Qua kết quả điều tra hiện trạng chăn nuôi hươu, hiện nay huyện Nho Quan có tổng đàn hươu trên 1.000 con. Nhung hươu là sản phẩm mang lại thu nhập tương đối cao và ổn định cho người chăn nuôi với giá từ 15-23 triệu đồng/kg. Theo tính toán sơ bộ, sau khi trừ chi phí, nếu chăn nuôi hươu cái sinh sản sẽ có lãi khoảng 6,8 triệu đồng/con; nếu chăn nuôi hươu đực lấy nhung có lãi khoảng 7,8 triệu đồng/con.
Do đó, hiện nay nhiều hộ nông dân trên địa bàn vùng cao Nho Quan coi hươu là con nuôi có thể giúp họ thoát nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi hươu tuy phát triển nhưng chưa có quy mô lớn, các kỹ thuật nhân giống, nuôi dưỡng, chế biến sản phẩm nhung hươu chưa được áp dụng nên nghề nuôi hươu vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Đàn hươu giống trên địa bàn huyện Nho Quan đang có nguy cơ thoái hóa cao do giao phối không có kế hoạch, cận huyết, chưa tạo thành một hệ giống bài bản. Vì vậy việc xây dựng một đàn hươu giống có chất lượng đòi hỏi phải tuyển chọn thêm hươu mới có đủ phẩm cấp từ các vùng khác về, cũng như cần áp dụng một hệ thống nhân giống, chọn lọc, nuôi dưỡng một cách khoa học. Để đáp ứng với mục tiêu nâng cao chất lượng, khôi phục lại đàn hươu giống sinh sản, từng bước làm cơ sở góp phần phát triển kinh tế cho khu vực miền núi huyện Nho Quan, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã được Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình giao thực hiện đề tài "Nghiên cứu xây dựng đàn hươu sao hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế khu vực miền núi huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình" trong thời gian 3 năm (2011-2013), với tổng kinh phí thực hiện là 3,55 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách sự nghiệp khoa học 1,45 tỷ đồng và nguồn tự có của nông hộ 2,1 tỷ đồng.
Ông Hoàng Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm Vườn Quốc gia Cúc Phương - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng được đàn hươu giống tập trung, bổ sung, hoàn thiện các quy trình chăn nuôi làm cơ sở mở rộng, cung cấp giống hươu cho các địa phương vùng cao phát triển kinh tế. Đề tài đã tiến hành lựa chọn 40 con hươu giống tại vùng Hương Sơn (Hà Tĩnh), gồm 10 hươu đực và 30 hươu cái với tiêu chuẩn như: Tuổi đời trung bình 5 năm, hươu đực cho nhung từ 0,5 kg/con/năm trở lên, cao vây thấp nhất đo được là 0,8 m, trọng lượng thấp nhất là 65 kg/con; con cái đẻ 1 con/năm, cao vây thấp nhất 0,7 m và trọng lượng thấp nhất là 55 kg/con. Ngoài ra phải đảm bảo các yếu tố khác như khỏe mạnh, da lông mượt, cơ thể cân đối, hồ sơ lý lịch rõ ràng. Hiện tại, số lượng hươu giống đang được nuôi nhốt tại Trung tâm cứu hộ và bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đồng thời, đề tài đã ký hợp đồng hỗ trợ con giống với 3 hộ chăn nuôi khác trên địa bàn có số lượng hươu giống tương đối nhiều, thể chất đàn hươu đạt tiêu chuẩn về tuổi cũng như trọng lượng, có nhật ký ghi chép về thức ăn, bệnh tật và phối giống bài bản. Tổng số hươu của 3 hộ được hỗ trợ là 60 cá thể (15 con đực và 45 con cái). Đề tài đã dùng phương pháp gắn thẻ và sử dụng phần mềm quản lý Vietdeer của Viện chăn nuôi để theo dõi hệ phả, năng suất con giống và ghép giao phối cho đàn hươu giống trên địa bàn.
Sau một năm thực hiện, qua theo dõi cho thấy đàn hươu giống sinh trưởng và phát triển tốt, đạt được tiêu chuẩn giống ban đầu đề ra. Hươu đực đã cho nhung đợt 1 đạt trên 504,99 gr/con, đợt 2 đạt từ 183-203 gr/con. Đàn hươu đã ghép sinh sản với tỷ lệ 1 đực/3 cái, cho tỷ lệ hươu cái có phôi đạt 100%. Hươu cái đã sinh sản được 75 cá thể hươu sơ sinh, tỷ lệ hươu chết sơ sinh là 10,67%, trọng lượng sơ sinh trung bình là 3,65 kg/con. Về quy trình phòng bệnh cho hươu sao, nhìn chung đàn hươu sao trên địa bàn cũng mắc phải hầu hết các loại bệnh thông thường, bệnh xuất hiện nhiều nhất từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, tỷ lệ thấp nhất 8,47% cho tới cao nhất là 51,98%. Các bệnh thường gặp nhiều nhất là các dạng bệnh ký sinh trùng, bệnh phân trắng, viêm rốn ở hươu sơ sinh một tháng tuổi, bệnh tụ huyết trùng. Về thức ăn, hươu sao sử dụng thức ăn hoàn toàn là thực vật và các loại thức ăn tinh như bột ngô, khoai, sắn, cám gạo. Qua thống kê cho thấy, có khoảng 80 loài thực vật có thể làm thức ăn cho hươu sao, trong đó có 49 loài được sử dụng nhiều nhất. Trong năm qua, đề tài cũng đã áp dụng thử nghiệm một số khẩu phần thức ăn cho chăn nuôi hươu như: Khẩu phần thức ăn cho hươu đực phối giống; khẩu phần thức ăn cho hươu đực không phối giống; khẩu phần cho hươu cái mang thai từ 1-5 tháng tuổi; khẩu phần thức ăn cho hươu cái mang thai trên 6 tháng tuổi và nuôi con.
Sau một năm triển khai thực hiện, đề tài đã đạt được những kết quả khả quan và đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, đề tài tiếp tục triển khai các nội dung nghiên cứu, xây dựng được một đàn hươu sao giống cung cấp cho địa phương và hoàn thiện các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, sinh sản, phòng trị bệnh, khai thác và chế biến nhung hươu.
Bài, ảnh: Hồng Giang