3 năm nay, ngày Gia đình Việt Nam 28-6 đều được phát động rộng rãi trong toàn quốc với chủ đề "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" nhằm hướng tới ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trân trọng những giây phút sum họp của mọi thành viên trong gia đình bên những bữa cơm hạnh phúc, đầm ấm. Qua đó thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
Với nhịp sống hiện đại như ngày nay, việc duy trì thường xuyên các bữa ăn có đầy đủ các thành viên trong gia đình là điều không dễ, nhất là với những gia đình trẻ. Chị Nguyễn Thúy Nga (phường Thanh Bình- thành phố Ninh Bình) cho biết: Bản thân mình là phụ nữ luôn muốn duy trì bữa cơm duy nhất trong ngày vào buổi tối. Thế nhưng ông xã lại có thói quen chơi thể thao vào mỗi chiều sau giờ làm. Sau đó lại rủ nhau đi uống bia có khi đến 8, 9 giờ tối mới về. Thành ra, các con cả ngày đi học, trưa ăn cơm ở trường, chỉ có bữa tối mới ăn cơm cùng bố mẹ nhưng bố cứ vắng suốt nên bữa cơm tối chỉ có 3 mẹ con, cũng thấy giảm sút ý nghĩa của cái gọi là bữa cơm gia đình… Còn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Xuân (xã Kim Chính- huyện Kim Sơn), lý do để các thành viên không có mặt đầy đủ vào bữa cơm tối hàng ngày lại xuất phát từ… việc học của con. Chị kể: Cả ngày 2 con gái tôi đi học ở trường, bữa cơm trưa chỉ có đứa lớn ăn cùng bố mẹ, bữa tối lại chỉ có đứa bé ăn cùng vì đứa lớn học THPT, hầu như tối nào cũng đi học thêm vào giờ cơm nên cháu thường ăn sau cả nhà. Do đó, muốn duy trì bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên cũng thấy khó…Thực tế hiện nay, với lối sống hiện đại, tự do nên các gia đình theo mô hình từ 2- 3 thế hệ đã dần mai một. Hầu hết thanh niên khi lập gia đình đều có nhu cầu ra ở riêng cho thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, sở thích tự do, không ràng buộc với bố mẹ. Bên cạnh đó, do đặc thù công việc, do còn một bộ phận người dân chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của những bữa ăn gia đình nên còn xem nhẹ, thấy việc duy trì bữa ăn chỉ mang tính chất đơn thuần là ăn uống. Lại có gia đình, lấy lý do ăn uống không hợp khẩu vị giữa người già và người trẻ, nên mặc dù đôi vợ chồng trẻ ở chung với bố mẹ, nhưng mỗi nhà mỗi bếp ăn. Bố mẹ thì mâm cơm ở dưới nhà, trên tầng lại là mâm cơm của con cái… Hoặc có ở cùng, nhưng cơm bố mẹ nấu rất ít ăn, thường dựa vào các lý do: hội họp, sinh nhật, giao lưu, liên hoan… để vắng mặt thường xuyên trong bữa cơm gia đình… Với chủ đề "Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương", ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hàng năm nhằm nêu cao giá trị của tình cảm gia đình thông qua những giây phút sum họp ý nghĩa, thông qua việc duy trì bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam, việc nêu cao giá trị của bữa cơm gia đình còn có mục đích giúp mỗi thành viên trong gia đình hướng tới sự hiểu biết lẫn nhau bằng tình cảm, tri thức và các mối quan hệ xã hội; giáo dục các thành viên trong gia đình có ý thức lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống gia đình: Tình yêu thương, đức hy sinh, lòng vị tha và nhân ái, có lối sống lành mạnh, ứng xử văn minh phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và xu thế phát triển của thời đại…Mong rằng, những thông điệp của ngày Gia đình Việt Nam sẽ góp phần nâng cao nhận thức, suy nghĩ của mỗi người, đem lại cơ hội để mọi thành viên trong gia đình thêm gần gũi, gắn bó, yêu thương, cùng nhau khắc ghi những kỷ niệm đẹp, ấm áp hạnh phúc, cùng chắt chiu, góp nên những "viên gạch hồng" xây dựng gia đình Việt Nam đầm ấm, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Lý Nhân