Kỳ II: Công tác cán bộ vùng dân tộc thiểu số cần được quan tâm nhiều hơn
Đồng chí Trần Việt Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nho Quan cho biết: Hiện nay, số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) trong các cơ quan khối đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn huyện, xã tổng số là 121 người, trong đó cấp huyện 6 người, cấp xã 115 người; 67 người là bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, nông dân, y tá thôn bản; 117 người là đại biểu HĐND huyện, xã.
Cũng theo đồng chí Trần Việt Hùng, việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS đã vận dụng hợp lý các quy định của pháp luật trong xét tuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho người DTTS có việc làm trong các cơ quan, đơn vị. Cùng với đó huyện Nho Quan đã dành sự quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ DTTS. Công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS, chính sách cử tuyển đào tạo có địa chỉ đối với con em người DTTS được quan tâm. Huyện cũng thực hiện chính sách thu hút những người có trình độ đại học chính quy trở lên về công tác tại xã vùng dân tộc. 5 năm qua, huyện đã tổ chức 65 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 5.050 là cán bộ xã, thôn, bản; 130 người được cử đi đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ; 35 người học lý luận chính trị; 65 học sinh được cử đi học các trường từ trung cấp đến đại học; bố trí 6 công chức diện cử tuyển công tác tại các xã; thực hiện phân công cán bộ mới tuyển dụng đi tăng cường cho các xã vùng DTTS.
Huyện đặc biệt coi trọng đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, toàn huyện có 57 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có uy tín được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã phát huy vai trò gương mẫu, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiều người đã thực sự trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, vận động nhân dân phát triển kinh tế, tổ chức đời sống văn hóa ở khu dân cư; là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tiêu biểu như: ông Bùi Hồng Y ở thôn Đồng Bài (xã Quảng Lạc); ông Quách Ngọc Hoán ở bản Sạng (xã Kỳ Phú)...
Chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ là người DTTS, Bí thư Huyện ủy Nho Quan Lã Trường Sinh cho biết: Đối với công tác cán bộ người DTTS, trong hệ thống chính trị, nhất là hệ thống cơ quan hành chính vùng DTTS phải đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người DTTS. ở các vị trí chủ chốt, nhất thiết phải có cán bộ là người dân tộc thiểu số; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện nghiêm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc; tăng cường cán bộ trẻ có kiến thức KHKT về công tác ở các xã có đông đồng bào DTTS, trước hết là cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể. Đồng thời chú trọng tuyển chọn những cán bộ người DTTS có năng lực, trình độ, trưởng thành từ phong trào và thực tiễn để bố trí giữ các vị trí chủ chốt ở cơ sở. Thực hiện việc bố trí công tác cho sinh viên thuộc diện cử tuyển là người DTTS sau khi được đào tạo. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức có thời gian công tác lâu năm ở vùng DTTS...
Khẳng định cán bộ người DTTS là những người trưởng thành từ cơ sở, nắm rõ nhất đặc điểm vùng miền, được cộng đồng tín nhiệm, chính vì vậy cần trao cho họ cơ hội được phát triển thông qua các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, quy hoạch, sử dụng cán bộ tại các địa phương, nhưng Bí thư Huyện ủy Nho Quan Lã Trường Sinh cho rằng, hiện nay, việc đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số có nhiều cái khó, chủ yếu do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng để bồi dưỡng, đào tạo. Bên cạnh đó, dù nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhưng hệ thống văn bản pháp luật về công tác tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức nói chung vẫn thiếu cụ thể đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và còn chậm so với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Trong xây dựng kế hoạch nhu cầu đào tạo theo chế độ cử tuyển ở các địa phương còn chưa gắn kế hoạch đào tạo với nhu cầu sử dụng, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chỉ tiêu đào tạo chưa cân đối, phù hợp với biên chế được giao; Luật Công chức không có ưu tiên dành cho cán bộ là người DTTS ở địa phương. Chính vì vậy mà trong thời gian qua, huyện Nho Quan có tình trạng khi tuyển dụng công chức, viên chức, nhiều người ở địa phương khác có tiêu chuẩn phù hợp đã được tuyển về làm việc tại các xã trong huyện. Tuy nhiên, chỉ vài ba năm thì hầu hết số người được tuyển dụng vào một số xã vùng cao, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều xin chuyển công tác với lý do "hợp lý hóa gia đình", trong khi đó nhiều sinh viên con em đồng bào DTTS sau khi ra trường mấy năm vẫn không xin được việc làm... Đây chính là những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp.
Bí thư Huyện ủy Nho Quan Lã Trường Sinh cho rằng trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, từ đó xây dựng cho được đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ là người DTTS nói riêng có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức tương xứng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phúc Nguyên