Xanh Ninh Bình nuôi tham vọng "hô biến" các bãi rác tự phát
Thứ Ba, 06/12/2022, 03:15
Zalo
"Nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm? Nếu không phải bây giờ thì bao giờ?" Những câu hỏi đó chính là trăn trở khiến các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Xanh Ninh Bình bỏ qua mọi bận bịu riêng tư, mong muốn góp một phần công sức vào việc xóa các bãi rác tự phát vì mục tiêu "Vì một Ninh Bình xanh - sạch - đẹp và trong lành".
Xanh Ninh Bình nuôi tham vọng "hô biến" các bãi rác tự phát
Sáng sớm tinh mơ, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế, khi tiếng nhạc thể dục của các bà, các cô vừa cất lên cũng là lúc các bạn trẻ trong nhóm Xanh Ninh Bình có mặt để tập trung, phân chia "đồ nghề" và khu vực "tác chiến". Ban đầu mọi người thấy các bạn trẻ này thì lấy làm lạ, sau biết việc làm của họ, nhiều người không khỏi cảm kích.
"Lúc đầu chúng tôi ai cũng hoài nghi và cảnh giác. Các bạn ấy bịt khẩu trang, đeo găng tay, xách theo nhiều bao bì cỡ lớn rồi cứ tụm năm tụm bảy bàn tán to nhỏ. Nghĩ bụng sáng sớm tinh mơ, nếu không phải tập thể dục thì ai ra đây làm gì…" - bà Trần Thị Hồng, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình chia sẻ.
Xanh Ninh Bình là CLB đầu tiên của các bạn trẻ về bảo vệ môi trường tại tỉnh Ninh Bình. Đây là một đơn vị thành viên của nhóm Xanh Việt Nam- một tổ chức tình nguyện, hoạt động phi lợi nhuận tập hợp những bạn trẻ yêu môi trường. Mục tiêu của CLB là cùng nhau dọn dẹp rác thải, thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa của mỗi người dân, góp phần xây dựng Ninh Bình trở thành địa điểm du lịch xanh.
Từ những ngày đầu bị cho là những người "không tử tế", những "đứa thừa hơi rỗi việc", lo chuyện "bao đồng", giờ đây CLB đang ngày càng lớn mạnh, thu hút thêm nhiều tình nguyện viên.
Đang gắp những ống hút nhựa vứt bừa bãi quanh gốc cây bồ đề, bạn Bảo Anh, 15 tuổi ở thị trấn Nho Quan có những chia sẻ thú vị về chuyến đi lần này. Được biết đây là đầu tiên Bảo Anh tham gia với CLB. Nhà cách thành phố Ninh Bình khoảng 40 km nên 5 giờ sáng cô bạn đã phải đi xe đạp điện xuống đây để kịp tham gia cùng mọi người.
"Em rất vui vì mình đã góp thêm một việc nhỏ để bảo vệ môi trường, làm sạch rác. Quả thực không uổng công đi xa, chắc chắn em sẽ tham gia thường xuyên hơn."
Ngoài việc thu hút các bạn trẻ, hoạt động ý nghĩa này đã lan tỏa đến nhiều người lớn tuổi tham gia. Bà Đỗ Thị Lánh, tổ 10, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình cho biết: "Tôi thường xuyên tập thể dục buổi sáng tại Quảng trường. Một lần thấy các bạn trẻ này, tôi thấy lạ rồi lân la hỏi chuyện và xin nhặt rác cùng. Vấn đề ô nhiễm ngày hôm nay có trách nhiệm của thế hệ chúng tôi ngày hôm qua. Dù góp một phần nhỏ công sức thôi nhưng bản thân tôi vui lắm! Vui nhất là có một số cô, bác thấy việc làm của chúng tôi cũng đến góp một tay..."
Từ vài thành viên ban đầu, hiện CLB đã tập hợp được hơn 60 tình nguyện viên ở đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, địa phương khác nhau trong tỉnh. Nhiều người trong CLB còn tích cực tuyên truyền, vận động người thân, con cháu tham gia. Sự xuất hiện của các tình nguyện viên "nhí" khiến bầu không khí trở nên vui vẻ, hào hứng.
