Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.600 doanh nghiệp, ngoài ra còn có rất nhiều hộ kinh doanh cá thể và làng nghề, ngành nghề như: chế tác đá mỹ nghệ, điêu khắc gỗ, thêu ren...
Sự đa dạng về các ngành nghề và các loại hình sản xuất kinh doanh đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho một lực lượng lớn lao động tại địa phương.Song điều này đặt ra không ít khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, nhất là tại một sốdoanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất theo công nghệ lạc hậu.
Nhiều chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu biết về Luật Lao động, Luật Bảo hộ lao động (BHLĐ)chưa được đầy đủ nên việc chấp hành luật còn hạn chế.
Mặt khác, vì lợi nhuận của mình mà không ít chủ sử dụng lao động đã giảm tối đa về chi phí cho công tác ATVSLĐ như: không bố trí cán bộ làm công tác vệ sinh, an toàn lao động; hàng năm không xây dựng kế hoạch BHLĐ; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn để huấn luyện cho người lao động, do vậy họ không nắm bắt được các phương pháp cơ bản về ATVSLĐ để phòng tránh tai nạn và bệnh nghề nghiệp.
Trong khi đó, các văn bản pháp luật về ATVSLĐ không còn phù hợp với điều kiện thực tế; việc sửa đổi, bổ sung chưa kịp thời nên có tác động không nhỏ đến việc tổ chức triển khai các hoạt động về ATVSLĐ.
Các chế tài xử phạt chưa thực sự tương xứng với các lỗi vi phạm của người sử dụng lao động,người lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến thực thi pháp luật ATVSLĐ và kết quả hoạt động ATVSLĐ.
Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh về việc phối hợp liên ngành kiểm tra tại 125 doanh nghiệp nhân Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ cho thấy hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động và ATVSLĐ.
Trên 60% doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định về tổ chức huấn luyện và cấp thẻ an toàn cho người lao động; các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động nhưng bản thân người lao động cũng chưa chấp hành nghiêm túc việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong khi làm việc; 50% doanh nghiệp chưa đăng ký sử dụng phương tiện, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; số doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động còn hạn chế...
Cũng theo thống kê chưa đầy đủ của LĐLĐ tỉnh, trong 18 năm qua(1995-2012),trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 90 vụ tai nạn lao động, làm chết 110 người và bị thương 30 người.Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần "nổi" mà các ngành chức năng đã thống kê được, còn trong thực tế nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khác đã không được đề cập đến.
Khắc phục những tồn tại trên, trước hết phải khẳng định trách nhiệm không chỉ thuộc về tổ chức công đoàn mà cần có sự tham gia vào cuộc tích cực hơn nữa của các ngành chức năng, chính quyền, chủ doanh nghiệp và chính người lao động.
Trong khi những bất cập của pháp luật về ATVSLĐ chưa được sửa đổi bổ sung kịp thời,cũng như các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe thì biện pháp được xem là quan trọng và phải làm thường xuyên đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động.
Các cấp công đoàn cần chủ động triển khai sáng tạo và hiệu quả Nghị quyết số 5b của Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa IX) về"Đẩy mạnh công tác Bảo hộ lao động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới"; Chỉ thị số 05/TLĐ về việc phát động phong trào "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động".
Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham mưu với chính quyền xây dựng quy chế hoạt động và phụ cấp cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên.Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo nhằm kịp thời động viên,khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến cải tiến thiết bị, công nghệ,cải thiện môi trường làm việc, giảm nhẹ sức lao động.
Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, BHLĐ tại các doanh nghiệp, kịp thời chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.
Một yếu tố quan trọng trong công tác này là chính người lao động cũng phải biết lên tiếng khi chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định pháp luật về BHLĐ, bởi một lẽ giản đơn: việc làm phải gắn liền với an toàn lao động!
Mai Lan