CLB Chèo Người cao tuổi xã Khánh Mậu là một trong những chiếu Chèo hiện vẫn còn duy trì nề nếp hoạt động của xã. Tuy CLB của các "cụ ông, cụ bà" nhưng không hề thiếu lòng đam mê với lời ca, tiếng hát, những hoạt cảnh chèo, ngay cả việc hóa thân vào các vai đào, vai kép son sắt của thời tuổi trẻ. Tuy ở làng xã nhưng CLB có đủ "ban bệ" của một "phường chèo" như đạo diễn, nhạc sĩ, nhạc công và hơn 10 diễn viên.
Bằng chất giọng vang, khi trầm bổng, tha thiết, những câu via, ngâm, sử theo lối chèo cổ của những diễn viên nghiệp dư như bà Mai Thúy Oanh, Vũ Thị Hòa đã lôi cuốn khán giả đắm chìm vào khung cảnh làng quê vào mùa trảy hội như thực, như mơ. Góp phần trong bản hòa ca vào xuân không thể thiếu được tiếng đàn bầu của nhạc công Lê Quang Uy, tiếng đàn nhị của nhạc công Lại Trọng Nguyên và tiếng trống lúc dồn dập, lúc dõng dạc của nhạc công Mai Ngọc Thắng, tiếng mõ của nhạc công Lại Trọng Hiền.
Nhạc sĩ Nguyễn Thế Mạnh, Chủ nhiệm CLB Chèo Người cao tuổi xã Khánh Mậu cho biết: Không chỉ dàn dựng lại các tích chèo cổ, CLB Chèo Người cao tuổi xã còn tự viết kịch bản, tự biên, tự diễn hàng trăm kịch bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, ca ngợi quê hương Khánh Mậu đổi mới, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhớ về công ơn các anh hùng liệt sỹ... để phục vụ công chúng yêu chèo của xã.
Ở hầu hết các thôn, xóm thuộc xã Khánh Mậu đều có những người yêu mến bộ môn chèo. Đồng chí Phạm Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Mậu - một người yêu chèo và hát chèo khá hay bộc bạch: Với mảnh đất giàu truyền thống, cũng là một trong những "cái nôi" nghệ thuật chèo, từ xa xưa nghệ thuật hát chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây.
Từ người già đến trẻ đều mê hát chèo, những câu hát chèo tha thiết theo người dân đi khắp các nẻo đường, hết ra đồng với hạt thóc, củ khoai, lại lên xã, lên huyện với các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng.
Chèo có trong lời ru của mẹ, của bà, có cả trong những đêm hội xuân náo nức. Bởi thế cuộc sống dù vất vả đến đâu, khi ngơi tay cày, tay cuốc là những diễn viên, ca sỹ nông dân lại sẵn sàng hóa thân thành những nhân vật trong các vở diễn chèo để phục vụ khán giả yêu chèo.
Nhiều gia đình ở Khánh Mậu có đến hai, ba thế hệ biết hát chèo. Cứ như vậy tre già măng mọc, các thế hệ trao truyền, nối tiếp nhau giữ gìn môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt. Trên mảnh đất chèo, không ít người thừa hưởng cái duyên hát chèo của quê hương mà trở thành nghệ sĩ nổi tiếng gần xa.
Hiện nay, toàn xã có 5/14 thôn, xóm thành lập được CLB chèo hoạt động thường xuyên, phục vụ các sự kiện chính trị của xóm làng, của xã trong ngày lễ, Tết, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân toàn xã, mang lại không khí vui vẻ, ấm cúng mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Không gian nghệ thuật chèo xã Khánh Mậu càng lung linh, rộn ràng hơn vào mỗi tối cuối tuần, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, các nghệ sĩ làng càng tề tựu đông đủ về tập luyện làm cho không khí các chiếu chèo nóng hơn. Các vở chèo cổ như "Trương Viên", "Tấm Cám", các trích đoạn chèo như "Lý trưởng - mẹ Đốp", màn vu quy, ăn khoán, Thị Mầu lên chùa... mặc dù là các trích đoạn cũ nhưng luôn được bà con đón nhận nhiệt tình.
Mỗi độ xuân về, tiếng trống, tiếng phách, tiếng đàn nhị lại thúc giục bà con mau chóng sắp xếp công việc ra nhà văn hóa nghe hát chèo. Để tăng phần hấp dẫn cho các tiết mục "đón xuân", xã tổ chức hội hát, múa, diễn chèo để các chiếu chèo tranh tài phục vụ nhân dân trước Tết. Rồi từ phong trào đó, ngay từ đêm giao thừa, tại các nhà văn hóa thôn, xóm, các chiếu chèo rộn ràng tiếng trống, ngân nga tiếng hát chào đón xuân sang.
Hồng Vân