Tôi thực sự bị thu hút bởi sắc hương của nhiều loại hoa trái, cây cảnh ở đây. Trong câu chuyện với bác, tôi có hỏi, làm cách nào để có được một vườn cây tươi xanh như vậy. Bác cười hồn nhiên: "Có gì đâu, Kim Sơn "đất ngọt" mà. Chẳng phải riêng tôi, anh xuống vùng đất thịt nặng như Kim Mỹ, Cồn Thoi, Bình Minh, những vườn cây trái cứ sum suê và gần đây, người ta đã mạnh dạn đưa cây đậu tương, ngô về trồng trên vùng đất mở này, hiệu quả đem lại rất cao. Nghe có vẻ như huyền thoại, mà có thật trăm phần trăm đấy".
Hai từ "đất ngọt" mà tôi nghe được từ một con người đã nhiều năm lăn lộn, gắn bó với Kim Sơn gợi lên trong tôi cái gì đó vừa quen, vừa lạ. Rồi tôi chợt nhớ lại, sau khi quai đê lấn biển, thành lập Nông trường Bình Minh năm 1957, trong cảnh sình lầy nước mặn, trung tá Võ Bình, Chủ tịch đầu tiên của Nông trường đã từng khẳng định trước những người lính: Với ý chí và bản lĩnh của anh "Bộ đội Cụ Hồ", chúng ta quyết biến mảnh đất này thành vùng "đất ngọt". Sự lặp lại lý thú, sau gần 5 thập kỷ câu nói của hai người lính từng đi mở đất, dựng xây quê biển Kim Sơn đã thôi thúc tôi viết những dòng này, mong là món quà xuân nho nhỏ gửi đến bạn đọc trước thềm năm mới 2009.
Sản phẩm lưu niệm làm từ cói Kim Sơn được nhiều khách du lịch ưu thích. Kể từ mùa xuân năm Kỷ Tỵ (1829) khi Nguyễn Công Trứ về đây quai đê lấn biển, tạo lập nên vùng đất này, Kim Sơn đã có thêm 7 lần khẩn hoang, mở đất. Vùng bãi bồi ở đây có vị trí khá đặc biệt, mỗi năm tiến ra biển từ 80 đến 100 m. Hai con sông lớn, sông Đáy ở phía Đông, sông Càn ở phía Tây như vòng tay giang rộng, ôm lấy đồng bằng Kim Sơn. Lưu lượng và trữ lượng phù sa từ 2 con sông này hàng năm tiếp tục bồi đắp cho vùng đất bãi, nâng đôi bàn chân thần kỳ của nó tiến dần ra biển.
Cách đây hàng chục năm, ở vùng đất mới quai Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông vẫn chưa hết vẻ hoang sơ. Cả một vùng còn bao phủ nước mặn xanh lè, người dân kinh tế mới đến đây chưa hết bước đi bước ngại. ấy vậy mà giờ đây lúa- cói đang lấp dần đất trống, cây cối đã ngời xanh, tạo nên vóc dáng của vùng quê mới. Sự mặn chát muôn thủa của vùng đất bãi đang dần được ngọt hóa. Cải tạo đến đâu, màu xanh của sự sống theo đến đấy. Hàng trăm tỷ đồng đã và sẽ tiếp tục được dùng vào thau chua rửa mặn, xây dựng hệ thống thủy lợi, nhanh chóng đưa toàn bộ diện tích khu Bình Minh II, Bình Minh III vào canh tác. Vào thời điểm này, ngoài 8 nghìn ha lúa - cói, diện tích nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là tôm, cua, cá gần 3.000 ha, trong đó có trên 2.000 ha trên vùng đất mới quai.
Thực hiện nhiệm vụ chiến lược mà Đảng bộ tỉnh giao, nhiều năm nay trên con đường mở đất, lấn biển Kim Sơn đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Kim Sơn đang có những thế mạnh mới trong sản xuất nông nghiệp và hình thành cơ cấu kinh tế của mình. Nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh tốc độ thâm canh, mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học, đưa các giống cao sản vào đồng ruộng, Kim Sơn liên tục được mùa. Đất đã không phụ công người, để mấy năm gần đây Kim Sơn đã vượt lên đạt bình quân trên 120 tạ/ha. Những địa phương có truyền thống thâm canh giỏi như Tân Thành, Thượng Kiệm, Chất Bình đã vươn lên những đỉnh cao mới, đạt trên 135 tạ/ha, sản lượng thóc cả năm đạt trên 90 nghìn tấn.
