Theo dự kiến, Bộ vẫn giữ kỳ thi THPT Quốc gia với hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả xét tuyển ĐH,CĐ. Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi như: Giao việc tổ chức thi cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi.
Cũng theo dự kiến, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi cho tất cả các thí sinh tại địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, các trường ĐH, CĐ chỉ thực hiện giám sát. Thời gian thi của các cụm sẽ diễn ra cùng lúc trên toàn quốc. Như vậy, có thể sẽ chỉ còn một loại cụm thi duy nhất do các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, không còn cụm thi ĐH như năm 2016 vẫn triển khai.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cân nhắc hai phương án: hoặc yêu cầu học sinh THPT phải thi đủ 5 bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT; hoặc thí sinh chỉ thi 4 bài, gồm 3 bài thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và lựa chọn thêm một bài thi hoặc khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Trong đó, bài thi môn Ngữ văn vẫn thi bằng hình thức tự luận, còn tất cả các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đề thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 60 phút; các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 50 câu trắc nghiệm làm trong 90 phút. Mỗi thí sinh tham gia dự thi sẽ được cấp một mã đề thi riêng để tránh trường hợp quay cóp.
Đối với kỳ thi năm 2017, nội dung đề thi vẫn ra chủ yếu trong chương trình lớp 12. Thời gian thi THPT Quốc gia dự kiến diễn ra trong hai ngày vào tháng 6.
Các phương thức xét tuyển ĐH, CĐ cũng vừa được đưa ra để lấy ý kiến, cụ thể gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT; Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT Quốc gia; Sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt; Xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các trường hoặc nhóm trường khác; Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Với cách tuyển sinh kết hợp, các trường sẽ phải công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển bằng từng phương thức khác nhau. Sau khi lấy ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn phương án xét tuyển đảm bảo lợi ích cao nhất cho thí sinh.
Theo nhiều cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành giáo dục, dù thi theo phương cách nào cũng cần quy định cứng các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ là ba môn bắt buộc, vì đây là những môn đánh giá chính xác nhất năng lực của thí sinh, đồng thời là các môn công cụ giúp thí sinh tiếp tục học tập và làm việc sau này.
Đồng thời, dù tinh thần đổi mới được đánh giá là thận trọng, đề thi vẫn chủ yếu ở chương trình lớp 12 nhằm không gây xáo trộn lớn đối với thí sinh, nhưng cách thức thi theo bài - đặc biệt sẽ có các bài thi bao gồm kiến thức liên môn - là điều khiến nhiều phụ huynh, thí sinh và cả giáo viên các trường THPT lo lắng, băn khoăn.
Cô giáo Ngô Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Thực tế không có nhiều thí sinh học đều tất cả các môn, mà thường học tốt các môn xã hội sẽ yếu hơn ở các môn tự nhiên và ngược lại.
Vì thế nếu buộc phải làm cả bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cộng với các môn vẫn được xem như bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ thì sẽ quá nặng và không cần thiết đối với các em. Bởi việc xét tốt nghiệp THPT còn căn cứ vào kết quả đánh giá trong cả quá trình học.
Đặc biệt, dù là phương án nào thì cũng chưa nên thực hiện ngay trong năm nay, cần có lộ trình, thời gian nhất định để giáo viên, học sinh THPT tìm hiểu, làm quen, thực hành nhiều hơn nữa…".
Em Bùi Thị Sinh, học sinh lớp 12H, Trường THPT Nho Quan C (Nho Quan) cho rằng, việc đổi mới trong công tác giáo dục và đào tạo là cần thiết, qua đó sẽ tìm ra những phương án phù hợp để thực hiện hiệu quả trong các kỳ thi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, sự thay đổi và đổi mới nào cũng cần phải có thời gian và từng bước vững chắc để học sinh, giáo viên, nhà trường và cả các bậc phụ huynh chuẩn bị tâm thế vững vàng, chắc chắn cho sự thay đổi đó. Đối với bản thân em, qua các phương tiện thông tin đại chúng và được thầy cô thông báo sơ bộ, em khá lo lắng nếu Bộ Giáo dục và đào tạo thông qua phương án thay đổi theo hướng thí sinh phải thi nhiều môn, vì như thế việc học sẽ là quá tải đối với chúng em…
Theo một cán bộ quản lý trường THPT trên địa bàn tỉnh, nếu áp dụng đề thi tích hợp liên môn thì không chỉ khó cho thí sinh ở thời điểm hiện tại, mà còn khó khăn cho cả các nhà trường trong việc dạy học và ôn tập cho các em. Còn nếu bài thi khoa học xã hội và khoa học tự nhiên chỉ bao gồm các câu hỏi của các môn học khác nhau xếp cạnh nhau thì đơn giản hơn.
Như vậy, để vượt qua kỳ thi năm tới, thí sinh vẫn phải bắt buộc học nhiều môn học khác nhau, đây là điều làm nhiều thí sinh lo lắng, nhất là ở các trường chuyên, lớp chọn.
Ngày 19-9-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 997, gửi các phòng ban trực thuộc Sở; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; các trường THPT; các trung tâm giáo dục thường xuyên về việc tăng cường truyền thông phương án thi THPT Quốc gia, tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2017.
Công văn nêu rõ: Để thông tin, tuyên truyền về giáo dục và đào tạo, thu hút sự quan tâm, góp ý kiến của xã hội trong việc xây dựng, tạo sự đồng thuận thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-SGDĐT ngày 22-6-2016 về tuyên truyền về giáo dục và đào tạo năm học 2016-2017.
Nhằm tiếp tục tăng cường truyền thông phương án thi THPT Quốc gia, tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2017 rộng rãi đến giáo viên, học sinh và xã hội hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, Sở yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt một số nội dung như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 26/KH-SGDĐT ngày 22-6-2016 của Sở; tích cực theo dõi, truy cập cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để cập nhật thông tin về phương án thi THPT Quốc gia, tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2017; cung cấp thông tin, triển khai rộng rãi đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh nắm được nội dung.
Đồng thời khuyến khích các đơn vị, cán bộ, công chức, giáo viên viết bài trao đổi, đóng góp ý kiến xây dựng phương án thi THPT Quốc gia, tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2017 để tổng hợp báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương án kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 đã được xã hội đánh giá thành công. Những điểm mạnh của phương án này sẽ được tiếp tục kế thừa và những điểm hạn chế sẽ được khắc phục trong phương án thi, tuyển sinh năm 2017.
Với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong 2 năm thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh và sự đồng thuận của dư luận xã hội, chắc chắn công tác tổ chức thi và tuyển sinh năm 2017 sẽ đạt được những kết quả cao và thành công hơn nữa n
Hạnh Chi