Để có cơ sở và căn cứ cho việc xây dựng, đánh giá NTM của các địa phương trong từng thời kỳ, ngày 14-6-2009, Chính phủ đã có Quyết định 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, gồm 19 tiêu chí lớn. Trong số đó, tiêu chí số 1 là về quy hoạch: Sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường theo chuẩn mới; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, hiện đại, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp.
Không phải ngẫu nhiên mà trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM của Chính phủ, quy hoạch lại là tiêu chí số 1. Quy hoạch nhất thiết phải đi trước "một bước" và chỉ khi nào có quy hoạch thì mới tiến hành đầu tư xây dựng NTM. Chính quyền xã, thôn sẽ là đơn vị chủ thể lập quy hoạch, đề án xây dựng NTM và tổ chức thực hiện. Ở trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ xã, thôn hiện nay thì việc lập các quy hoạch ở ngoài tầm kiểm soát và khả năng của họ. Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: 100% các xã đều có nhu cầu và yêu cầu thuê tư vấn, lập quy hoạch và xây dựng đề án cho họ. Để thực hiện, trước hết cần rà soát lại những quy hoạch của địa phương, chưa có thì làm mới, có rồi thì xem xét chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với mục tiêu xây dựng NTM.
Sở Xây dựng đã bố trí đội ngũ cán bộ thực hiện đáp ứng phần nào yêu cầu của các xã và đã lập quy hoạch mạng lưới dân cư nông thôn cho 26 xã, quy hoạch khu trung tâm cho 36 nơi. Trung bình để lập ra được một quy hoạch chi tiết cũng phải mất hàng tháng, thậm trí hàng năm. Nhìn chung cán bộ lập quy hoạch ngoài việc phải có trình độ chuyên môn tốt, còn phải nắm được chủ trương đường lối, định hướng phát triển và am hiểu tình hình thực tế tại địa phương. Với yêu cầu của tỉnh là các xã phải xong quy hoạch trong năm 2011 cũng là áp lực đối với những người làm công tác này.
Lập quy hoạch, đề án đã khó, nhưng việc quản lý và thực hiện còn khó hơn rất nhiều nhất là đối với việc mở mang, chỉnh trang đường giao thông thôn, xóm; đường giao thông nội đồng, kênh mương. Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Chi cục phó, Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Quy chuẩn của Bộ Giao thông-Vận tải và tiêu chí xây dựng NTM quy định: Đường trục xã, mặt đường rộng 5-6m, có vỉa hè mỗi bên tối thiểu 2 m, được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100%; Đường trục thôn, xóm mặt đường rộng 4-5 m, có vỉa hè mỗi bên tối thiểu 1-2 m, được cứng hóa 70%; đường ngõ xóm, mặt đường rộng tối thiểu từ 3,5-4 m, không lầy lội, đạt 100%; đường nội đồng xe cơ giới đi lại thuận tiện được cứng hóa 65%; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu của sản xuất; tỷ lệ kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa đạt 65%... Trong nhiều năm qua, nông thôn Việt nam nói chung và tỉnh ta nói riêng vốn hình thành và phát triển tự phát, không theo quy hoạch và định hướng nào. Cùng với quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra nhanh, sự quản lý của chính quyền cơ sở còn hạn chế…nên hầu hết các đường thôn, ngõ xóm trong các làng quê đều nhỏ bé, chật hẹp và ngay cả quy chuẩn của Bộ Giao thông-Vận tải về đường giao thông nông thôn như trên cũng đã tỏ ra không còn phù hợp với thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Việc mở mang, chỉnh trang đường thôn, ngõ xóm theo tiêu chí xây dựng NTM sẽ là công việc khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến quyền lợi của người nông dân và là một trong số các khó khăn, bất cập lớn nhất khi xây dựng NTM của các địa phương. Do vậy việc lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM phải có sự bàn bạc dân chủ, công khai trong nhân dân, nhất là việc mở mang, chỉnh trang đường giao thông nông thôn.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân làm cho người dân hiểu xây dựng NTM là quyền lợi và trách nhiệm của mình, gắn với lợi ích của mình để họ tự nguyện, tự giác tham gia bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: hiến đất, phá dỡ công trình, chặt bỏ cây cối, khi mở mang chỉnh trang đường thôn, ngõ xóm. Cán bộ, đảng viên phải là người "đầu tầu", gương mẫu thực hiện.
Thực hiện quy hoạch nói chung và chỉnh trang , mở mang đường giao thông nông thôn nói riêng rất cần có nguồn lực mạnh. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là huy động tối đa các nguồn lực có thể cho Chương trình này; lồng ghép, kết hợp với nguồn vốn của các dự án, chương trình khác, đa dạng hóa các nguồn vốn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong đó có sự đóng góp của cư dân nông thôn vì lợi ích của chính mình.
Đinh Chúc