PV: Xin đồng chí cho biết khái quát tình hình thực hiện công tác PCCC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua? Đ/c Đinh Ngọc Khoa: Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của nhân dân, phong trào toàn dân PCCC ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 3 văn bản chỉ đạo công tác PCCC và ban hành 11 văn bản chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác PCCC, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC xây dựng, tổ chức thực hiện 34 chương trình, kế hoạch PCCC.
Lực lượng Cảnh sát PCCC& Cứu nạn, cứu hộ (CNCH) triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với các cơ quan truyền thông tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo về PCCC.
Vận động các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân ký 1304 bản cam kết đảm bảo an toàn PCCC, mở 62 lớp huấn luyện về nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng với 2873 lượt người tham gia. Phối hợp với các sở, ban, ngành thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về công tác PCCC ở các cơ sở trọng điểm.
Trong 9 tháng đầu năm 2015 đã kiểm tra 1.474 lượt cơ sở, lập 1.474 biên bản. Phát hiện và đề nghị cơ sở khắc phục kịp thời 937 sơ hở thiếu sót về PCCC, trong đó tập trung vào các cơ sở trọng điểm như chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, các cơ sở trong khu dân cư, khu cụm, công nghiệp, xăng dầu, vật liệu nổ. Lập biên bản vi phạm hành chính 108 trường hợp. Cảnh cáo 5 trường hợp, tịch thu tang vật 14 trường hợp, đình chỉ hoạt động 1 trường hợp, phạt tiền 88 trường hợp với tổng số tiền phạt 84,9 triệu đồng.
Trong năm, lực lượng PCCC đã bổ sung 8 phương án chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố lớn. Tổ chức 4 đợt khảo sát giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy. Thường xuyên bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy, đảm bảo lực lượng và phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phòng ngừa và bố trí lực lượng, phương tiện thường trực chữa cháy nên năm qua tại tỉnh ta không xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Những vụ cháy nhỏ xảy ra đều được dập tắt kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo An ninh trật tự tạo môi trường ổn định cho đầu tư và phát triển.
PV: Để phát huy hiệu quả công tác PCCC tại cơ sở và khu dân cư, xin đồng chí cho biết thêm việc củng cố, xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Đinh Ngọc Khoa: Trong công tác PCCC, ngoài sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC thì cần có sự phối, kết hợp chặt chẽ, tích cực của chính quyền các cấp và người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp.
Thời gian qua, lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng đã được các cơ quan, doanh nghiệp, chính quyền các cấp quan tâm, xây dựng và đầu tư một phần kinh phí hoạt động.
Tuy vậy, thực tế hiệu quả hoạt động của lực lượng này chưa cao, đặc biệt là lực lượng dân phòng tại địa bàn các khu dân cư.
Theo quy định của Luật PCCC thì số lượng đội dân phòng ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh ta còn thiếu và yếu, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác PCCC tại khu dân cư.
Để củng cố và xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng đủ mạnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, đó là: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng; triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ sở, chính quyền các cấp trong việc tổ chức các hoạt động PCCC tại cơ sở và khu dân cư.
Thường xuyên rà soát, bổ sung, xây dựng mới các đội PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho các lực lượng này để đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC trong giai đoạn hiện nay.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an các cấp phải có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn thủ trưởng các đơn vị, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ sở tổ chức, quản lý, chỉ đạo hoạt động của đội PCCC cơ sở, dân phòng.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng, thực hiện tốt chế độ chính sách đãi ngộ đối với lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.
Các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình cần quan tâm đầu tư mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy tại chỗ theo quy định; đảm bảo có đầy đủ các dụng cụ, phương tiện cần thiết tổ chức chữa cháy hiệu quả ngay từ khi đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.
PV: Với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta hiện nay, tình hình cháy nổ sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC trong tình hình mới, theo đồng chí cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì?
Đ/c Đinh Ngọc Khoa: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhiều khu, cụm công nghiệp hình thành, đi vào hoạt động, các nhà máy lớn sử dụng hàng ngàn lao động, tính chất sản xuất hiện đại, quy mô sản xuất lớn, nguyên phụ liệu đưa vào sản xuất là các chất dễ cháy nổ, các công trình cao tầng được xây dựng nhiều lên, đòi hỏi công tác phòng chống cháy nổ phải có lực lượng và phương tiện chính quy, tinh nhuệ và hiện đại mới đáp ứng được yêu cầu.
Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, Đảng ủy, ban Giám đốc Công an tỉnh luôn đặt vấn đề công tác XDLL Cảnh sát PCCC&CNCH đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ cấp bách.
Tuy nhiên, với xu thế phát triển kinh tế xã hội hiện nay, tình hình cháy nổ sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó lực lượng Cảnh sát PCCC mới chỉ có 1 đội chữa cháy trung tâm đặt tại thành phố Ninh Bình sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ và gặp nhiều khó khăn trong tổ chức cứu chữa các vụ cháy nổ xảy ra, đặc biệt là ở các địa bàn xa do thời gian huy động lực lượng, phương tiện đến đám cháy dài.
Năm 2009, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng đề án quy hoạch hệ thống cơ sở PCCC đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, tại 8 huyện, thành phố đều có các đội Cảnh sát PCCC khu vực.
Nhưng đến nay, việc triển khai thực hiện các Đề án còn chậm, chỉ có đội PCCC khu vực Tam Điệp được cấp đất, việc triển khai xây dựng trụ sở doanh trại vẫn chưa thực hiện được. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đưa ra một trong những nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ là lập đề án trình UBND tỉnh và báo cáo Bộ Công an quyết định thành lập Cảnh sát PCCC tỉnh Ninh Bình.
Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội, cũng như từng bước xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đặt ra, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng ban chức năng khảo sát, xây dựng Đề án thành lập 4 đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực ở các địa bàn: huyện Kim Sơn, huyện Yên Khánh, huyện Gia Viễn, và Nho Quan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đội Cảnh sát PCCC khu vực thành phố Tam Điệp; để tăng cường thêm lực lượng Cảnh sát PCCC bám sát địa bàn thu hẹp bán kính bảo vệ của các đội chữa cháy khu vực, đáp ứng yêu cầu chữa cháy được kịp thời, hiệu quả khi có cháy xảy ra.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, ngoài sự nỗ lực của Công an tỉnh, thì phải được sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương về cấp đất, cũng như kinh phí xây dựng; sự quan tâm của Bộ Công an về tăng biên chế và cấp thêm phương tiện, dụng cụ chữa cháy cho Công an tỉnh.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Trần Dũng (Thực hiện)