Hỏi ra mới biết ông là Hoàng Trọng Phu, 66 tuổi, nhà ở phố Phúc Lộc (phường Phúc Thành - thành phố Ninh Bình), và người phụ nữ ngồi trên xe lăn là vợ ông - bà Trịnh Thị Dung, 60 tuổi.
Trong thời gian bà Dung vào tập vật lý trị liệu trong khu vực siêu thị, tôi đã tranh thủ hỏi chuyện ông Phu. Ông kể: Trước đây tôi làm ở Công ty Bê tông- thép Ninh Bình, nhưng do sức khỏe yếu nên năm 1989 đã về nghỉ mất sức. Cuộc sống gia đình khá chật vật vì đồng lương ít ỏi, lại phải nuôi 3 con ăn học. Song khó khăn nhất là khi vợ tôi bị tai biến mạch máu não vào năm 1995, sau đó liệt nửa người và không đi lại được. Đã mấy lần tôi đưa vợ đi Hà Nội điều trị, mỗi đợt cả tháng trời nhưng tình trạng sức khỏe của bà ấy không được cải thiện là mấy. Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp được thầy, được thuốc, chữa khỏi bệnh cho vợ…
Qua câu chuyện với ông Phu, tôi hiểu niềm hy vọng và tình thương chính là động lực thôi thúc ông vượt qua bao khó khăn, nhọc nhằn quyết tâm chữa bệnh cho vợ. 15 năm vợ ông ốm đau, dường như ông không có ngày nghỉ. Một mặt phải lo cho các con "không bị thất học" để sau này chúng có cuộc sống tốt hơn, mặt khác phải lo kiếm tiền chạy chữa thuốc thang cho vợ, ai mách gì làm nấy, hết Tây y chuyển sang Đông y.
Mọi việc trong gia đình, kể cả những việc mà lâu nay chỉ có phụ nữ quen làm, như chợ búa, cơm nước, quét dọn cửa nhà… đều do một tay ông thu xếp. Song điều khiến nhiều người thán phục nhất là suốt 15 năm qua ông vẫn luôn sát cánh bên vợ, cùng vợ chiến đấu với bệnh tật, chăm cho bà từ miếng ăn, giấc ngủ, chén thuốc đến việc giúp bà tập đi, làm vệ sinh cá nhân mà không hề kêu ca, phàn nàn hay chán nản, mệt mỏi. Chứng kiến những việc làm của ông, nhiều người tỏ ý thán phục, ông nói: Mình chăm vợ mình là chuyện bình thường. Đã là vợ chồng thì hạnh phúc cùng hưởng, vất vả cùng sẻ chia, lúc khó khăn, hoạn nạn là lúc cần cho nhau nhất…
Theo ông Phu, giai đoạn sóng gió nhất của gia đình ông đã qua. Các con ông nay đã trưởng thành, 2 cháu gái đã xây dựng gia đình, cháu trai thứ 2 cũng đã có việc làm ổn định. Vợ ông tuy vẫn phải có người dìu, song đã nhúc nhắc đi lại được. Cách đây không lâu, khi nghe mọi người nói về tác dụng của phương pháp vật lý trị liệu, ông đã quyết định mua 1 chiếc xe lăn, gia công thêm chiếc càng xe và dùng xe đạp chở vợ đi điều trị, tập luyện…
Khi hỏi những suy nghĩ về người chồng của mình, dù rất khó khăn để có thể phát âm được, song những giọt nước mắt lăn trên gò má cùng ánh mắt biết ơn, trìu mến của bà Dung với chồng đã nói lên tất cả. Hy vọng tình thương yêu và lòng kiên trì sẽ giúp ông thực hiện được tâm nguyện của mình: chữa khỏi bệnh cho vợ.
Bài, ảnh: Hà Trang