Trong nhiệm kỳ qua, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh có nhiều đổi mới trong các hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng sáng tác, góp phần vào việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và tích cực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trong hoạt động sáng tác văn học - nghệ thuật của tỉnh nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu hưởng thụ ngày càng cao về văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân; chưa sáng tác được những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; tính chất tuyên truyền, giáo dục, động viên của nhiều tác phẩm còn hạn chế và chưa phản ánh kịp thời sự đổi mới và bản sắc văn hóa của quê hương Ninh Bình.
Thực hiện Chỉ thị 30-CT/T.Ư, ngày 9-3-2009 của Ban Bí thư về "Đại hội các Hội Văn học - Nghệ thuật Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam", Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 23-NQ/T.Ư ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 21-11-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới", Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; tăng cường đoàn kết, tập hợp động viên đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh phát huy tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao trách nhiệm trong lao động nghệ thuật để sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh sâu sắc truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa và thành tựu của công cuộc đổi mới trên quê hương Ninh Bình, đưa sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh phát triển mạnh mẽ và toàn diện, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng con người mới.
2. Lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2009-2014 đảm bảo yêu cầu, nội dung để Đại hội lần này thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt nghề nghiệp sâu sắc của đội ngũ văn nghệ sĩ trong toàn tỉnh. Trước hết phải chỉ đạo chuẩn bị chu đáo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, trong đó tập trung đánh giá sâu sắc, khách quan, thực trạng hoạt động của Hội; những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vững mạnh toàn diện.
Lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác nhân sự Đại hội đảm bảo dân chủ, đúng quy trình, coi trọng tiêu chuẩn, có cơ cấu hợp lý để Ban chấp hành Hội là nơi tập hợp, đoàn kết những đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh. Người được bầu vào Ban chấp hành mới phải có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề nghiệp, có năng lực quản lý, nhiệt tình, trách nhiệm, có khả năng đoàn kết, quy tụ và phải đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ theo quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước.
3. Thời gian hoàn thành Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh lần thứ IV vào cuối tháng 10-2009.
4. Đảng đoàn Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chỉ đạo Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai và tổ chức Đại hội theo đúng quy định.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo Đại hội và tổng hợp kết quả, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.