Trên phạm vi toàn tỉnh, mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với trồng trọt được xác định ở mức cao nhất là thời điểm đến hết ngày 21/7. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Từ ngày 13-21/7, mưa lũ đã làm cho: 6.931,5 ha lúa mùa bị ảnh hưởng, trong đó có 4.644,7 ha bị thiệt hại từ 50-70%; có 861,6 ha bị thiệt hại từ 30-50% và 73,4 ha bị thiệt hại dưới 30%. Mưa lũ cũng đã làm cho 147,2 ha cây màu các loại và 3,5 ha cây ăn quả bị hư hại. Ngay sau khi nước rút, các địa phương đã tích cực khôi phục sản xuất nhưng thiệt hại do mưa lũ gây ra đã làm chậm đáng kể tiến độ sản xuất vụ mùa. Đến ngày 1/8 đã có 34.407,7 ha lúa được gieo cấy, đạt 94,9% diện tích kế hoạch, trong đó: Nho Quan 4.239 ha, có 1500 ha gieo thẳng; Gia Viễn 4.762 ha, có 962 ha gieo thẳng; Hoa Lư 2.534,2 ha, có 1.815,7 ha gieo thẳng; Yên Mô 6.775 ha, có 5.772,6 ha gieo thẳng; Yên Khánh 7.600 ha, có 6.907 ha gieo thẳng; Kim Sơn 7.400 ha, có 800 ha gieo thẳng; thành phố Ninh Bình 864,5 ha, có 250 ha gieo thẳng; thành phố Tam Điệp 233 ha, có 165 ha gieo thẳng.
Như vậy đã có 3 đơn vị hoàn thành khâu sản xuất này là Hoa Lư, Yên Khánh và Yên Mô; các đơn vị khác cũng đã đạt từ 90-95% diện tích kế hoạch. Toàn tỉnh cũng đã trồng được 2.843,9 ha cây màu các loại, trong đó: Ngô 783,5 ha, lạc 264,7 ha, khoai lang 106,5 ha, đậu các loại 604,4 ha, rau các loại 1.083,8 ha.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Văn Khiêm, Trưởng Phòng nghiệp vụ tổng hợp (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Ngày 1/8/2018, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có văn bản chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa năm 2018.
Theo đó các địa phương trong tỉnh cần tập trung đẩy nhanh tiến độ khâu gieo cấy lúa mùa và kết thúc trước ngày 5/8/2018. Với diện tích lúa cấy và lúa gieo thẳng bị ngập úng đã được rút nước kịp thời, sau khi rút nước cần tiến hành bón bổ sung 7-10 kg lân supe/sào kết hợp phun phân qua lá để tăng cường sự phát triển của bộ rễ, cung cấp dinh dưỡng giúp cây lúa nhanh phục hồi. Dặm tỉa lại những vị trí bị khuyết dảnh, khuyết khóm bằng mạ dự phòng đúng giống, đúng tuổi để đảm bảo sự đồng đều trên đồng ruộng; khi lúa bắt đầu đẻ nhánh thì tiến hành bón thúc theo quy trình.
Những diện tích lúa bị ảnh hưởng nặng, mà chủ yếu ở diện tích lúa gieo thẳng mới gieo, sau khi nước rút cần kiểm tra kỹ nếu có thể gieo bổ sung thì gieo bổ sung ngay; khi mật độ không còn đảm bảo thì tiến hành gieo lại, cần sử dụng các giống lúa ngắn ngày. ở những địa phương, vùng chưa cấy chuẩn bị đầy đủ vật tư và tổ chức gieo cấy càng sớm càng tốt khi điều kiện cho phép. Chú ý phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam và rầy nâu cho lúa.
Qua kiểm tra sản xuất cho thấy: Các địa phương những ngày qua đã tích cực huy động nhân lực, vật lực để khôi phục sản xuất nông nghiệp bằng nhiều biện pháp. Nhiều diện tích lúa mùa bị thiệt hại nặng đã được cấy dặm hoặc cấy lại hoàn toàn.
Đối với các diện tích cây trồng khác, bà con nông dân đã được cán bộ chuyên ngành hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăm sóc sau ngập úng. Đối với các loại cây màu, tuy có khung thời vụ dài hơn (đến ngày 15/8) nhưng các địa phương không nên vì thế mà chủ quan, cần tiếp tục bơm tiêu nước đệm trong kênh mương, thùng vũng, ao hồ ra sông đề phòng mưa vẫn tiếp diễn.
Đinh Chúc