Theo thông tin từ Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) Võ Danh Hải, đã có sáu quốc gia chính thức đăng ký tham dự Ðại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3 (AIG 3) là Cam-pu-chia, Iran, Ấn Ðộ, Thái-lan, Lào và chủ nhà Việt Nam. Dù vậy, WVVF vẫn tiếp tục vận động để Indonesia và Lebanon tham dự. Dự kiến, môn Vovinam sẽ thu hút khoảng mười quốc gia với khoảng 120 võ sĩ nam, nữ.
Ngày 10-10 vừa qua, Ðội tuyển Vovinam Lào đã tới TP Hồ Chí Minh tập huấn đến ngày khai mạc (29-10). Trong quá trình tập huấn tại TP Hồ Chí Minh, đội Lào sẽ tập luyện cùng với đội dự tuyển quốc gia Vovinam Việt Nam tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch, các đội tuyển Vovinam Ấn Ðộ, Iran, Cam-pu-chia và Thái-lan cũng sẽ lần lượt tập huấn tại TP Hồ Chí Minh khoảng một đến hai tuần trước khi bước vào cuộc tranh tài tại AIG 3 diễn ra từ ngày 31-10 đến 3-11 tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP Hồ Chí Minh).
Việc không nhiều quốc gia đăng ký tranh tài tại AIG 3 không phải là một "bước lùi" của Vovinam, bởi khu vực châu Á được xem là "cái nôi" của võ thuật thế giới, cách đây hai năm còn là "vùng trắng" của Vovinam. Chỉ chưa đầy hai năm, với những nỗ lực của Liên đoàn Vovinam thế giới và Việt Nam, đến nay phong trào đã phát triển với tốc độ khá nhanh, mở ra một triển vọng mới cho môn võ thuật của dân tộc Việt Nam ở khu vực.
Lĩnh ấn tiên phong của thể thao Việt Nam
Tại AIG 3, các võ sĩ sẽ tranh tài ở hai nội dung đối kháng (gồm bốn hạng cân của nam: 55 kg, 60 kg, 65 kg, 70 kg; hai hạng cân nữ: 50 kg, 55 kg) và Hội diễn kỹ thuật tổng hợp (bốn bộ huy chương của nam: Ngũ môn quyền, song luyện mã tấu, đòn chân tiến công, đa luyện vũ khí; bốn nội dung dành cho nữ: Long - Hổ quyền, song luyện kiếm, tự vệ nữ, đa luyện vũ khí). Theo đánh giá của giới chuyên môn, nội dung Hội diễn kỹ thuật tổng hợp, sức mạnh của Việt Nam, quốc gia sản sinh môn võ thuật này, là hoàn toàn vượt trội.
Ở Giải vô địch thế giới lần thứ nhất (diễn ra từ ngày 26 đến 28-7-2009 tại Nhà thi đấu Quân khu 7), các võ sĩ đã giành 15/22 HCV cho đoàn Việt Nam. Sau đó, khi Việt Nam chỉ cử lực lượng võ sĩ trẻ tham dự, cho nên đoàn Ấn Ðộ giành được ngôi vô địch toàn đoàn giải Tiền AIG 3 khi giành được tới 4/6 HCV. Hai HCV còn lại thuộc về Cam-pu-chia.
Với phong độ hiện tại, những gương mặt tên tuổi của làng Vovinam thế giới như Phạm Thị Phương, Phan Ngọc Tới, Nguyễn Bình Ðịnh, Hùynh Khắc Nguyên, Nguyễn Văn Cường... chắc chắn sẽ tiếp tục tỏa sáng để giành nhiều HCV cho Việt Nam tại AIG3.
Khác với nội dung Hội diễn kỹ thuật tổng hợp, nội dung đối kháng lại rất khó khăn với chủ nhà Việt Nam trong việc giành huy chương khi các quốc gia khác đều rất mạnh ở nội dung này. Tuy vậy, với việc được cọ xát thường xuyên hơn ở nhiều giải đấu, đặc biệt như hệ thống thi đấu hằng tuần của chương trình "Võ đài chiến thắng" do Liên đoàn Vovinam Việt Nam phối hợp với kênh VTC9 Let's Việt tổ chức đã giúp các võ sĩ Việt Nam khỏa lấp bất lợi về thể hình so với các võ sĩ mạnh của châu lục bằng những miếng đánh rất sắc bén, và qua đó sức mạnh và sức bền chuyên môn đều tiến bộ rõ nét. Với những võ sĩ trẻ nhưng hội tụ đầy đủ kỹ thuật và quyết tâm như Võ Nguyên Linh, Phan Thị Ngọc Hân, Trần Thị Thanh Chúc, Thân Lại Kim Long, Ðỗ Ðức Vui..., Vovinam Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để gia tăng số lượng huy chương giúp Ðoàn Thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ tại AIG 3.
Theo Nhandan