Nói đến Kim Sơn mà không nói đến cói và sản phẩm từ cói là một thiếu sót. Với khoảng trên 500 ha cói, cho sản lượng mỗi năm từ 6.500 - 7.000 tấn cói chẻ. Hiện Kim Sơn có hàng chục doanh nghiệp chiếu cói lớn nhỏ làm cầu nối trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho hàng chục nghìn lao động từ các vệ tinh, đến các thị trường trong và ngoài nước. ở vùng quê này, từ lâu đã có nhiều làng dệt chiếu nổi tiếng như Vinh Hạ, Phú Vinh, Kiến Trung, Yên Bình, Tự Tân. Đến nay, từ cây cói người ta đã chế tác thành hàng trăm mặt hàng từ chiếu, thảm đến giày, mũ, cốc, làn, tách, hộp, đĩa với nhiều kiểu dáng, sắc màu khác nhau. Hiện hàng cói Kim Sơn cùng với những sản phẩm mỹ nghệ làm từ lúa non, bèo tây, nứa chắp đang theo những con tàu vượt đại dương đến với thị trường nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mỗi năm đạt giá trị không dưới 40 triệu USD. Trước đây, bây giờ và sau này sản xuất cói và sản phẩm chế biến từ cói luôn là một mũi nhọn trong nền kinh tế Kim Sơn.
Hẳn ít có vùng quê biển nào lại cùng một lúc có tới 3 nguồn hải sản: Cá nước ngọt từ sông ngòi, đầm, ao chuôm; cá nước lợ từ vùng cửa sông và cá nước mặn đánh bắt từ biển như ở Kim Sơn. ở đây có nhiều loại hải sản ngon nổi tiếng như cá dòng, cá dỗi, cá vược, thu, chim, gié, tôm rảo, mực ống, cua rèm... Điều mà hiện nay Kim Sơn làm được trong nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đã từng bước tương xứng với tiềm năng vốn có. Với 4 đôi tàu đánh bắt xa bờ, còn lại gần 300 chiếc thuyền lớn nhỏ của các xã vùng tiểu khu 4, các xã vùng bãi ngang khai thác trong lộng, cùng với diện tích nuôi thủy sản hiện có, năm nay sản lượng thủy sản ước đạt trên 7.000 tấn, đặc biệt là thủy sản nước lợ được mùa, trong đó tôm sú khoảng 1.000 tấn, cua rèm trên 1.000 tấn, tôm rảo 350 tấn, ngao từ 100 đến 120 tấn.
Tuy là một vùng sa bồi trẻ, mới đi hết chặng đường gần 180 năm, nhưng Kim Sơn đã sớm hình thành bản sắc văn hóa độc đáo. Biết bao giai điệu ngọt ngào từ những câu hát chèo, chầu văn luôn vang lên trên những cánh đồng, những dòng sông, những làng quê trù phú, nâng tâm hồn người Kim Sơn bay lên với thời gian, ngưng đọng trong tận cùng tâm tưởng, tạo cho họ một đời sống tinh thần khỏe khoắn. Người Kim Sơn hiếu học và luôn đề cao đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", một lòng đi theo Đảng. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới Kim Sơn đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo từ 20% năm 2000 đến nay chỉ còn dưới 10%. Số hộ khá và giàu tăng nhanh. Giá trị thu về từ 1 ha đạt từ 39 đến 42 triệu đồng, có nhiều địa phương đã vượt lên đạt từ 65 đến 70 triệu đồng/ha. Những tín hiệu tốt lành của mùa xuân đang về vùng đất biển Kim Sơn, trước lúc bước sang năm mới, năm Kỷ Sửu mở ra bao điều hứa hẹn.
Lan man câu chuyện cuối năm vẫn là chuyện đất và nước. Điều thần kỳ có từ vùng đất mở, là các thế hệ người Kim Sơn dù lương hay giáo luôn đoàn kết để biến một vùng đất từ sình lầy, chua mặn thành vùng "đất ngọt". Để trả nghĩa, đất đã đem đến cho người Kim Sơn cả 4 mùa xanh, từ lúa cói đến cả những vườn hoa, cây trái. Có được sự sống này, bởi con người nơi đây luôn cải tạo đất, để từ nguồn mạch của nó, lại cho con người dòng nước ngọt lành. Con người, đất, nước và thiên nhiên vùng quê này luôn gắn bó bên nhau tiến lên theo một quy luật phát triển.
Trước khi chia tay với Kim Sơn, tôi tần ngần đứng mãi bên bụi tre ngà, dưới chân cầu Ngói, nhìn ra dòng sông Ân đang buổi triều lên, đầy ắp nước. Những con thuyền rẽ sóng, mang theo đủ loại sản phẩm từ thóc, lúa, chiếu cói, tôm, cá... nối nhau kéo về trung tâm chợ huyện.
Ký của Lê Liêu