khánh Hải), xây dựng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản trên cơ sở ứng dụng KHCN tại xã Khánh Nhạc, Khánh Hải… Vì vậy, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện đến nay tỉnh ta đã có trên 180 mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Đến thời điểm này thu nhập của người dân ở 13 xã dự kiến về đích NTM trong năm 2014 đã đạt 21,8 triệu đồng/người/năm, tăng 7 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,2%, giảm 3% so với năm 2011.
Việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương đã và đang xây dựng NTM không chỉ giúp người dân có kinh tế ổn định mà còn từng bước vươn lên làm giàu và hình thành những vùng sản xuất chuyên canh. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh, thiên tai và giá bán nông sản bấp bênh. Vì vậy, việc xây dựng cũng như nhân rộng các mô hình sản xuất rất cần có giải pháp và sự phối hợp giữa các ngành một cách đồng bộ.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình cho rằng: Không nên lấy điển hình nào về sự phát triển kinh tế và thành công ở một địa phương để khái quát và áp dụng chung cho toàn tỉnh. Mỗi địa phương phải có sự đa dạng về mô hình để phát triển cho phù hợp. Ba năm qua, Sở Nông nghiệp &PTNT, trực tiếp là Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh đã phối hợp với các huyện tổ chức xây dựng một số mô hình cụ thể, phát huy lợi thế vùng miền để phát triển kinh tế. Vùng biển có mô hình nuôi tôm thâm canh tại xã Kim Đông, vùng núi Nho Quan thì chọn xã Yên Quang để xây dựng mô hình cây khoai sọ, vùng du lịch như Gia Sinh thì phát triển mô hình gà thả vườn… Những mô hình này khi có hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, có tập trung chỉ đạo thì rất hiệu quả.
Một thực tế hiện nay là việc thúc đẩy cho ra đời các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả vẫn chưa đạt được trên diện rộng. Ngoài ra, các địa phương cũng chậm hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất. Các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ ở nông thôn chưa có chuyển biến tích cực. ở nhiều địa phương, lãnh đạo vẫn chưa quan tâm tạo vốn hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả ở địa bàn thôn, xã để người dân học tập.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình cho biết thêm: Đa số các mô hình khi triển khai nhân rộng đều vướng về vốn cũng như thị trường tiêu thụ. Hiện nay, Sở Nông nghiệp &PTNT đang chỉ đạo đẩy mạnh mũi tiêu thụ sản phẩm, quyết tâm từ nay đến cuối năm sẽ đưa khoảng 10 sản phẩm lên sàn giao dịch để tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: Hà Phương