Đã là thời điểm cuối vụ thanh hao, song gia đình ông ái vẫn chưa vội thu hoạch. Ông ái bảo, ông và nhiều bà con trong thôn còn chờ thanh hao tăng thêm vài giá nữa. Thời điểm này năm ngoái, giá cây thanh hao là 29-30 nghìn/kg lá khô thì năm nay mức giá này ở là 13-15 nghìn đồng/kg. Lý giải nguyên nhân của việc sụt giá năm nay, ông ái cho biết, theo các thương lái thì cây thanh hao chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay, sức mua của Trung Quốc giảm, kéo theo đó là giảm giá thanh hao. Tuy nhiên, dù mức giá có bị sụt giảm, song tính ra thì người trồng vẫn có lãi.
Ông Quách Văn ái cho biết thêm, trước đây, diện tích đất đồi, vườn của gia đình ông và các hộ khác đều trồng ngô hoặc lạc. Tuy nhiên, cách đây 5 năm, một vài người dân thôn Đầm Bái đưa thanh hao về trồng thử. Thanh hao là loại cây thân thảo, mọc hoang dại, có chiều cao từ 2-3m, lá nhỏ, mùi hắc và có vị rất đắng. Cây ít bị sâu bệnh, thời gian sinh trưởng khoảng 200 ngày. Với công dụng lá của cây thanh hao dùng để chưng cất tinh dầu, làm thuốc chữa bệnh, được thương lái về tận nơi thu mua. Đặc biệt, loại cây này rất dễ trồng, phù hợp với một số diện tích đất của Thạch Bình vì cây chịu hạn rất tốt.
Thực tế cho thấy, trồng cây thanh hao có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lạc, lúa, ngô. Ông Quách Văn ái nhẩm tính, năng suất trung bình một sào thanh hao đạt khoảng 150 kg lá đã phơi khô, với giá bán có năm lên tới 29-30 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư trồng thanh hao chỉ mất khoảng 1-2 trăm nghìn tiền phân lân ban đầu. Giống cây đã được cấp miễn phí, thậm chí người dân có kinh nghiệm có thể tự nhân giống cho năm sau được. Trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi sào thanh hao cho thu nhập từ 3-4 triệu đồng. Hơn nữa, thanh hao có hệ số sử dụng đất quay vòng đến 3 lần/năm. Thời điểm trồng thanh hao xung quanh tiết lập xuân, sau khoảng 6 tháng thì thu hoạch xong, người dân vẫn tiếp tục trồng được rau màu vụ hè thu và vụ đông. Hiện nay, người dân trồng thanh hao đã chủ động được cây giống, nắm bắt được kỹ thuật chăm bón, đồng thời với đặc tính của thanh hao có thể thu hoạch rải ra nhiều lần (thu hoạch lá 4-6 lần/vụ), chứ không cấp tập trong một khoảng thời gian nhất định nên rất thuận lợi để các hộ phân bố lao động và phối hợp với thương lái để thu hoạch một cách hợp lý.
Bởi vậy, mà chỉ từ vài hộ trồng thí điểm, đến nay thôn Thạch La đã có trên 10 hộ trồng thanh hao với tổng diện tích trên 2 ha. Tuy nhiên, đây chưa phải là địa phương trồng nhiều thanh hao nhất. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, trưởng thôn Thạch La thì ở các thôn Tiền Phong, Ngọc, Đầm Bái… mới là nơi trồng nhiều thanh hao. Nhà trồng ít nhất là 1 sào, có nhà còn thầu hết những diện tích đất đồi khó sản xuất nông nghiệp do chưa có hệ thống thủy lợi để trồng thanh hao. Đến vụ thu hoạch, thanh hao được phơi khắp các sân, phơi tràn cả ra đường. Thương lái dập dìu thu mua, bà con rất phấn khởi.
Hiệu quả là vậy, song ông Đinh Ngọc Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết, thanh hao là do người dân trồng tự phát chứ không nằm trong kế hoạch của xã. Hiện, xã chưa có thống kê đầy đủ về số hộ và diện tích trồng loại cây này. Địa phương cũng không khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây thanh hao. Bởi đầu ra cho loại cây này không ổn định, giá cả lên, xuống thất thường. Việc thu mua phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái. Nếu đến vụ mà thương lái không về thu mua thì thậm chí toàn bộ vườn thanh hao của các hộ dân chỉ có thể mang phơi khô làm… chất đốt, chứ không thể chủ động mang đi bán ở đâu được, trong khi đó thì mất hẳn một vụ trồng lạc.
Thạch Bình là xã khó khăn của huyện Nho Quan. Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo của xã vẫn chưa có bước đột phá. Việc tìm ra những cây trồng, con nuôi phù hợp để tìm hướng thoát nghèo luôn là mong mỏi của chính quyền và người dân địa phương. Nếu cây thanh hao đã chứng minh được hiệu quả thực tế thì địa phương cần tích cực vào cuộc, sát cánh cùng người dân, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho nông phẩm. Bởi việc tìm ra được giống cây trồng phù hợp và phát huy hiệu quả trên vùng đất khó này là không hề đơn giản.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng