Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Luật PCCC, từng bước xã hội hóa, đưa công tác này trở thành nhiệm vụ của toàn dân.
Để triển khai thực hiện tốt các nội dung của Luật PCCC, cấp ủy, chính quyền thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố, các phòng, ban, ngành, đoàn thể; các phường, xã, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xây dựng kế hoạch triển khai Luật PCCC.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCCC đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, thông qua hệ thống đài truyền thanh, qua các tổ chức đoàn thể, qua pa nô, áp phích, khẩu hiệu; tuyên truyền bằng xe chữa cháy lưu động có gắn loa, băng zôn trên các đường phố chính... UBND các phường, xã, các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các văn bản pháp luật PCCC cho cán bộ, công nhân viên nắm rõ để tự giác thực hiện. Tại các cơ quan, doanh nghiệp đều có nội quy PCCC, có biển cấm lửa ở những nơi nguy hiểm dễ xảy ra cháy nổ, có tiêu lệnh PCCC.
Công an thành phố Ninh Bình đã vận động các cơ sở, các hộ kinh doanh và nhân dân ký 36.293 bản cam kết đảm bảo an toàn PCCC, không đốt pháo, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi trẻ em nguy hiểm. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục đã nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân đối với công tác PCCC, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy, nổ xảy ra.
UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các phường, xã xây dựng, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ. 14 phường, xã đều thành lập đội PCCC dân phòng, với lực lượng nòng cốt là bảo vệ dân phố, an ninh cơ sở và đoàn viên, thanh niên xung kích. Các cơ quan, doanh nghiệp thành lập các đội PCCC cơ sở nòng cốt là bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, là đoàn viên, CNVC.
Các đội PCCC dân phòng và PCCC cơ sở hàng năm đều được tập huấn nghiệp vụ PCCC, tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, được trang bị các các dụng cụ, phương tiện chữa cháy. Các đội PCCC tại chỗ đã duy trì tốt công tác tập luyện, kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác PCCC ở địa bàn cơ sở và luôn sẵn sàng chữa cháy khi có cháy lớn xảy ra.
Bên cạnh việc xây dựng, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, thành phố đã quan tâm đầu xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC. Nhiều cơ quan, đơn vị đã quan tâm trang bị mua sắm các phương tiện chữa cháy tại chỗ, trong đó một số cơ sở đã lắp đặt các phương tiện hiện đại như hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy cố định, hệ thống chữa cháy tự động. Trong phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC, có nhiều đơn vị điển hình như: Chợ Rồng Ninh Bình, Công ty TNHH giấy Tiến Dũng, phường Vân Giang, Tân Thành, Đông Thành, Bích Đào, Ninh Sơn, xã Ninh Nhất.
Thành phố cũng quan tâm chỉ đạo triển khai công tác kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC. Công an thành phố thường xuyên phối hợp chặt chẽ với phòng Cảnh sát PCCC của Công an tỉnh tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở trọng điểm như: xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, dễ nổ, các chợ, siêu thị, trạm điện...
Hàng năm, Đội kiểm tra liên ngành của thành phố tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thành phố đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ. Từ năm 2001 đến nay, đã tiến hành kiểm tra 2.753 lượt cơ sở, phát hiện 93 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn PCCC, lập biên bản xử lý 57 trường hợp, phạt cảnh cáo 36 trường hợp. Ngoài ra, 269 cơ sở đóng trên địa bàn thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC đối với cơ sở.
Qua 10 năm thực hiện Luật PCCC, kết quả quan trọng và nổi bật nhất là trên địa bàn thành phố không để xảy ra cháy lớn, không để xảy ra chết người do cháy, nổ; số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra đã được hạn chế ở mức thấp nhất.
Minh Châu