Những ngày tháng tư này chúng tôi lại có dịp gặp gỡ một số cựu chiến binh, trò chuyện với họ, tôi nhận ra rằng với những người lính già, dù thời gian đã dần làm mờ đi dấu vết chiến tranh nhưng không khí náo nức của những ngày non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm.
Ký ức "một thời hoa lửa"
Dáng người thấp, nhỏ và đã bước vào độ tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng cựu chiến binh (CCB) Hà Đăng Phấn ở phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) vẫn rất lanh lẹ, minh mẫn và đôi mắt luôn rực sáng mỗi khi ông kể cho chúng tôi về những lần tham gia chiến đấu tại chiến trường. Ông cười vui nói "chính vì dáng người nhỏ, thấp nên hồi trẻ nhiều lần xung phong gia nhập quân đội nhưng tôi đều bị "trượt". Phải mãi đến năm 1967 khi cả nước đang ở cao trào "tất cả vì miền Nam ruột thịt" tôi mới may mắn được tuyển chọn và được biên chế vào Trung đoàn 24.
Kỷ niệm thời binh nghiệp với CCB Hà Đăng Phấn thì nhiều, nhưng có lẽ dấu ấn đậm nét nhất là ông và các đồng đội được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đánh chiếm Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn. CCB Hà Đăng Phấn xúc động kể: Đúng ngày 15-4-1975, đơn vị tôi được lệnh hành quân tiến về Sài Gòn, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Anh em chiến sĩ xúc động trào nước mắt bởi vì không gì vui hơn đối với những chiến sĩ quân giải phóng miền Nam khi ấy là được tham gia chiến dịch mang tên Người- chiến dịch Hồ Chí Minh. Tất cả đều háo hức, xung phong ra trận. Với tinh thần "Thần tốc, táo bạo, quyết thắng", đơn vị thực hiện phương châm vừa đi, vừa đánh, có đêm đánh 3-5 bốt của địch để nhanh chóng tiến về Sài Gòn. Và chỉ trong vòng 8 ngày, chúng tôi đã cách Sài Gòn 10km. Tại đây, Trung đoàn 24 được nhập với trung đoàn 88, trung đoàn 27 và 2 tiểu đoàn của tỉnh Long An để trở thành một mũi tấn công tiến về Sài Gòn theo hướng Tây Nam. Đơn vị của ông Hà Đăng Phấn được giao nhiệm vụ đánh cầu chữ Y (cây cầu nối liền Quận 5 với Quận 8)- một căn cứ điểm quan trọng để mở hướng vào đánh chiếm Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn. Sau nhiều ngày đêm giao tranh ác liệt với quân địch, đúng 8h30 ngày 30-4-1975, đơn vị ông đã chiếm được đầu cầu và 9h30 đã làm chủ được hoàn toàn cầu chữ Y. Và đến 10h45, Trung đoàn 24 đã đánh chiếm được Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau 17 ngày đêm thần tốc và đánh chiếm.
Ông Hà Đăng Phấn cho biết thêm, kể từ lúc đơn vị ông nhận được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cũng là lúc ông và nhiều đồng đội gần như không ngủ. Bởi để hoàn thành nhiệm vụ, các chiến sĩ ngoài việc liên tục hành quân còn phải thực hiện tiêu diệt toàn bộ giặc ở các đồn bốt vào ban đêm một cách nhanh gọn. Trước sự chống trả dữ dội của quân địch, nhiều chiến sỹ của đơn vị ông đã anh dũng hy sinh. Kể đến đây, giọng ông như chùng suống.
