Trăn trở một thời…
Cũng như nhiều cơ sở điều trị khác của Quân đội trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế, Bệnh viện Quân y 5 gặp không ít khó khăn, một thời gian khá dài chưa tìm được phương cách tháo gỡ hiệu quả. Một bệnh viện từng là địa chỉ tin cậy thu dung, cấp cứu, điều trị thương binh, bệnh binh trong những năm chiến tranh, từng lập nhiều chiến công và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, nhưng một thời gian dài trong cơ chế bao cấp, hầu hết chỉ phục vụ bộ đội, nên không tránh khỏi trì trệ, tụt hậu. Cơ sở vật chất xuống cấp, phòng bệnh, trang thiết bị đơn sơ…nhưng hầu như không có kinh phí đầu tư, nâng cấp. Nhiều thương binh, bệnh binh, người bệnh đến đây đều cảm thấy chạnh lòng. Người ngoài đã vậy, người trong cuộc càng "tâm tư", trăn trở hơn. Một số thầy thuốc có kinh nghiệm, tâm huyết, tay nghề giỏi…chưa yên tâm, gắn bó với đơn vị…
Với quan điểm phải vực dậy, xây dựng Bệnh viện trở thành bệnh viện khu vực chiến lược hữu ngạn sông Hồng đảm nhiệm phạm vi khám cứu chữa bệnh cho bộ đội thuộc phía Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã quyết tâm "thổi" sức sống mới vào bệnh viện. Đảng ủy, Ban lãnh đạo mới của bệnh viện được kiện toàn, thực sự đoàn kết, đồng lòng, trở thành "đầu tầu" kéo những toa xe chuyển động.
Đại tá Vũ Hữu Dũng, Giám đốc Bệnh viện, rất khiêm tốn, nên khi trao đổi với chúng tôi, chỉ vạch mấy điểm cốt lõi: Bệnh viện quân đội thì phải khẳng định được phẩm chất của người lính, chữ tín, y đức của thày thuốc chiến sỹ với bộ đội, nhân dân. Bằng những biện pháp khoa học, bệnh viện tập trung nâng cao khả năng quản lý, tạo bước đột phá về kỹ thuật, trình độ chuyên môn, tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.
Tạo bước đột phá
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, Ban giám đốc Bệnh viện đã đổi mới tư duy lãnh đạo, đưa công tác quản lý mọi hoạt động về một mối như quản lý thuốc, quản lý về hành chính, con người được đưa vào "khuôn phép" trên cơ sở lấy lợi ích của tập thể làm nền tảng. Đây là vấn đề động chạm đến thói quen, lợi ích cá nhân nhưng với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, Bệnh viện đã từng bước thành công.
Là một trong số ít bệnh viện đầu tiên trong cả nước đầu tư thiết lập mạng Lan (Quản lý bệnh viện bằng phần mềm tin học) đã tạo nền nếp công tác mới khoa học, hiệu quả. Người bệnh đến khám bệnh được hướng dẫn chu đáo, giảm tiêu cực, phiền hà nhờ tính khách quan của quy trình. Đề tài này đã được nhận giải thưởng Sao khuê đất Việt năm 2005. Bệnh viện tiếp thu, triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ bác sỹ, y tá, y sỹ, kỹ thuật viên tham gia học tập bằng nhiều hình thức như gửi đào tạo tuyến trên cả trong và ngoài quân đội, mở lớp bồi dưỡng tại chỗ, mời các chuyên gia của Viện 108, 103, Việt Đức về hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật…
Từ năm 2000 đến nay, 100% cán bộ, nhân viên của bệnh viện đã được học tập, bồi dưỡng, nâng ca trình độ ở nhiều cấp học. Nhiều kỹ thuật của tuyến A được triển khai hiệu quả như phẫu thuật nội soi tiêu hóa, sản khoa, tiết niệu, khớp gối, phẫu thuật kết xương, các gẫy đầu xương; ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật trong điều trị bệnh nhân chấn thương…T rung tâm cấp cứu, điều trị đa chấn thương của bệnh viện đã được đầu tư, phát triển, góp phần cứu sống hàng trăm bệnh nhân trong cơn nguy kịch.
Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu giới thiệu với chúng tôi các loại máy móc, trang bị thế hệ mới như máy thở đa chức năng, hệ thống máy theo dõi chức năng sống của bệnh nhân, máy phẫu thuật nội soi, thiết bị chẩn đoán hình ảnh…và một đội ngũ các kíp kỹ thuật viên làm chủ trang bị. Nhờ đó, Bệnh viện có khả năng xử lý nhiều trường hợp đặc biệt, phức tạp.
