Vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên- Vấn đề cần quan tâm
Thứ Năm, 07/10/2021, 09:10
Zalo
Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận thanh, thiếu niên trẻ, nhất là học sinh, sinh viên còn nhiều vấn đề cần phải lưu tâm.
Vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên- Vấn đề cần quan tâm
Kỳ I: "Tiếng chuông" cảnh báo
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, tình trạng thanh, thiếu niên nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến, thậm chí có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT tại địa phương. Đáng chú ý là tình trạng bạo lực học đường có dấu hiệu phức tạp với những vụ việc có tính chất, mức độ nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.
Sự việc hai nhóm nữ sinh của trường Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hoa Lư gồm khoảng 50 người (cả đối tượng trong và ngoài nhà trường) dùng dao, gậy, túyp sắt và mũ bảo hiểm để đánh nhau giải quyết mâu thuẫn trên đê Hoàng Long xảy ra chiều ngày 12/9 vừa qua, trong quá trình xô xát, một trong số đối tượng trên đã bị nữ sinh sinh năm 2005 gây thương tích phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khiến dư luận không khỏi phẫn nộ và bàng hoàng.
Đáng nói hơn là nhiều học sinh mặc nhiên đứng chứng kiến và quay lại cảnh đánh nhau, sau đó đưa lên mạng xã hội để chứng tỏ sức mạnh của phe phái, hoặc đơn giản chỉ để câu like.
Đau xót hơn, có những vụ việc nguyên nhân chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ hoặc trêu đùa quá trớn, nói "đểu"... mà dẫn tới đánh nhau, thậm chí có những đứa trẻ phải vào tù, hoặc ra đi khi mái đầu còn xanh, để lại bao ước vọng của tuổi trẻ, nỗi đau cho gia đình và xã hội.
Như vụ việc xảy ra vào ngày 16/12/2020 tại khu vực cổng Trường THPT Nho Quan B. Do mâu thuẫn cá nhân giữa Bùi Thanh Phong và Phạm Văn Diện tại lớp học ngày 14/12/2020 và không thể hòa giải được.
Khoảng 11h30 ngày 16/12/2020, sau khi tan học tại khu vực cổng Trường THPT Nho Quan B, Phong bị Diện lao vào đánh, Phong đã dùng lưỡi kéo mang đi từ trước đâm vào cổ và vào tay Diện. Khi thấy Diện bị Phong đánh trả, Vũ Anh Thắng đã lao về phía Diện, tay cầm 1 vật màu đen dài khoảng 20cm đẩy vào người Diện thì bị Bùi Đoàn Quang Huy cầm gậy 3 khúc bằng kim loại đập vào đầu Thắng. Hậu quả làm Phạm Văn Diện tử vong, Vũ Anh Thắng bị thương ở đầu.
Thời điểm phạm tội các đối tượng này mới chỉ từ 16 đến chưa đủ 18 tuổi và còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Ngày 21/9/2021, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Bùi Thanh Phong (SN 2004) 12 năm tù giam; Bùi Đoàn Quang Huy (SN 2002) 15 tháng tù và Vũ Anh Thắng (SN 2004) 12 tháng tù cho hưởng án treo. Có thể thấy chỉ vì chút mâu thuẫn nhỏ mà đã để lại hậu quả rất lớn.
Tòa án nhân dân tỉnh xét xử các đối tượng Bùi Thanh Phong, Bùi Đoàn Quang Huy, Vũ Anh Thắng.
Bên cạnh đó, tình trạng thanh, thiếu niên, trong đó có học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về TTATGT trên địa bàn cũng đáng lo ngại, nhất là tình trạng lạng lách, đánh võng, đua xe tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất TTATGT và tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Ngày 21/9/2021, Công an thành phố Ninh Bình đã triệu tập, xử lý một nhóm thanh, thiếu niên gồm 22 đối tượng đi trên 12 xe mô tô, xe gắn máy thường tụ tập đua xe trên các tuyến đường. Trong đó, có tới 21 đối tượng trong độ tuổi từ 13 -17 tuổi, thường trú tại thành phố Ninh Bình và các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn.
Theo Trung tá Lê Viết Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Ninh Bình: Qua công tác nắm bắt, điều tra của lực lượng Công an cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng phạm tội trong lứa tuổi học sinh, sinh viên là do phần lớn các đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc cha mẹ ly hôn, gia đình thường xảy ra bạo lực, thiếu sự quan tâm, quản lý giáo dục hoặc bố mẹ nuông chiều con quá mức.
Bên cạnh đó, đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi cả về tâm sinh lý, thích thể hiện cái tôi, dẫn đến những biến đổi về mặt tâm lý. Mặt khác, do việc nhận thức của các em còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, việc tiếp cận phim ảnh, trò chơi bạo lực… quá dễ dàng, lại thêm lối sống thực dụng, đua đòi, thích hưởng thụ nên các em rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, trong các tình huống xung đột, các em chưa biết cách giải quyết, dẫn đến hành vi lệch chuẩn về đạo đức, quan hệ xã hội.
Thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, trong đó có học sinh, sinh viên không còn là câu chuyện mới, tình trạng bạo lực học đường đã tồn tại từ nhiều năm trước, tuy nhiên theo thời gian, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.
Chị Lê Thị Hòa, phụ huynh học sinh Trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình) cho rằng những vụ vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên xảy ra gần đây rất đáng lo ngại, tôi mong các cơ quan chức năng cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng này, tạo sự yên tâm cho gia đình và các em học sinh đến trường.