Hiện cứ vào 5 giờ đến 9 giờ sáng chủ nhật, các thành viên, tình nguyện viên của CLB tập trung để cùng nhau nhặt rác tại một số điểm như Công viên Ninh Bình, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế. Đây là những nơi vui chơi, giải trí của người dân, song lượng rác thải vứt bừa bãi ra môi trường vẫn còn khá nhiều, chủ yếu là các rác thải khó phân hủy, nguy hại đến môi trường như chai, lọ, ống hút nhựa, các vỏ bánh kẹo, bao bì nilon, hộp xốp…
Thành viên CLB đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, địa phương khác nhau.
Anh Nguyễn Hải Đăng, Chủ nhiệm CLB Xanh Ninh Bình cho biết: Có những túi nilông bám chặt xuống nền đất lâu ngày không phân hủy được, phải hai, ba bạn trẻ cùng đào bới, kéo mạnh tay mới lấy lên được. Có những chai lọ thủy tinh vỡ vụn bị vứt tung tóe, bắt buộc mọi người phải dùng tay nhặt chứ không thể dùng kẹp gắp. Ngoài ra trong quá trình nhặt rác, chúng tôi cũng gặp không ít các rác thải nguy hiểm như kim tiêm, pin đồng hồ bị vứt bừa bãi tại các bãi cỏ.
Với những rác thải thu gom được, nhóm sẽ chở đến những nơi tập kết để xe chở rác vận chuyển đi. Với các rác thải nguy hại như pin đồng hồ sẽ được gửi đến các điểm có công nghệ xử lý riêng. Còn các rác thải có thể tái chế như chai, lọ, bìa cacton sẽ được bán gây quỹ từ thiện và mua sắm các vật dụng cần thiết cho hoạt động nhặt rác.
Chị Thanh Lam, thành viên trong nhóm chia sẻ: "Trước đây vào ngày nghỉ, các cháu thường ngủ đến giữa buổi mới dậy. Từ ngày tham gia vào CLB, các con theo bố mẹ dậy từ 5-6 giờ sáng để nhặt rác cùng mọi người. Không chỉ giáo dục các con ý thức bỏ rác đúng nơi quy định mà chúng tôi mong muốn hoạt động ngoại khóa này sẽ giúp các con hình thành trách nhiệm với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống ngay từ nhỏ."
Với mục tiêu là xóa bỏ các bãi rác tự phát, đặc biệt ở những khu vực tập trung đông người, khách du lịch thường xuyên qua lại, CLB mong muốn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa đến mỗi người dân.
"Ngoài việc nhặt rác thường xuyên, hàng năm chúng tôi còn phát động và tổ chức các chiến dịch dọn rác, trồng cây tại bãi biển Cồn Nổi Kim Sơn. Việc thay đổi thói quen cũ trong xả rác, sử dụng rác thải nhựa là điều không hề dễ dàng, song chúng tôi tin với những gì mà CLB đang làm sẽ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến mỗi người dân." - Chủ nhiệm CLB Xanh Ninh Bình chia sẻ thêm.
Theo ước tính của cơ quan môi trường, trung bình mỗi tháng, tại đô thị, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 255 túi nilon, tương đương với 0,4kg/tháng. Hằng năm, người Việt Nam sử dụng 12.000 tấn túi nilon và chỉ khoảng 17% trong số này được thu hồi để tái chế, số còn lại thải ra môi trường hoặc chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt.
Việc thải bỏ túi nilon tràn lan ra môi trường sẽ làm tắc nghẽn cống rãnh, ngập lụt, xói mòn đất, thoái hóa đất, hạn chế sự phát triển của cây trồng, đặc biệt có thể gây ung thư, gây độc, ô nhiễm nguồn đất, nước. Ước tính, phải mất hàng thế kỷ các loại túi nilon mới tự phân hủy trong tự nhiên.