Từ vài năm nay, cứ vào những ngày giáp Tết là thương binh 1/4 Trần Đình Hòe lại hồi hộp lắm. Ông chờ cậu con trưởng đưa ông về quê ăn Tết. Năm nay, ông quyết định ăn Tết nơi "chôn nhau, cắt rốn" tại quê nhà Quảng Nam. Ông Hòe xúc động, ông không dám nghĩ có ngày tìm lại được nguồn cội khi đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm.
Ông Trần Đình Hòe là thương binh nặng, là "liệt sỹ sống". Trước đây, bệnh thần kinh của ông rất nặng. Đôi lúc tỉnh táo, ông chỉ ước ai đó cho biết mình là ai, người thân của mình ở đâu, còn hay đã mất? Nhưng những thông tin ông cung cấp lúc tỉnh táo ấy không đủ chính xác để cán bộ Trung tâm giúp ông tìm được người thân. Thật may mắn, sau nhiều năm điều trị tích cực, bệnh của ông đã gần bình phục. Ông đã tìm thấy hạnh phúc của riêng mình với người vợ tảo tần và những đứa con ngoan. Viên mãn trong hạnh phúc gia đình, cùng với sự tận tình của bác sĩ, ký ức trở lại với ông Hòe. Ông đã nhớ chính xác được địa chỉ của gia đình rồi nhờ Trung tâm liên hệ giúp.
Lần đầu tiên trở về quê nhà kể từ ngày hăng hái đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người lính trận mạc năm xưa, giờ đã làm cha, làm ông ấy… bỗng bé nhỏ như ngày nào. Ngày ông trở về thì cha mẹ ông đã không còn, nhưng vẫn còn đó nếp nhà xưa. Và, may mắn là ông Hòe còn cậu ruột năm nay cũng đã gần 90 tuổi. Ông Hòe kể, khi bước vào nhà, nhìn bàn thờ tổ tiên thì có cả… ảnh của ông trên đó. Với gia đình ông, ông đã hy sinh từ lâu lắm rồi mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt. "Cậu tôi kể lại rằng, biết bao nhiêu năm, ba mẹ tôi tìm kiếm hài cốt của tôi mà không có kết quả. Nay tôi đã trở về với gia đình, tuy cuộc hội ngộ có muộn màng, song chắc hẳn ở cõi vô thường, ba mẹ tôi cũng ấm lòng"- ông Hòe xúc động.
Ông Lâm Quang Đạo, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan tâm sự, hầu hết các thương, bệnh binh điều dưỡng tại Trung tâm đều bị tâm thần nặng, hồ sơ lại bị mất. Bởi vậy, ký ức về bản thân, gia đình, quê quán đã không còn hoặc nếu còn thì cũng không trọn vẹn. Tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, chúng tôi hiểu nỗi niềm đau đáu của bệnh nhân đó là tìm về nguồn cội. Vậy nên tuy không có chức năng tìm kiếm thân nhân, gia đình các thương, bệnh binh song những năm qua, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực giúp các bệnh nhân tìm kiếm thông tin về thân nhân qua các kênh hiệu quả như tích cực lấy thông tin từ bệnh nhân, gửi danh sách các thương, bệnh binh đến Cục Chính sách (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và các tỉnh, thành phố; đồng thời, chúng tôi cũng nhắn tìm thân nhân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mỗi tổ chức, cá nhân đến thăm Trung tâm. Sau nhiều năm tìm kiếm, đến nay, hầu hết những thương, bệnh binh ở đây đã tìm được gia đình, người thân.
Tuy nhiên, người sống thì còn cơ hội, nhưng những bệnh nhân đã qua đời thì việc tìm kiếm khó khăn hơn rất nhiều. Dù vậy, Trung tâm vẫn kiên trì tìm kiếm, để có những cuộc hội ngộ nhiều xúc động. Ông Lâm Quang Đạo kể cho chúng tôi nghe về những cuộc hội ngộ đặc biệt này. Đó là trường hợp của thương binh Lê Quốc Sỹ (quê ở Ninh Thuận). Trong một lần, có đoàn thiện nguyện ở Ninh Thuận tới thăm Trung tâm, lãnh đạo Trung tâm đã trao đổi với họ về trường hợp của thương binh Lê Quốc Sỹ - người đã mất và được an táng tại nghĩa trang của Trung tâm từ nhiều năm nay. May mắn, một trong những người tham gia đoàn thiện nguyện lại cùng quê với thương binh Lê Quốc Sỹ nên đã làm "cầu nối" để Trung tâm liên lạc với gia đình.
"Ngày cùng với gia đình đưa hài cốt thương binh Lê Quốc Sỹ trở về với đất mẹ Ninh Thuận, có lẽ là những kỷ niệm không thể nào quên đối với cán bộ, CNV ở Trung tâm" - ông Lâm Quang Đạo xúc động. Theo lời kể của ông Lê Văn Dấm, em trai thương binh Lê Quốc Sỹ thì gia đình ông đã tìm kiếm hài cốt ông Sỹ nhiều năm mà không thấy. Cha mẹ ông nghèo lắm. Số tiền các cụ chắt bóp từ đồng ruộng đều được dùng để đi tìm con trai song vô vọng. Những ngày cuối đời, hai cụ dành tặng hết số tiền tiết kiệm được cho những tổ chức đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở địa phương, với hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm thấy con trai mình. "Giữa hai ngôi mộ của cụ ông với cụ bà có đặt sẵn một ngôi mộ để chờ đợi người con trai. Nay, gia đình tôi đã đón được anh trai về yên nghỉ cạnh ba mẹ. Vậy là, niềm mong mỏi lớn nhất của ba mẹ tôi nay đã thành hiện thực"- ông Lê Văn Dấm nghẹn ngào.
Theo lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, việc tìm lại thân nhân cho những thương binh đã khuất rất khó khăn và cần phải có nhiều thời gian hơn nữa. Mỗi cán bộ luôn nỗ lực để Trung tâm thực sự là ngôi nhà của những người đang sống và là chốn an nghỉ bình yên của những người đã khuất. Hiện, Trung tâm đang quản lý hơn 100 đối tượng bệnh nhân tâm thần, trong đó có những thương, bệnh binh nặng đặc biệt của 25 tỉnh, thành phía Bắc từ Quảng Trị trở ra. Để việc khám, điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất, Trung tâm đã xây dựng hệ thống khoa phòng, có thể áp dụng điều trị theo chế độ như các bệnh viện, tổ chức khám, chữa bệnh, kê đơn, cấp phát thuốc hàng ngày. Do đó, kịp thời phát hiện các bệnh mới phát sinh, điều trị cấp cứu đảm bảo an toàn, hạn chế tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.
Chia tay Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, chúng tôi thầm cảm ơn sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên nơi đây đã và đang thầm lặng làm việc hết sức mình vì sự đoàn tụ của những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Đào Hằng