Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của WTO nhận định động lực tăng trưởng này sẽ yếu dần trong thời gian tới do kho hàng đã được lấp đầy và tác động từ các mức thuế cao hơn bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu.
Trước đó, trong báo cáo "Triển vọng và Thống kê Thương mại toàn cầu" công bố tháng 4/2025, WTO từng dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong cả năm 2025 mức sụt giảm mạnh nhất kể từ cao điểm đại dịch COVID-19 do rủi ro tiêu cực từ việc Mỹ tái áp thuế và sự bất định trong chính sách thương mại. Tuy nhiên, đến ngày 15/7, tổ chức này đã điều chỉnh tăng nhẹ triển vọng trên, dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu trong cả năm 2025 sẽ giữ ở mức gần như không đổi, với mức tăng 0,1%.
WTO lý giải rằng việc Mỹ công bố loạt mức thuế mới từ tháng 4 đã khiến các nhà nhập khẩu đẩy nhanh tiến độ mua hàng tích trữ, qua đó hỗ trợ tăng trưởng thương mại trong quý đầu năm. Một số thỏa thuận thương mại và biện pháp điều chỉnh chính sách gần đây cũng góp phần cải thiện triển vọng thương mại toàn cầu.
Báo cáo của WTO cũng chỉ ra sự chênh lệch lớn giữa các khu vực về hiệu suất thương mại trong quý I, đặc biệt ở chiều nhập khẩu. Bắc Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng nhập khẩu cao nhất so với quý trước, đạt 13,4%, tiếp theo là châu Phi (5,1%), Nam và Trung Mỹ cùng Caribe (3,6%), Trung Đông (3%), châu Âu (1,3%) và châu Á (1,1%).
Ở chiều xuất khẩu, khu vực Trung Đông dẫn đầu với mức tăng 6,3% so với quý trước, tiếp theo là châu Á với 5,6%.
Xét theo nhóm hàng hóa, thương mại toàn cầu trong lĩnh vực thiết bị văn phòng và viễn thông tăng mạnh nhất với 16% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp đến là hóa chất (12%) và hàng may mặc (7%). Trong khi đó, giá trị thương mại các sản phẩm ô tô giảm 4%, nhiên liệu và khoáng sản giảm 3%, cùng với sắt thép cũng giảm 3%.
WTO đồng thời cảnh báo các dấu hiệu cho thấy hoạt động nhập khẩu đang có xu hướng chững lại trong quý II/2025. Trong quý I/2025, nhập khẩu của Mỹ tăng tới 25% so với cùng kỳ, song mức tăng này đã giảm mạnh, chỉ còn 1% trong 2 tháng đầu quý II/2025.