Là một xã thuần nông của huyện Yên Khánh, nhưng những năm qua, việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã Khánh Tiên đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Tại Nhà văn hóa xóm 6, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với một số người dân. Bà Nguyễn Thị Miên cho biết: Nhà văn hóa xóm 6 được xây dựng đã lâu, khi đó mỗi hộ dân đóng góp không nhiều vì kinh phí xây dựng mỗi nhà văn hóa thời đó chỉ vài chục triệu đồng. Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng gia đình nào cũng tích cực đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa. Không chỉ góp tiền, nhiều hộ còn góp cả ngày công để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa… Có địa điểm sinh hoạt chung, lại thuận tiện vì có vị trí gần đường, trung tâm xóm nên buổi hội họp nào cũng đông đủ người dân trong xóm. Trao đổi với đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, được biết thêm: Đến nay cả 10/10 xóm trong xã đều xây dựng được nhà văn hóa, tạo thuận lợi cho nhu cầu sinh hoạt, hội họp của người dân. Đặc biệt, nhà văn hóa xã với 300 chỗ ngồi cùng trang thiết bị được đầu tư đầy đủ đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của địa phương. Đây là cố gắng lớn của một xã thuần nông như Khánh Tiên. Tuy nhiên, phần lớn các nhà văn hóa thôn, xóm đều xây dựng đã lâu, như nhà văn hóa xóm 6 xây dựng năm 2009 nên không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, hư hỏng trang thiết bị. Mặc dù 100% thôn, xóm có nhà văn hóa, nhưng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì một số nhà văn hóa chưa đạt chuẩn về diện tích, trang thiết bị… Để đạt tiêu chí về văn hóa, xã đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa để vận động nhiều nguồn lực từ người dân địa phương và con em xa quê ủng hộ kinh phí để cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang nhà văn hóa thôn, xóm.
Theo đánh giá của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về quy mô các nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh thường là mô hình nhà văn hóa xã có chức năng tổng hợp như: hội họp, sinh hoạt văn hóa, tổ chức hoạt động thể dục thể thao trong nhà. Còn nhà văn hóa thôn chủ yếu xây dựng theo cấu trúc đa năng có diện tích từ 40m2 đến 200m2. Về cơ bản, các nhà văn hóa cấp xã và cấp thôn đã được trang bị những trang thiết bị thiết yếu như: phông màn, trang trí khánh tiết, tủ, giá sách, báo, tạp chí, một số nhạc cụ, dụng cụ thể thao, thiết bị truyền thanh không dây… Hoạt động của hệ thống nhà văn hóa cấp xã và cấp thôn diễn ra khá thường xuyên nên phát huy hiệu quả vai trò là thiết chế văn hóa tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các địa phương. Từ nhiều năm nay, việc xây dựng nhà văn hóa cấp xã được bố trí từ ngân sách Nhà nước và một phần xã hội hóa. Đối với nhà văn hóa cấp thôn chủ yếu do nhân dân địa phương tự nguyện đóng góp, đồng thời vận động các doanh nghiệp, tổ chức, con em xa quê ủng hộ. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà văn hóa cấp thôn còn nhận được sự hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách xã và huyện. Tùy theo điều kiện kinh tế của địa phương, mức hỗ trợ cho việc xây dựng nhà văn hóa cấp thôn thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất là 70 triệu đồng cho một công trình nhà văn hóa - điểm thể thao cấp thôn. Sự hỗ trợ này đã tạo động lực để các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa xã và thôn, phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa tại cơ sở. Năm 2014, toàn tỉnh đã xây dựng thêm 7 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã và 30 nhà văn hóa - điểm thể thao cấp thôn. Đến hết năm 2014 toàn tỉnh đã có 68/122 xã có nhà văn hóa cấp xã, đạt tỷ lệ 55,7%, có 1.050/1.357 thôn, xóm có nhà văn hóa - điểm thể thao, đạt tỷ lệ 77,38%.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, việc cân đối kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn nhiều khó khăn. Đời sống nhân dân, nhất là các xã thuần nông còn nghèo cũng làm hạn chế đến sự tham gia xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của người dân. Một số địa phương do không có quy hoạch từ đầu nên khó khăn về diện tích đất để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, đa số thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng từ nhiều năm trước đã bị xuống cấp hoặc lạc hậu, thiếu đồng bộ so với quy định mới ban hành, đến nay cũng chưa có nguồn đầu tư để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa… Do đó, để hoàn thiện tiêu chí về văn hóa, thể thao theo chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, có chính sách hỗ trợ hợp lý để đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng cao của người dân vùng nông thôn. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tăng mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách, khuyến khích các xã, thôn sớm hoàn thành quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao. Có sự quan tâm đầu tư kinh phí thường xuyên để duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất nhằm chống xuống cấp công trình văn hóa, thể thao. Tăng cường vận động xã hội hóa nhằm huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn và nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương.
Bài, ảnh: Bùi Diệu