Quân khu 3 - Quân khu đồng bằng sông Hồng là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu, một trong những mục tiêu chủ yếu của kẻ thù khi tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta. Với truyền thống bất khuất, kiên cường, ngay từ khi ra đời, LLVT Chiến khu 3 đã trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ ở các địa phương.
Ngày 20/11/1946, khi thực dân Pháp quay lại đánh chiếm thành phố Hải Phòng, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, quân và dân Quân khu 3 đã nhất tề đứng dậy với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn Liên khu 3 trở thành chiến trường nóng bỏng, nơi diễn ra nhiều trận đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. LLVT Liên khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực đánh hơn 78.600 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 nghìn tên địch, phá hủy và thu hơn 42.000 súng các loại, hàng trăm nghìn phương tiện chiến tranh.
Đồng thời chỉ đạo phong trào "Chiến tranh du kích" phát triển rộng khắp, làm cho kẻ địch phải khiếp vía kinh hoàng. Điển hình như các làng kháng chiến: Nguyên Xá (Thái Bình), Liên Minh (Nam Định), Hùng Thắng (Hải Phòng), Tam Nông (Hưng Yên)... cùng với "Sấm đường 5", "Cát Bi rực lửa", "Đường 10 quật khởi".... đã trở thành niềm tự hào của dân tộc, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới: Xây dựng và bảo vệ CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Hơn 20 năm cùng quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, địa bàn Quân khu 3 càng chứng tỏ "vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến", "vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương" lớn của cả nước. Không chỉ chiến đấu giỏi, quân và dân Quân khu còn là nơi khởi phát và đi đầu cả nước về thực hiện phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Hơn 1,2 triệu thanh niên trên địa bàn Quân khu đã lên đường chiến đấu trên khắp các chiến trường.
Nhiều địa phương đã đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Các nhà máy, nông trường, công trường ngày đêm kiên cường bám trụ vừa chiến đấu, vừa sản xuất, với tinh thần: "Mỗi người làm việc bằng hai", "Tay búa tay súng", "Tay cày tay súng", "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt".
Trong khói lửa chiến tranh, đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua nổi tiếng cả nước như: "Sóng Duyên Hải" của Nhà máy cơ khí Duyên Hải - Hải Phòng; "Tiếng trống Bắc Lý" của ngành giáo dục Hà Nam; "Chiếc gậy Trường Sơn" của thanh niên Hà Tây…
Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu đánh trả Không quân, Hải quân Mỹ hai lần leo thang đánh phá miền Bắc, quân và dân Quân khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân chiến đấu 39.450 trận, bắn rơi 1.526 máy bay Mỹ (trong tổng số 4.181 máy bay bị bắn rơi ở miền Bắc); bắn chìm, bắn cháy 75 tàu chiến Mỹ; rà phá, tháo gỡ 68.962 quả bom mìn và thủy lôi, làm thất bại chiến dịch phong tỏa đường biển, tiêu diệt và bắt sống nhiều biệt kích, thám báo; đập tan các chiến dịch "Biển lửa", "Mũi lao", "Rồng biển" và cùng quân dân thủ đô Hà Nội làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" oanh liệt, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri, tạo ra cục diện mới, góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên "Đại thắng mùa xuân năm 1975".
Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địa bàn Quân khu có hơn 2 triệu người lên đường chiến đấu, trong đó hơn 250.000 người đã anh dũng hy sinh, 200.000 cán bộ, chiến sĩ đã để lại một phần xương máu của mình trên các chiến trường. Đặc biệt, ở những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, địa bàn Quân khu 3 đã có những người con ưu tú mà tên tuổi của họ luôn được lịch sử vinh danh.
Từ sau năm 1975, nắm vững và dự kiến đúng tình hình chiến lược, LLVT Quân khu đã nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động chuẩn bị kế hoạch tác chiến, điều chỉnh bố trí lực lượng, xây dựng các công trình phòng thủ; kết hợp huấn luyện với tổ chức diễn tập thực binh nên khi tình hình biên giới Tây Nam và phía Bắc có diễn biến phức tạp, LLVT Quân khu đã giành thế chủ động, kịp thời chi viện cho mặt trận Tây Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc tế cũng như bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Bước vào thời kỳ đổi mới, để xây dựng LLVT Quân khu theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, những năm gần đây, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị; coi trọng việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trên mọi lĩnh vực công tác.
Quân khu tích cực củng cố, tổ chức lực lượng thường trực theo hướng tinh gọn; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu.
Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nề nếp chính quy, chấp hành kỷ luật; thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật ở tất cả các cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong Quân khu luôn tích cực tham gia các phong trào "đền ơn đáp nghĩa", "xóa đói giảm nghèo" và xây dựng nông thôn mới; là lực lượng đi đầu, nòng cốt trong giúp dân phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Song song với các nhiệm vụ trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn quan tâm chăm lo xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, tạo thế liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn Quân khu.
Trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT Quân khu được nâng lên, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tiềm lực quân sự trong khu vực phòng thủ được củng cố, tăng cường...
Với những chiến công và thành tích xuất sắc, trong 72 năm xây dựng và trưởng thành, LLVT Quân khu đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Sao vàng (1985, 2010); 3 Huân chương Hồ Chí Minh; 5 Huân chương Độc lập; 1 Huân chương Quân công hạng Nhất (2015); 805 tập thể, 299 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân"; 19.800 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng... cùng hàng vạn tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.
Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với LLVT Quân khu trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, là nguồn động lực để mọi cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu tiếp tục vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phát huy truyền thống vẻ vang đó, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định: Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, trọng tâm là xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo LLVT Quân khu đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện, mà trước hết là trong công tác xây dựng Đảng; coi trọng bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực và tính tiền phong gương mẫu "nói đi đôi với làm" của đội ngũ cán bộ, đảng viên; lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ ở từng cơ quan, đơn vị để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, các tổ chức Đảng gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Đồng thời, LLVT Quân khu đã thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng nề nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật và làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận "lòng dân" ngày càng vững chắc.
Tăng cường, đổi mới và làm tốt hơn nữa công tác dân vận, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn...; gắn chặt việc phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn trong khu vực phòng thủ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng(Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3)