Sau khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND huyện Nho Quan đã kiểm tra, xem xét lại và có ý kiến trả lời như sau: Chương trình 135 giai đoạn 2 được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện từ năm 2007, gồm 2 xã Thạch Bình, Cúc Phương và 5 thôn bản đặc biệt khó khăn của 3 xã: Quảng Lạc, Quỳnh Lưu, Thượng Hòa. Riêng 2 xã Kỳ Phú, Phú Long được công nhận đợt 2 nhưng chưa được hưởng các chính sách của Chương trình. Để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, UBND huyện ra quyết định thành lập Ban Quản lý dự án Chương trình 135 giai đoạn 2 của huyện.
Năm 2008, nguồn vốn của chương trình hỗ trợ giống vật nuôi cho các hộ nghèo của 2 xã Cúc Phương, Thạch Bình (mỗi xã là 95 triệu đồng). Ban Quản lý chương trình đã xây dựng kế hoạch, đề án, thống nhất với UBND 2 xã hỗ trợ giống bò sinh sản cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn; chỉ đạo các thôn bản bình xét dân chủ, công khai theo hướng ưu tiên hộ nghèo được hỗ trợ đầu tư trước. Mục tiêu của Chương trình là vừa hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất để thoát nghèo, vừa xây dựng mô hình để các hộ khác học tập nhân rộng cách làm ăn. Quá trình thực hiện phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, vì vậy Ban quản lý phải có trách nhiệm mua giống trực tiếp từ nguồn giống do các trang trại được phép sản xuất giống có uy tín cung cấp, không chấp nhận nguồn giống tự do.
UBND huyện giao cho Ban quản lý dự án và UBND 2 xã Cúc Phương, Thạch Bình thực hiện mô hình này (mỗi xã là 19 hộ, với tổng kinh phí là 190 triệu đồng để mua 38 con bò), hợp đồng với đơn vị cung cấp giống bò sinh sản lai Sind 25% để cấp cho các hộ nghèo trong danh sách bình chọn, bảo đảm chất lượng đầu vào (giống bò sinh sản), đáp ứng yêu cầu quản lý của dự án. Hiện tại Ban quản lý Chương trình 135 giai đoạn 2 của huyện đã kết hợp với UBND 2 xã có chương trình phối hợp kiểm tra, theo dõi việc thực hiện để đảm bảo hiệu quả của Chương trình.
Quang Khải