Việt Nam nằm trong khu vực có sự đa dạng lớn các loài thú đặc hữu quý hiếm và đóng một vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Trong số các loài động vật hoang dã bị săn bắt và buôn bán thì loài Tê tê Java được xác nhận là bị khai thác nhiều nhất ở khu vực Đông Nam á. Ước tính mỗi năm có tới hàng trăm nghìn cá thể Tê tê bị buôn bán trái phép và tiêu thụ ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Trong số đó một số lượng lớn được thu giữ bởi các cơ quan chức năng và chuyển tới các Trung tâm cứu hộ để chăm sóc, cứu hộ nhưng tỷ lệ sống sót chưa cao do Tê tê thiếu nguồn thức ăn chính là kiến và mối. Tại Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật, thời điểm trước năm 2008, Tê tê chủ yếu ăn kiến sống do nhân viên thu hoạch, nhưng lượng thức ăn này ít và sản lượng thu hoạch phụ thuộc vào từng mùa, không đáp ứng đủ nhu cầu của tất cả các cá thể Tê tê tại đây. Điều đó dẫn đến nhiều cá thể Tê tê bị chết do thiếu dinh dưỡng, hiệu quả công tác chăm sóc và cứu hộ không cao. Trước yêu cầu bảo tồn loài Tê tê, đặt ra cho Trung tâm phải tìm một giải pháp để thay thế nguồn thức ăn tự nhiên nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho động vật trước khi tiến hành tái thả tự nhiên.
Qua nghiên cứu cách chế biến thức ăn nhân tạo của một số vườn thú, Trung tâm cứu hộ của một số nước khu vực châu á và đánh giá thực tế nguồn nguyên liệu sẵn có tại nước ta, Trung tâm đã đi vào thử nghiệm các công thức phối trộn nguyên liệu khác nhau tạo nguồn thức ăn nhân tạo cho Tê tê Java. Sau một thời gian thử nghiệm, động vật hoàn toàn chấp nhận hỗn hợp thức ăn nhân tạo và tình trạng sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Nhờ vậy từ năm 2010 đến nay, không có cá thể Tê tê Java nào bị chết do thiếu dinh dưỡng hoặc liên quan đến thức ăn và Trung tâm đã tiến hành tái thả thành công gần 400 cá thể vào tự nhiên. Chỉ tính riêng năm 2016, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương đã phối hợp và hỗ trợ Trung tâm động vật hoang dã Hà Nội cứu hộ và tái thả thành công hơn 50 cá thể Tê tê Java, đây là điều chưa từng xảy ra trước đó. Với hiệu quả thực tế đã được khẳng định, năm 2017 giải pháp "Sản xuất thức ăn nhân tạo thay thế thức ăn tự nhiên và nguyên liệu sẵn có tại địa phương cho loài Tê tê Java nhằm phục vụ công tác cứu hộ và bảo tồn trên toàn quốc" của Vườn quốc gia Cúc Phương đã được đánh giá cao và đoạt giải ba tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII.
Về mặt kỹ thuật phối trộn thức ăn nhân tạo cho Tê tê Java, ông Trần Quang Phương, Vườn Quốc gia Cúc Phương, tác giả giải pháp cho biết: Trung tâm đã tiến hành trộn hỗn hợp bao gồm nhộng tằm và đậu tương đã luộc chín theo tỷ lệ từ 10% đến 80% vào kiến đông lạnh theo tỷ lệ giảm dần để Tê tê thích nghi dần với nguồn thức ăn mới. Trên cơ sở số lượng kiến mà nhân viên của Trung tâm có thể thu lượm được trong Vườn Quốc gia Cúc Phương và vùng đệm trong vòng một ngày mà vẫn đảm bảo tính bền vững để thu hoạch lâu dài, đồng thời đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho vật nuôi, Trung tâm đã đưa ra công thức phối trộn nguyên liệu phù hợp và bền vững là: 40% nhộng tằm, 40% đậu tương luộc và 20% kiến. Công thức này đã được thực hiện cho những cá thể thử nghiệm sau đó được áp dụng cho toàn bộ số cá thể nuôi nhốt tại Trung tâm. Qua quá trình nghiên cứu và áp dụng thực tế cho thấy giá thành chế biến thức ăn nhân tạo chỉ bằng 1/2 hoặc nhỏ hơn giá thành thu mua kiến sống. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt khi áp dụng đối với công tác nuôi cứu hộ Tê tê tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Bên cạnh đó, với hai nguyên liệu chính là nhộng tằm và đậu tương dễ dàng mua số lượng lớn, chi phí không quá cao thì giải pháp này có thể áp dụng phổ biến cho các Trung tâm cứu hộ ở Việt Nam.
Hiện nay, việc nuôi cứu hộ và phục hồi để thả tự nhiên đối với loài Tê tê Java là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương. Việc nghiên cứu thành công thức ăn nhân tạo thay thế thức ăn tự nhiên từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương có ý nghĩa quan trọng, giúp cung cấp đủ lượng thức ăn và đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho động vật, góp phần cải thiện và nâng cao công tác cứu hộ, phục hồi sức khỏe và tái thả tự nhiên đối với loại Tê tê Java được tịch thu từ các vụ săn bắt và buôn bán trái phép.
Hồng Giang