Bệnh viện được "quân mến, dân tin"
Bệnh viện quân y 5 đang ngày càng củng cố, khẳng định uy tín của mình với bộ đội, nhân dân. Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho gần 500 người nhưng không hề chạy theo số lượng mà coi trọng duy trì chất lượng. Đa số người bệnh khi vào viện mang theo nỗi suy tư, nhưng đến với bệnh viện quân y 5 đều cảm thấy tinh thần phục vụ chu đáo, thái độ niềm nở, hòa nhã của cán bộ, thầy thuốc. Quan trọng hơn là khả năng, trình độ của đội ngũ thầy thuốc được khẳng định với kinh nghiệm xử lý nhiều ca bệnh phức tạp, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho bệnh nhân. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật gần 3000 ca, trong đó hơn 1000 ca loại 1.
Ở Khoa xét nghiệm, đã hơn 11 giờ 30 phút, nhưng kỹ thuật viên Phạm Thị Lê Phương vẫn đang làm việc. Chị nhận bệnh phẩm từ bệnh nhân và nhẹ nhàng nói: "Bác cứ ngồi ghế chờ, 15 phút sau sẽ có kết quả".
Tôi hơi ngạc nhiên vì thường 11 giờ các bệnh viện đều nghỉ trưa, còn ở đây … Như hiểu được băn khoăn của tôi, thạc sỹ, bác sỹ, Trung tá Nguyễn Quốc Toản, Chủ nhiệm khoa xét nghiệm giải thích: "Từ khi thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các khoa, phòng, ban trong bệnh viện đều đăng ký cụ thể nội dung "làm theo" tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Khoa xét nghiệm tập trung vào tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân".
Minh chứng những điều vừa nói, bác sỹ Toản cho tôi xem số liệu bệnh phẩm do khoa tiến hành xét nghiệm. Ngày 2-9 là ngày nghỉ lễ, Khoa vẫn xét nghiệm cho 28 bệnh nhân; ngày 3-9 xét nghiệm cho 148 bệnh nhân, ngày 4-9 là 160 bệnh nhân…
Bác sỹ Toản tâm sự: "Mình làm việc thêm chút ít thời gian để bệnh nhân đỡ phải chờ đợi lâu. Nếu mình không làm thêm, không cố gắng thì không ít bệnh nhân, nhất là những người từ xa đến, để lấy được kết quả, không chỉ mất thời gian mà còn kéo theo nhiều tốn kém…".
Đến Khoa Hồi sức cấp cứu, một lần nữa tôi lại ngạc nhiên khi thấy Thượng úy, Điều dưỡng trưởng Phạm Thị Hòa đang nắn nót ghi chép vào "Sổ thành công" và "Sổ thất bại". Chị Hòa giải thích với tôi: "Từ khi thực hiện Cuộc vận động, Khoa chúng tôi làm hai cuốn sổ này để nghi lại những thành công và thất bại trong công việc điều trị cho bệnh nhân, từ đó rút kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn".
Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu, bày tỏ: "Mỗi lần kê đơn thuốc cho bệnh nhân, chúng tôi đều cân nhắc kỹ, sao cho bệnh nhân đỡ tốn kém nhất mà vẫn khỏi bệnh". Cảm thông với nỗi đau của người bệnh và hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên Khoa Hồi sức cấp cứu đã có nhiều sáng kiến, cải tiến giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh, như: Thay bao đo huyết áp của Nhật bằng bao do Việt Nam sản xuất; hoặc dùng vỏ chai dịch truyền thay túi đựng thức ăn thông qua dạ dày, giúp bệnh nhân tiết kiệm được 85.000 đồng/lần sử dụng. Từ đầu năm 2008 đến nay, cán bộ, nhân viên Bệnh viện quân y 5 đã có 52 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh và tiết kiệm cho bệnh nhân.
Hỏi chuyện những bệnh nhân đã từng khám và điều trị ở đây, ai cũng hết lời ngợi khen các thày thuốc Bệnh viện quân y 5, tận tình, chu đáo, coi người bệnh như người thân của mình. Tiếng thơm bay xa, Bệnh viện không chỉ thu nhận bệnh nhân của hơn 80 đầu mối đơn vị quân đội, 17.000 thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn mà còn khám, chữa bệnh cho bệnh nhân từ các bệnh viện tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Bình…
Ghi nhận những thành tích, tiến bộ toàn diện, nhiều năm liền Bệnh viện được nhận cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua Quyết thắng của Quân khu III, năm 2004 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, năm 2005 được tặng thưởng huân chương chiến công hạng 3, năm 2008 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT trong thời kỳ đổi mới.
Bài, ảnh: Quỳnh Thu