Như bao bà mẹ trên nước này, những người mẹ ở Ninh Bình, dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn xứng đáng với 8 chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Thật xúc động biết bao khi tiễn chồng, tiễn con ra đi, tóc mẹ còn xanh và từ trong đôi mắt thẳm sâu ánh lên niềm tin vào ngày tái ngộ. Vẫn biết chiến tranh là nghiệt ngã và sự mất mát là điều không thể tránh khỏi, nhưng họ vẫn đợi, vẫn mong, cho đến lúc lưng còng, bóng ngả. Nhiều bà mẹ đã bấm mười đầu ngón chân xuống đất, cố nuốt nước mắt vào trong, khi nhận tin con hy sinh. Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Phấn, người dân tộc Mường (ở Yên Quang, Nho Quan) có 3 con là liệt sĩ đã nói: "Đối với người mẹ khi mất con, có nỗi đau nào lớn hơn. Nhưng nếu không biết nén lòng mình, thì người đi làm sao thanh thản được", cái suy nghĩ thật dung dị mà ẩn chứa những giá trị nhân văn thật lớn lao.
Ninh Bình đã có hơn 200 "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", trong đó hơn phần nửa những người mẹ có con duy nhất là liệt sĩ. Nhìn những con số được Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình khắc ghi trong cuốn "Ninh Bình quê hương Anh hùng", mỗi người chúng ta càng thấy trân trọng và biết ơn những người mẹ đã dũng cảm hiến dâng những đứa con cho Tổ quốc. Cuộc đời mỗi "Mẹ Việt Nam Anh hùng" trên quê hương Cố đô này mãi là bản hùng ca ghi đậm dấu ấn về đức hy sinh, lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước nồng nàn của các mẹ.
Mẹ Nguyễn Thị Thoạt ở thôn Hội (Quỳnh Lưu, Nho Quan) có chồng là ông Nguyễn Văn Mạo, đi bộ đội chống Pháp, chiến đấu hy sinh ở mặt trận Tây Nam Ninh Bình, anh Nguyễn Văn Thư, người con trai duy nhất của mẹ được địa phương đưa vào diện miễn, hoãn, song mẹ vẫn động viên anh nhập ngũ và anh đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Đông Nam bộ. Vượt lên mất mát, đau thương, tuổi cao sức yếu, mẹ vẫn tham gia các hoạt động xã hội như Hội phụ nữ, người cao tuổi. Khi xóm ngõ có gì bất đồng, mẹ lại đến khuyên giải, làm cho mọi người xích lại gần nhau, làm ấm thêm tình làng nghĩa xóm.
Mẹ Nguyễn Thị Phương (ở xã Khánh Tiên, Yên Khánh) có chồng là liệt sĩ chống Pháp, có con trai duy nhất là Nguyễn Hải Châu. Năm 1959, anh xây dựng gia đình, tháng 2-1960, dù lúc đó vợ đang mang thai, anh vẫn tình nguyện lên đường nhập ngũ và đã hy sinh trong một trận chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Chồng, rồi con lần lượt ra đi, mẹ vẫn vượt lên tham gia nhiều hoạt động như Chi hội trưởng phụ nữ, Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp; rồi những năm đất nước đi vào đổi mới, dù tuổi đã cao, mẹ vẫn tham gia tổ trồng cây, tổ hòa giải, chịu khó tăng gia, chăn nuôi, cùng với con dâu nuôi dạy các cháu trưởng thành. Người mẹ anh hùng có 50 tuổi Đảng ấy đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba và Huân chương Độc lập hạng Ba. Nay, tuy mẹ đã đi xa nhưng cuộc đời mẹ thì mãi sáng, mãi đẹp trong cả những năm tháng chiến tranh và khi đã hòa bình.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chúc, sinh ra trên một vùng quê nghèo ở Yên Lâm (Yên Mô). Anh Trương Văn Điếm là người con trai duy nhất, nên phải bươn chải, cày thuê cuốc mướn, gia đình vẫn cố cho con theo học trường làng. Rồi trong những năm kháng chiến, mẹ tham gia hội phụ nữ, luôn đi đầu trong mọi hoạt động chi viện cho chiến trường. Khi mẹ đi vận động thanh niên tham gia tòng quân, anh đã xung phong đi đầu trong đội quân tình nguyện và anh đã hy sinh tại chiến trường Tây Nam Bộ. Nén đau thương, mẹ luôn động viên gia đình, không chỉ sản xuất tăng gia tốt, mà chấp hành nghiêm mọi chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mẹ thường nói với con, cháu, xóm làng: "Đất nước này, hỏi ai không tham gia chiến đấu và hàng triệu triệu người đã nối bước nhau đi kháng chiến, biết bao máu xương đã đổ. Dù giờ đây được Đảng và Nhà nước quan tâm, được cơ quan nuôi dưỡng, nhưng làm được gì có ích cho xã hội, cho gia đình thì mình vẫn cứ nên làm". Tâm sự của mẹ Nguyễn Thị Chúc cũng là tâm sự của hàng trăm "Mẹ Việt Nam Anh hùng" trên mảnh đất Ninh Bình thân thương này.
Đức Trung