Sức hấp dẫn từ nghề
"Không gian làm việc của những người làm công việc tiếp thị không giới hạn ở một địa điểm cố định, từ siêu thị, cửa hàng tạp hóa, khuôn viên trường học đến nhà hàng, quán bia … Chỗ nào có thể giới thiệu sản phẩm đến với mọi người, chúng tôi đều có mặt" - Hồng Hạnh (phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình) chia sẻ. Hạnh đã có 3 năm làm công việc này và tham gia nhiều sự kiện lớn nhỏ của các nhãn hàng khác nhau. Vóc dáng cao và khuôn mặt sắc sảo, Hạnh cho biết ngoại hình đẹp tuy được khách hàng đánh giá cao nhưng vẫn chỉ là yếu tố phụ nếu so với sự mạnh dạn và tài ăn nói khéo léo. Tiếp thị chia làm nhiều lĩnh vực tùy thuộc vào các yếu tố, như: ngoại hình, giọng nói, tính cách và ngành nghề đang theo học… và dựa trên những yếu tố đó mà người quản lý sẽ chọn những người tiếp thị phù hợp với từng chương trình. "Người tham gia sẽ được giao nhiệm vụ tiếp thị các sản phẩm tại các cửa hàng, đại lý, thậm chí làm người dẫn chương trình tại các buổi giới thiệu nhãn hàng trong siêu thị, trường học tạo sự chú ý của người xem đối với sản phẩm. Điều này đòi hỏi người làm phải mạnh dạn, hoạt bát; nếu chỉ có ngoại hình đẹp mà không đáp ứng được các yêu cầu khác thì cũng không thể làm được" - Hạnh cho biết. Trước khi trở thành người tiếp thị cho một sản phẩm, người làm nghề đều trải qua phần thử việc do phía đơn vị thuê đặt ra. Tùy theo sản phẩm mà bên thuê sẽ có những yêu cầu dễ hay khó.
Ngoài những yếu tố cơ bản, các tiếp thị viên phải có một trí nhớ tốt và khả năng ứng xử linh hoạt để tiếp thu đặc điểm nổi bật của sản phẩm mà tư vấn cho người tiêu dùng. Qua 2 năm làm tiếp thị và 1 năm làm quản lý, Hạnh cho biết thời gian mới vào nghề ai cũng sẽ cảm thấy run và thiếu tự tin. Nếu vượt qua được cảm giác đó sẽ nhanh chóng trở thành tiếp thị giỏi, nhận được nhiều yêu cầu từ các công ty và tăng thu nhập. Mức giá trung bình là 120 ngàn đồng cho 6 giờ làm việc tại siêu thị, cửa hàng…Nghề tiếp thị thu hút sự quan tâm của nhiều nữ sinh viên có ngoại hình tốt. Hồng Nhung (Sinh viên trường Cao đẳng y tế Ninh Bình) chia sẻ: Ban đầu tôi tưởng chỉ cần đứng một chỗ tươi cười là được nên làm thử cho vui. Ai ngờ, đến khi vào làm tôi lại lúng túng, đưa tờ rơi cho khách đi siêu thị cũng không thể nói hết được một lời mời ghé vào xem hàng. Khi khách hỏi về sản phẩm tôi lúng túng như gà mắc tóc vì không biết trả lời thế nào, gặp khách có vẻ ngoài khó chịu tôi lại sợ, không dám đến gần mời chào…" - Nhung chia sẻ trải nghiệm của bản thân. Do thời gian làm việc không bị gò bó theo khung giờ nhất định mà linh động tùy theo mỗi chương trình, nên các nữ sinh viên có thể sắp xếp lịch học để làm tiếp thị cho một sản phẩm nào đó. Mỗi tháng, một sinh viên làm một chương trình kéo dài 7 ngày đã có thể kiếm được mức thu nhập từ 700 ngàn đồng trở lên để trang trải phần nào chi phí ăn học.
