Tạ Hữu Yên sinh năm 1927 tại thôn Đông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Ngay sau ngày giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8/1945, chàng thanh niên Tạ Hữu Yên đã sớm tham gia vào tổ chức yêu nước ở địa phương, làm Chính trị viên trung đội du kích, Trưởng ban thông tin tuyên truyền rồi Bí thư đoàn thanh niên cứu quốc xã. Dù đảm đương trách nhiệm gì chàng thanh niên Tạ Hữu Yên cũng để lại những dấu ấn khó quên.
Năm 1948, Tạ Hữu Yên đã viết đơn tình nguyện gia nhập Quân đội. Bước chân anh đã có mặt trên nhiều nẻo chiến trường, rồi về công tác ở Huyện đội Yên Mô, giữ nhiều trọng trách khác do Quân đội giao phó.
Suốt 41 năm trong quân ngũ, Tạ Hữu Yên đã đến nhiều nơi, đã qua những giây phút tử sinh sau từng trận đánh..., giúp anh có thêm trải nghiệm, vốn sống, ngôn ngữ, bản sắc của từng vùng miền, từng dân tộc nên từng tác phẩm của anh kể cả thơ, văn, báo chí đều thấm đậm nhân văn, sức lan tỏa mạnh mẽ với độc giả, với công chúng văn nghệ trong cả nước.
Tạ Hữu Yên đã sớm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước. Một kỷ lục không nhỏ, đến nay anh đã cho in và phát hành trên 40 tập sách gồm nhiều thể loại nhưng chủ yếu là thơ và văn xuôi.
Theo số liệu Đài Tiếng nói Việt Nam công bố, anh là nhà thơ duy nhất ở Việt Nam có gần 160 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có không ít bài được xếp loại bài ca đi cùng năm tháng. Nhà xuất bản âm nhạc đã xuất bản tập ca khúc chọn lọc với 96 ca khúc tiêu biểu mà các nhạc sĩ đã phổ thơ của nhà thơ Tạ Hữu Yên.
Nhiều bài trong số đó đã thành danh như bài "Đất nước" do Phạm Minh Tuấn phổ nhạc, "Đôi dép Bác Hồ" do nhạc sĩ Văn An phổ nhạc, "Cảm xúc tháng mười" của nhạc sĩ Nguyễn Thành… Bài thơ "Bàn tay mẹ" viết cho thiếu nhi đã lần lượt được các nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, Minh Châu, Nguyễn Thụy Kha phổ nhạc, được bình chọn là một trong 50 ca khúc giành cho thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX.
Những năm gần đây, dù tuổi cao, sức yếu nhưng thơ Tạ Hữu Yên vẫn đăng tải đều đặn trên báo chí, ấn phẩm của Trung ương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thơ anh dung dị, hàm xúc, tài hoa, giàu nhạc điệu, lại gần gũi với thiên nhiên, với con người, đặc biệt là những tình cảm, lòng kính yêu mà nhà thơ giành cho quê hương, Tổ quốc, cho Đảng, Bác kính yêu. Những tình cảm thiêng liêng đó luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cảm xúc, bút pháp của thơ anh.
Quê hương đọng lại trong thơ anh như những giọt mật, tan chảy trong con tim bạn đọc để mãi trân trọng, nâng niu gìn vàng, giữ ngọc: "Mây đi xa lắm không về kịp/ Bầu trời tinh khiết đến nôn nao". Và thật cảm động, đối với giới báo chí, giới văn học nghệ thuật Ninh Bình anh luôn mở lòng, dõi theo từng bước, góp ý, khích lệ, động viên kịp thời những cố gắng trên con đường xây dựng và phát triển.
Với 86 tuổi đời, trên 65 năm tuổi Đảng, 41 năm cầm súng đánh giặc và gần 70 năm cầm bút, Tạ Hữu Yên đã chiến đấu và làm việc hết mình, chưa phút nào ngưng nghỉ. Đại tá, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ mà không phải người cầm bút nào cũng làm được. Ghi nhận những công lao và thành tựu to lớn đó, anh đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật.
Đại tá, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã mãi đi xa nhưng cuộc đời, tên tuổi và sự nghiệp văn thơ của anh thì mãi còn với thời gian, với đọc giả Cố đô anh hùng. Đối với những người cầm bút Ninh Bình kể cả trên lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật, anh mãi là tấm gương lớn để chúng ta cùng noi theo cùng vượt lên xây dựng trên quê hương thân yêu một nền văn hóa tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.
Viết những dòng này như một nén tâm hương để tiễn biệt anh mãi đi vào cõi vĩnh hằng, mãi sống với thời gian.
Vĩnh biệt Tạ Hữu Yên-người con tài hoa đất Cố đô!
Lê Liêu