Chị Lâm nhớ lại cách đây vài năm, khi các khu công nghiệp còn chưa phát triển như bây giờ, nghề thêu ở Lãng Nội cũng khá "thịnh" mặc dù đây không phải là một làng nghề lâu đời. Khi đó, cả thôn có tới hàng trăm tay kim, đa phần là phụ nữ. Chị em thường miệt mài bên khung thêu mỗi lúc nông nhàn. Dù được coi là nghề phụ nhưng thêu ren cũng giúp cải thiện phần nào kinh tế gia đình của họ với mức thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay khi các nhà máy, xí nghiệp gần kề liên tục tuyển dụng lao động phổ thông với mức lương hấp dẫn hơn và môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, nhiều người đã dời khung thêu để khoác lên mình bộ quần áo công nhân. Nghề thêu cũng vì thế mà mai một dần. Những người còn gắn bó với nghề như chị Lâm không nhiều nữa. Và điều mà họ trăn trở không chỉ là làm thế nào để tiếp tục "sống được với nghề" mà hơn thế nữa là tìm ra cách để thêu ren hòa mình cùng đà phát triển của quê hương. Chị Lâm có thể được coi như một người đi tiên phong làm cầu nối giữa nghề thêu với việc phát triển du lịch ở địa phương khi đã chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp du lịch trên Hà Nội để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cũng như đưa khách du lịch ghé thăm và trải nghiệm với công việc của các chị.
Chị Lâm kể lại: Ban đầu khách đến thường chỉ ngắm nhìn các sản phẩm đã hoàn thiện như khăn tay, túi sách, váy, áo… hoặc quan sát những người phụ nữ thôn quê thêu thùa như một cách khám phá nét văn hóa truyền thống bản địa. Nhưng càng ngắm nhìn, càng quan sát thì dường như họ lại càng bị cuốn theo những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa. Và nhiều người đã bày tỏ mong muốn được tận tay làm nên những sản phẩm tưởng chừng đơn giản mà rất nghệ thuật đó. Còn chúng tôi, tất nhiên luôn sẵn sàng để giúp họ đến gần hơn với nghề thêu.
Vậy là ý tưởng "dạy nghề" cho khách du lịch đã hình thành. Chi phí cho việc này không đáng kể, chỉ vài chục nghìn đồng/lượt khách với trải nghiệm trong vòng 1-2h đồng hồ. Khách du lịch sẽ vừa được hướng dẫn làm từng công đoạn thêu tay vừa cùng trò chuyện về nghề.... Khi kết thúc trải nghiệm, khách sẽ mang theo sản phẩm do chính tay mình làm ra như một kỷ niệm trong chuyến hành trình về với vùng đất "ai đi mà chẳng nhớ, ai về mà chẳng thương". Một khách du lịch người nước ngoài chia sẻ: Đây là một trải nghiệm thú vị. Quả thật thêu tay không đơn giản chút nào, nó cần sự tỷ mỷ, cầu kỳ đến từng chi tiết…
Chị Lâm tiếp lời: Thực ra để gọi là "thêu được" thì phải học bài bản tới vài tháng. Học từ cách căng, kéo vải vào khung dài, khung tròn sao cho phẳng, không co rúm, rồi mới học tới các kiểu thêu như đâm xô, bó hạt, nối đầu… cho đến học các đường nét thêu tinh xảo, uyển chuyển, mềm mại, thanh tú nhưng lại sống động như nét vẽ. Đặc biệt, ngoài yếu tố kỹ thuật, người thêu còn phải có một tâm hồn nhạy cảm, sáng tạo thì mới làm nên sự tinh tế của sản phẩm bởi thêu tay không phải chỉ là chép lại một mẫu mã có sẵn. Khi chúng tôi giúp khách du lịch trải nghiệm với nghề chủ yếu là muốn giúp họ có một khoảng thời gian thú vị, đồng thời hiểu hơn về vẻ đẹp của thêu tay…
Hiện chị Lâm đang liên kết, tạo việc làm cho hàng chục tay kim trong thôn, sản phẩm làm ra được xuất đi đều đặn đến các thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời duy trì việc đón tiếp các đoàn khách du lịch, bao gồm cả khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm như một cách sẻ chia, quảng bá về nghề thêu.
Đào Duy