Tuy nhiên, qua kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy bệnh đạo ôn lá xuất hiện rải rác trên các trà lúa ở các huyện: Nho Quan; Gia Viễn; Yên Khánh… Đặc biệt bệnh đã gây hại cục bộ trên trà lúa xuân sớm, diện xanh tốt, bón thừa đạm, giống nhiễm như: TBR 225, nếp, Thiên ưu 8, Bắc thơm số 7… Tỷ lệ nơi cao: 3-5%; cá biệt: 10-20% C1-5 (Xã Phú Sơn, Lạc Vân, huyện Nho Quan). Toàn tỉnh tổng diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá là: 15ha, trong đó diện tích nhiễm trung bình: 3ha.
Trong thời gian tới, với tình hình thời tiết như hiện nay và nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, bệnh đạo ôn lá sẽ tiếp tục lây lan và gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt trên trà lúa xuân muộn. Nếu không phát hiện và phòng chống kịp thời sẽ xuất hiện nhiều ổ lùn lụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa.
Ngoài ra, chuột tiếp tục hại tăng, rêu nhớt hại cục bộ trên các trà lúa; bệnh lở cổ rễ, sâu xám hại cục bộ trên cây lạc.
Trước tình hình bệnh đạo ôn lá có khả năng lây lan và gây hại rộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương và bà con nông dân:
1. Đảm bảo đủ nước, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật tạo điều kiện cho cây khỏe, tăng khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại. Cụ thể:
- Đối với trà xuân sớm: Đảm bảo đủ nước, bón thúc hết lượng kali còn lại vào giai đoạn lúa phân hóa đòng, không nên bón đạm.
- Đối với trà xuân muộn: Duy trì mực nước từ 3-5cm trên ruộng; bón phân thúc sớm, tập trung, bón cân đối, kết hợp với làm cỏ, tỉa dặm đảm bảo mật độ để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh thuận lợi đạt số dảnh hữu hiệu cao.
2. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phun trừ kịp thời khi tới ngưỡng (Chú ý: Không phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và bảo vệ môi trường). Cụ thể:
*Đối với ruộng bị bệnh đạo ôn lá:
- Dừng ngay việc bón các loại phân, đặc biệt là phân đạm. Không được phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng từ 2-3cm.
- Tiến hành phun trừ trên những ruộng có tỷ lệ bệnh trên 5% số lá bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Bump 650WP, Kasoto 200SC, FuJine 40WP, Beam 75WP, Kabim 30WP, Bamy 75WP, Fu-army 30WP…
- Đối với những ruộng bị bệnh nặng phải phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày, trước khi phun cần loại bỏ các lá bị bệnh nặng tiêu hủy rồi mới tiến hành phun thuốc (chú ý: Đảm bảo lượng nước thuốc đã pha từ 25-30 lít/sào).
*Đối với chuột hại: Tiếp tục diệt chuột bằng các biện pháp, trong đó chú trọng biện pháp thủ công như: Đào bắt, hun khói, đặt các loại bẫy, đây là biện pháp có hiệu quả cao để hạn chế sự gây hại của chuột trên đồng ruộng.
Chi cục trưởngVũ Khắc Hiếu