Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Ninh Bình được tái lập tháng 4 năm 1992. Hiện nay toàn ngành có 9 phòng nghiệp vụ thuộc Viện KSND tỉnh và 8 đơn vị Viện KSND cấp huyện với tổng số 173 cán bộ, công chức.
Dưới sự chỉ đạo của Viện KSND tối cao, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp và tạo điều kiện của các cấp, các ngành; sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức trong ngành, Viện KSND tỉnh đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Nhiều năm qua, Viện KSND tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững kỷ cương, pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và mang lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân.
Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Viện KSND hai cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ các tin báo, tố giác về tội phạm và kiểm sát việc giải quyết các vụ án của cơ quan điều tra; không để lọt tội phạm và người phạm tội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết án hình sự, các vụ án được giải quyết trong thời hạn luật định, chất lượng giải quyết án được nâng lên. Việc điều tra lập hồ sơ vụ án đảm bảo khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Từ năm 2006 - 2011, đã kiểm sát điều tra 3.606 vụ án hình sự với 5.016 bị can; Viện KSND truy tố 2.946 vụ với 4.825 bị can, tỷ lệ giải quyết án đạt 99,62%. Các vụ án truy tố đều đảm bảo có căn cứ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có oan sai, không xảy ra quá hạn, tồn đọng. Viện KSND đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 2.985 vụ 4.889 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm; 239 vụ, 317 bị cáo theo trình tự phúc thẩm; không có bị cáo nào Tòa án tuyên không phạm tội.
Tại phiên tòa, kiểm sát viên đã chủ động thẩm vấn, tranh luận làm sáng tỏ hành vi phạm tội, của bị cáo, hậu quả của tội phạm; đảm bảo việc xét xử công khai, dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có tác dụng tích cực trong việc cải tạo, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa tội phạm.
Viện KSND còn chủ trì phối hợp liên ngành, xác định và giải quyết 151 vụ án trọng điểm; giải quyết theo thủ tục rút gọn 20 vụ; tổ chức 311 phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra tội phạm đảm bảo đúng quy định, có tác dụng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Phân công kiểm sát viên có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử ở 69 phiên tòa, mời kiểm sát viên hai cấp dự để nâng cao năng lực và kỹ năng tranh tụng cho đội ngũ kiểm sát viên. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn được thực hiện thận trọng, 100% các trường hợp phạm tội bắt đúng pháp luật và cần thiết. Chất lượng bắt giữ được nâng lên một bước đáng kể. Kiểm sát chặt chẽ việc tạm giữ, tạm giam và chấp hành án phạt tù, kịp thời yêu cầu cơ quan giam giữ, cải tạo khắc phục vi phạm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân.
Viện KSND đã chủ động phối hợp với Công an, Tòa án rà soát số bị án phạt tù chưa thi hành để bàn biện pháp thi hành kịp thời, đảm bảo hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định. Viện KSND cấp huyện đã kiểm sát trực tiếp việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ 99 lượt tại UBND các xã, phường, thị trấn; ban hành 99 văn bản kiến nghị yêu cầu khắc phục sửa chữa vi phạm; kiến nghị của Viện KSND đã được UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc. Viện KSND 2 cấp còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng theo Quy chế số 03/LN trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thường xuyên trao đổi chấn chỉnh các sai sót trong quá trình tiến hành tố tụng, tập hợp các vi phạm phổ biến trong công tác điều tra, xét xử, kiến nghị Giám đốc Công an tỉnh và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo khắc phục, đảm bảo các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng đúng pháp luật; kiến nghị của Viện KSND đã được chấp nhận sửa chữa.
Về kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, việc dân sự, Viện KSND tỉnh đã chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự, đảm bảo việc thụ lý, giải quyết các vụ, việc dân sự đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Qua kiểm sát đã kháng nghị 43 bản án theo trình tự phúc thẩm, báo cáo đề nghị Viện KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với 4 quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh; Viện KSND ban hành 44 kiến nghị yêu cầu Tòa án cùng cấp khắc phục các vi phạm, góp phần đảm bảo việc thụ lý giải quyết các vụ, việc dân sự đúng pháp luật.
Về kiểm sát thi hành án dân sự, trên cơ sở quản lý chặt chẽ các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Viện KSND tỉnh đã tăng cường kiểm sát việc phân loại điều kiện thi hành án; đôn đốc cơ quan thi hành án có biện pháp thi hành kịp thời. Các kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện KSND đều được cơ quan thi hành án tiếp thu và thực hiện nghiêm túc. Về giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đã thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực tiếp công dân và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của cơ quan tư pháp... Kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp tại cơ quan Công an, Tòa án, Thi hành án. Đã ban hành 14 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
Về công tác xây dựng ngành, duy trì thường xuyên, nề nếp việc đánh giá cán bộ hàng năm và thực hiện việc rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ quản lý cho các đơn vị trực thuộc ở cả 2 cấp kiểm sát; tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ cả về chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, đạo đức lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kiến thức năng lực thực tiễn, trên cơ sở đó bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ hiện có, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị. Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp; 8/8 đơn vị thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của điều 170 Bộ Luật tố tụng hình sự và điều 33 Bộ Luật tố tụng dân sự. Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Viện KSND tỉnh phối hợp với cấp ủy địa phương lựa chọn cán bộ lãnh đạo kiểm sát cấp huyện giới thiệu tham gia cấp ủy cùng cấp đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, 8/8 Viện KSND cấp huyện và Viện KSND tỉnh đều có nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Viện KSND tỉnh đã đề nghị và được Viện KSND tối cao quyết định bổ nhiệm 23 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh (Viện trưởng, Phó viện trưởng và Trưởng, phó phòng), 20 chức danh lãnh đạo quản lý cấp huyện (viện trưởng, phó viện trưởng) và bổ nhiệm lại 19 chức danh lãnh đạo quản lý...
Với những thành tích, kết quả đã đạt được trong những năm qua, Viện KSND tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007, Chính Phủ tặng bằng khen; nhiều năm liên tục nhận cờ đơn vị thi đua xuất sắc ngành KSND. Năm 2012, Viện KSND tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 2013, ngành KSND tỉnh tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; nhằm kịp thời xử lý tội phạm, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, không làm oan người không phạm tội; hạn chế các bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại.
Tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra tội phạm để tuyên truyền pháp luật, phòng ngừa tội phạm, góp phần kiềm chế dẫn tới giảm dần tội phạm phát sinh trên địa bàn. Thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; kiểm sát chặt chẽ công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Nâng cao số lượng, chất lượng các kháng nghị, kiến nghị của Viện KSND các cấp trong kiểm sát hoạt động tư pháp.
Tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành; chú trọng nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đơn vị trong quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động nghiệp vụ và quản lý cán bộ. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ về mọi mặt. Tiếp tục thực hiện việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh; kỷ cương và trách nhiệm". Triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng khóa XI. Tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao về chất lượng, đề cao kỷ luật, kỷ cương, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Lê Ngọc Hồng
(TUV, Viện trưởng Viện KSND tỉnh)