Nếu biết cách sắp xếp lịch học và làm việc phù hợp, đồng thời dành thời gian rảnh rỗi để làm tiếp thị thì có thể kiếm đủ tiền trang trải sinh hoạt phí cho suốt một tháng mà không cần xin thêm từ gia đình. "Tôi thường hỏi những em sinh viên làm tiếp thị sau mỗi chương trình rằng các em học được những gì từ cách giao tiếp đến cách ứng xử với những vị khách khó tính. Theo quan điểm của tôi, đây chính là một trong những cách hay nhất giúp sinh viên có thêm tự tin để bước vào con đường làm việc ổn định sau khi ngưng làm công việc này. Dĩ nhiên, mỗi người có một chí hướng, nhưng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các em hoàn thành công việc khi còn gắn bó với công việc tiếp thị" - Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Vui buồn chuyện nghề
Công việc của tiếp thị là phải thu hút được khách hàng chú ý đến sản phẩm nên ngoài nét đẹp ngoại hình, đồng phục của người làm cũng được các công ty chuẩn bị rất bắt mắt. Trang phục thường là những bộ váy ngắn trên đầu gối và ôm sát cơ thể, hoặc những chiếc áo thun ôm… khiến những người làm tiếp thị luôn gây được sự chú ý với khách hàng. Nhiều người đang làm tiếp thị cho biết, công việc của họ đang làm bị định kiến không tốt, nhất là với những người lớn tuổi. Thậm chí, khi đem sản phẩm tới tiếp thị với những người đi mua sắm tại siêu thị, họ còn có thể bị những phụ nữ lớn tuổi trách móc vì lý do làm phiền, đao bám dai dẳng, thậm chí nặng nề hơn là "quyến rũ" chồng họ.
Để trở thành tiếp thị cho một sản phẩm, mỗi người phải gửi cho công ty cần thuê người bản lý lịch trích ngang và hình thẻ trước khi bước vào buổi thử việc. Một tiếp thị viên làm việc thường xuyên cho nhiều sản phẩm, đồng nghĩa với việc thông tin cá nhân càng bị nhiều người biết, dẫn đến việc một số người bị quấy rối qua điện thoại hoặc những tin nhắn "rác". Nhẹ thì tin nhắn xin làm quen, rủ đi uống nước, nặng hơn là những tin nhắn với nội dung mất lịch sự gây ảnh hưởng tâm lý. Một lần vào nhà hàng Khánh Anh (Thành phố Ninh Bình), ngồi cạnh một tiếp viên tiếp thị cho sản phẩm bia Sài Gòn tôi được nghe nhiều chuyện vui, buồn của Nhật Linh (xã Ninh Phúc, Thành phố Ninh Bình): Những người được chọn vào các chương trình tiếp thị bia, rượu phải cao trên 1,65m và đặc biệt là phải giỏi nhẫn nhịn. Tiếp thị những sản phẩm này trong quán nhậu, nhà hàng tiếp viên phải đối mặt với những vị khách đã có hơi men. Việc bị đụng chạm là chuyện diễn ra như cơm bữa, nhưng vì quy định của phía công ty thuê nên chúng em không được có hành động, lời nói mất lòng khách hàng. Những lúc bị "đụng chạm", thậm chí xúc phạm như vậy chỉ muốn cho người khách kia một cái tát, nhưng phải nén lại và lui đi chỗ khác…" Ngoài ra, một số trường hợp tiếp viên làm tại quán nhậu gặp phải ông chủ có hành vi khiếm nhã, bà chủ thấy vậy tỏ ra khó chịu và ngay hôm sau không đồng ý cho tiếp thị tại quán nữa. Không chỉ những người say xỉn, ngay giữa nơi đông đúc như siêu thị, chợ, các cửa hàng tạp hóa, người làm tiếp thị vẫn có thể bị quấy rối bất kỳ lúc nào, như yêu cầu đòi chụp hình chung rồi lợi dụng nắm tay, ôm eo...
Là người đại diện cho hình ảnh của sản phẩm và công ty nên chỉ cần người tiếp thị có một sơ suất nhỏ trong giao tiếp cũng khiến cả chương trình và công sức của họ trở nên vô nghĩa. Đặc thù nghề nghiệp yêu cầu phải trang điểm kỹ, ăn mặc đẹp, nói năng khéo léo, biết chiều lòng khách hàng nên các tiếp thị viên không tránh khỏi bị mọi người dị nghị. Nhưng với bản thân mỗi người làm tiếp thị, hơn ai hết họ hiểu việc mình đang làm và luôn cố gắng trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm để vừa trang trải cuộc sống vừa được xã hội tôn trọng.
Đức Quỳnh