Quyền Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, ông Keiji Fukuda, cho biết đa số các trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 và tử vong vì dịch bệnh này vẫn ở Mexico và Mỹ. Nhưng tại một số nước ngoài khu vực châu Mỹ như Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Chile và Australia, virus dường như đã lây lan trong "phạm vi cộng đồng", tức là sự lây lan giữa những người chưa từng đến nơi có ổ dịch. Ông Fukuda cũng cho biết hầu hết các trường hợp nhiễm dịch trên thế giới đều có triệu chứng "nhẹ", nhưng WHO quyết định nâng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh lên "vừa phải" trong bối cảnh Canada thông báo trường hợp thứ ba và Chile thông báo trường hợp đầu tiên chết vì dịch bệnh này, trong khi hai bệnh nhân cúm ở Anh được nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, WHO vẫn chờ có thông báo chính thức về mức độ lây lan rộng trong "phạm vi cộng đồng" ở những nước ngoài châu Mỹ mới quyết định nâng cấp báo động từ mức 5 hiện nay lên mức 6, mức cao nhất trong thang báo động sức khỏe thế giới và là mức xảy ra đại dịch. WHO đang xem xét đề xuất áp dụng tiêu chí mức độ nguy hiểm của virus, bên cạnh tiêu chí qui mô lây lan về mặt địa lý, để nâng cấp báo động dịch bệnh. Trong khi đó, châu Phi thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm virus A/H1N1 và số người nhiễm dịch này ở Australia tăng vọt lên 500 người. Bộ Y tế Mexico cùng ngày thông báo thêm 6 ca chết vì cúm A/H1N1, nâng tổng số người tử vong vì dịch bệnh này lên 103 trường hợp. Bộ này cũng xác nhận 200 trường hợp lây nhiễm mới trong tổng số 5.460 người nhiễm bệnh ở Mexico. Hơn 70% bệnh nhân ở độ tuổi từ 20 - 54, tỷ lệ bệnh nhân nữ cao hơn nam, (52,4%) so với (47,6%). Trong 24 giờ qua, châu Âu có 77 trường hợp mới nhiễm cúm A/H1N1, chủ yếu ở Anh (61), nâng tổng số người nhiễm dịch ở khu vực này lên 655 trường hợp, trong đó Anh (235), Tây Ban Nha (180), Pháp (32), Đức (31)... Theo thống kê mới nhất của WHO, thế giới hiện có 18.965 người mắc cúm A/H1N1 ở 64 quốc gia, trong đó 117 người đã tử vong. Theo TTXVN/Vietnam