Đây cũng là tác phẩm sân khấu được tập thể cán bộ, nghệ sỹ, nhân viên Nhà hát chèo nỗ lực luyện tập với tình cảm và sự tri ân sâu sắc với truyền thống, lịch sử của quê hương, hướng về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các nghệ sỹ Nhà hát chèo Ninh Bình đã đưa khán giả đến các cung bậc khác nhau của cảm xúc khi được chứng kiến tâm trạng, tình cảm và bối cảnh lịch sử đưa tướng quân họ Lý lên ngôi Hoàng đế. Khai thác đề tài về lịch sử, bên cạnh việc tìm kiếm, lựa chọn kịch bản hay, phù hợp, Nhà hát chèo Ninh Bình còn mời nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tường thẩm định kịch bản. Do đó, vở diễn đã đem đến cho khán giả cái nhìn khách quan, trung thực về từng giai đoạn lịch sử.
Với những ai đã xem vở diễn đều có tâm trạng băn khoăn và đặt câu hỏi: Liệu "Linh khí Hoa Lư" có "giẫm" vào "vết chân" của những người đi trước khi đề cập đến đề tài lịch sử đã được nhiều đoàn nghệ thuật trong Nam, ngoài Bắc khai thác, dàn dựng? Nghiên cứu lịch sử nước nhà và xem nhiều vở diễn về quá trình vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, người Việt Nam nào cũng hiểu rõ đó là quyết định sáng suốt, tầm nhìn mang tính chiến lược, lâu dài của vị vua anh minh. Tuy nhiên, với sự thể hiện của các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Ninh Bình, đặc biệt là nghệ sỹ Thanh Tú trong vai Lý Công Uẩn, vở diễn đã đưa đến cho khán giả cái nhìn mới, đậm tính nhân văn và tình cảm sâu nặng của vị vua họ Lý khi nghe nhà vua bày tỏ tâm trạng của mình trước khi quyết định đại sự: Ôi sông núi Hoa Lư/ Hồn đất nước thấm vào từng thớ đá/Chập trùng núi là lòng dân ta đó/Ngàn lau xưa bỗng hóa bóng cờ…".
Để thấy được tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của Lý Công Uẩn đối với các bậc tiền bối, với mảnh đất, những con người đã cùng Lý Công Uẩn dựng nên cơ nghiệp, với tình cảm khắc sâu trong tâm khảm như vậy, mới thấy không phải dễ gì để Lý Thái Tổ viết ra bức "Thủ Chiếu dời đô" tồn tại hàng nghìn năm cùng lịch sử. Nghệ sỹ Thanh Tú đã khéo đi sâu, khai thác khía cạnh tình cảm thiêng liêng đó của đức Lý Thái Tổ. Đây được xem như "sợi chỉ đỏ" có ý nghĩa sâu sắc, "nối" lịch sử của kinh đô Hoa Lư tới kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Nghe nghệ sỹ Thanh Tú (trong vai Lý Thái Tổ) thốt ra những lời từ tâm can:
"Hơn 40 năm qua, có được một kinh đô như Hoa Lư
Không phải dễ!
Là nhân tài, vật lực, là công sức của người dân Châu Đại Hoàng xây đắp nên kinh đô
Phải dời bỏ đi lòng ta thương nhớ…
Từng ngọn núi, dòng sông, bờ tre, nương lúa…
Đối với Trẫm cũng trở thành thiêng liêng, bất tử
Lẽ nào Trẫm vô ơn với mảnh đất Hoa Lư đã nuôi Trẫm lớn khôn?" ...
Người xem chợt nhận ra: Có một Lý Thái Tổ đầy ắp tình yêu thương con người, tri ân với mảnh đất Hoa Lư, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền bối mà vì đại cục của dân tộc, ông sắp phải dời bỏ. Đó cũng chính là cái mới, là nét riêng của vở chèo "Linh khí Hoa Lư", khác hẳn với các vở diễn khác khi khai thác về đề tài Lý Công Uẩn. Vở chèo đã "nói hộ" suy nghĩ, tình cảm của đất và người Ninh Bình hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Với huy chương vàng dành cho vở diễn xuất sắc nhất và 6 huy chương vàng, bạc cá nhân cho các nghệ sỹ: Thanh Tú, Thế Tưởng, Thanh Tuyền, Bá Toản, Huyền Diệu, Quốc Trị, vở diễn đã thành công và là thành tích ý nghĩa nhất mà tập thể cán bộ, nghệ sỹ Nhà hát chèo Ninh Bình hướng về kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Lý Nhân