Ông tâm sự: Giây phút nghe đài phát thanh Sài Gòn thông báo chính quyền Sài Gòn yêu cầu ngừng bắn, tôi và toàn thể cán bộ, chiến sỹ hiểu rằng giờ toàn thắng đã đến. Không thể tả nổi cảm xúc lúc đó, anh em chiến sĩ ôm chặt lấy nhau cùng hòa trong niềm súc động, rồi niềm vui lại vỡ òa trong tiếng khóc khi nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống chiến trường để có được thời khắc lịch sử ấy…
Ký ức "thời hoa lửa" đối với CCB Nguyễn Hải Hưng (phường Bắc Sơn, thị xã Tam Điệp) là những lần đi trinh sát tình hình chiến sự của địch tại các khu rừng trong chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Năm 1965, khi đang là học lớp 9, chàng thanh niên Nguyễn Hải Hưng xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 6 tháng huấn luyện làm lính trinh sát tại Hòa Bình, ông cùng các tân binh nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ trong đội hình của tiểu đoàn 728 (Bộ tư lệnh quân giải phóng miền Nam).
Ông và các đồng đội đã tham gia nhiều chiến dịch như: chiến dịch Mậu Thân 1968, mùa khô năm 1970, chiến dịch phản công biên giới Tây Nam… Mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu ông Nguyễn Hải Hưng và đồng đội nhiều lần lập nên chiến công hiển hách. Với thành tích 2 lần bắn hạ máy bay, diệt xe tăng của địch, ông Nguyễn Hải Hưng đã vinh dự được phong tặng dũng sĩ diệt tăng (1967); dũng sĩ diệt máy bay (năm 1970); dũng sĩ ưu tú diệt Mỹ (1970).
Dấu ấn lớn nhất trong ngày đại thắng 30-4-1975 với ông Hưng là hình ảnh đồng bào ùa ra 2 bên đường hò reo, cổ vũ tiếp tế lương thực cho quân giải phóng. Ông tâm sự: Có trải qua những năm tháng chiến tranh mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc…
Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Sau ngày giải phóng miền Nam, CCB Hà Đăng Phấn, Nguyễn Hải Hưng và các đồng đội lại tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ quốc tế Giải phóng Campuchia và nhiều nhiệm vụ khác do đơn vị giao phó. Song dù ở bất cứ cương vị nào, họ cũng luôn sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Năm 1989, ông Hà Đăng Phấn về nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá. Trở về địa phương ông tích cực tham gia các phong trào và được các CCB phường Thanh Bình tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội CCB phường đến năm 2006. Trải qua nhiều cương vị công tác, ông luôn được đồng bào, đồng chí tin yêu, quý trọng. Ghi nhận những thành tích trong chiến đấu, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng Nhất, huân chương chiến công giải phóng hạng 3, huân chương chiến sĩ vẻ vang, kỷ niệm chương vì nhiệm vụ quốc tế cùng nhiều huy hiệu, bằng khen các loại.
Trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống hiện nay, ông Nguyễn Hải Hưng cười vui, là lính trinh sát ai cũng phải tự rèn luyện cho mình đức tính khiêm tốn học hỏi, chịu thương chịu khó, không bao giờ thỏa mãn với thành tích đã đạt được, có ý thức chấp hành triệt để mệnh lệnh cấp trên. Khi gặp khó khăn, thiếu thốn phải bình tĩnh, tự tin tìm cách giải quyết. Càng khó khăn gian khổ, ác liệt, thì ý chí chiến đấu càng vững vàng, kiên định… Tất cả điều đó đã "ngấm" vào máu để tinh thần, bản lĩnh, ý chí người lính cụ Hồ vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường công tác cũng như trong cuộc sống hàng ngày của ông. Năm 1984, ông Nguyễn Hải Hưng về nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá và tích cực cùng vợ con lao động sản xuất, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của địa phương, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB phường Bắc Sơn (năm 2006-2012).
Giờ đây, trở về với đời thường, ngoài tài sản vô giá là những đứa con trưởng thành, những đứa cháu chăm ngoan, học giỏi thì những tấm huân, huy chương là tài sản lớn nhất mà ông Phấn, ông Hưng luôn nâng niu, gìn giữ và trân trọng. Và với họ cuộc đời luôn là một khúc quân hành. ở đó mỗi bước đi, mỗi việc làm đều sáng mãi phẩm chất người lính Cụ Hồ để lớp thế hệ trẻ hôm nay soi rọi, tự hào và học tập.
Bài, ảnh: Mai Lan