Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ không mấy khác so với khi cố nghệ nhân Hà Thị Cầu còn sống, chị Nguyễn Thị Mận, người con gái duy nhất của cụ Cầu rưng rưng nước mắt "Khi mẹ còn sống tôi không nghĩ mình sẽ học nghề hát xẩm. Vậy mà khi mẹ mất đi nỗi nhớ mẹ cùng với sự hối tiếc về nghệ thuật truyền thống khiến tôi "bật" ra những lời ca, làn điệu xẩm cổ mà ai cũng nhận xét giống hệt mẹ". Cũng cách nói chuyện nhấm nhẳng và lối nói sử dụng những câu vè, câu ví dân gian, chị Mận dễ cho người ta thấy cái chất chân truyền của người hát xẩm. Chị Mận say xưa hát cho chúng tôi nghe làn điệu "xẩm thập ân" và "theo Đảng trọn đời"... cách nhấn nhá, cách nhả chữ của chị nếu không nghe trực tiếp dễ làm người ta nhầm với cụ Cầu. Chị Mận không được học nhiều nhưng có lẽ vì sự lưu truyền nghề có sẵn trong máu nên khi cụ Cầu mất đi chị vẫn có thể nhớ và thuộc rất nhiều làn điệu xẩm mà không cần phải viết ra.
Chị Mận cũng cho biết: Nhờ những nghệ sỹ, những người nhận là học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu mà bây giờ chị được thay mẹ tiếp tục biểu diễn nghệ thuật hát xẩm ở những sân khấu lớn ở Hà Nội, Hải Phòng... Đây không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm của người con, của thế hệ sau trong việc lưu truyền môn nghệ thuật có nguy cơ mai một này.
Có một điều mà chị Mận trăn trở là đến bây giờ chị mới chỉ hát được chứ không sử dụng nhạc cụ điêu luyện được như mẹ mình. Niềm vui của chị Mận bây giờ là được đi hát xẩm và dạy những cô, cậu học trò có niềm đam mê xẩm. Hiện giờ chị đang dạy hơn 10 cháu Trường THCS Yên Phong đến học hát xẩm. Có những cháu nghèo nhưng đam mê chị phải nấu cơm cho ăn để các cháu có thời gian học.
Trước khi nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu qua đời, nhiều người lo lắng loại hình nghệ thuật hát xẩm cũng đứng trước nguy cơ mai một. Chính vì vậy ngay từ năm 2011, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Đề án số 04/ ĐA-UBND về việc "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm". Đề án được Nhà hát Chèo Ninh Bình phối hợp với UBND huyện Yên Mô tổ chức thực hiện từ cuối năm 2011.
Một trong những nội dung quan trọng của đề án là mở các lớp dạy hát xẩm cho trẻ em, trước hết được thực hiện ở xã Yên Phong và thị trấn Yên Thịnh (huyện Yên Mô). Được biết, Phòng Văn hóa huyện Yên Mô đã tổ chức 2 lớp dạy hát xẩm cho thầy giáo, cô giáo dạy âm nhạc và 6 lớp cho học sinh các trường THCS và tiểu học trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, Yên Mô có 2 lớp dạy hát xẩm cho học sinh, mỗi lớp học có từ 20 đến 25 em. Đa số học sinh tiểu học, THCS ở Yên Phong và thị trấn Yên Thịnh tham gia.
Học sinh của lớp hát xẩm không giới hạn độ tuổi, thông thường từ 5 đến 15 em. Có những em chưa biết đọc nên học vẹt, nghe giai điệu mà hát theo. Giáo viên chính của lớp hát xẩm là cô Nguyễn Thị Kim Ngân, một trong những truyền nhân của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu cho biết, xẩm là loại hình nghệ thuật vừa khó vừa kén người học. Ngoài có chất giọng tốt thì người học phải biết nhấn nhá, nhả chữ cho đúng chất. Nếu hát không đúng kỹ thuật rất dễ biến thành điệu chèo.
Kéo nhị cho các học sinh là ông Vũ Văn Phó, học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Những ngón đàn của ông Phó dù không xuất thần như cụ Cầu nhưng ở huyện Yên Mô khó có người thứ hai. Vì đam mê hát xẩm mà thời trẻ ông theo hầu, học hỏi kỹ thuật chơi nhị từ "thần xẩm" rồi lưu diễn nhiều nơi. ở tuổi thất thập được mời làm thầy của lũ trẻ, ông vui vẻ nhận lời. "Với tôi, niềm vui khi được sống, được nghe và được gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống này vinh dự hơn bất cứ giải thưởng nào", ông nói.
Thời gian đầu, các em được giáo viên không chuyên dạy lý thuyết, luyện âm, nhấn, nhả chữ, sau đó mới tập phân biệt các thể loại xẩm. Đến nay đa số học sinh trong lớp hát được xẩm chợ, xẩm tàu điện, xẩm thập ân… với những bài nổi tiếng do nghệ nhân Hà Thị Cầu sáng tác như: Theo Đảng trọn đời, Ngược đời…Từ các lớp học này nhiều em đã tham gia biểu diễn tại các hội thi nghệ thuật quần chúng ở địa phương và giành các giải cao. Đây là những tín hiệu vui về một môn nghệ thuật truyền thống được các thế hệ trẻ lưu truyền, gìn giữ.
Hát xẩm không chỉ được trân trọng trên quê hương của "thần xẩm" Hà Thị Cầu mà trên cả nước nhiều người yêu xẩm vẫn đang âm thầm có những đóng góp để lưu truyền, gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống này cho các thế hệ sau.
Một trong những số ít các học trò của cụ Hà Thị Cầu đã "thành danh" mà giới nghệ sỹ trân trọng hiện nay là Đào Bạch Linh, hay còn được các nghệ sỹ trong nghề gọi là Linh xẩm. Mặc dù mới hơn 30 tuổi và đang là chuyên viên của Sở Ngoại vụ Hải Phòng nhưng Linh đã dành nhiều tâm huyết cũng như thời gian cho môn nghệ thuật này.
Hiện Đào Bạch Linh là chủ nhiệm CLB Hát xẩm Hải Thành. Câu lạc bộ đã hoạt động được 6 năm, thành viên phần lớn là các bạn trẻ. Có những em nhỏ chỉ mới 8, 9 tuổi nhưng hát xẩm rất hay. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều chung tình yêu và đam mê với xẩm.
Có điều, dù rất yêu, nhưng hiếm người trong số họ coi hát xẩm là một nghề để kiếm sống, kể cả với ông chủ của CLB. Linh tâm sự: "Bây giờ môi trường diễn xướng của hát xẩm vẫn còn, nhưng không còn thịnh hành nữa, mọi người chỉ nghĩ hát để vui, để chơi thôi. Nhưng với tôi, đó còn là trách nhiệm để gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này".
Có dịp nghe Đào Bạch Linh hát, sẽ nhận ngay ra cái chất của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, từ cách nhấn nhá, nhả chữ. Chỉ khác là cả cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu lang thang kiếm sống bằng nghề hát xẩm, thì nay Linh không đi hát rong như vậy, nhưng mỗi khi có dịp được mời đi hát, anh ít chối từ. "Tôi đi nhiều, thấy người ta còn thích nhiều lắm. Còn hát cho người ta nghe, là người ta còn thích"- Đào Bạch Linh thổ lộ.
Để ghi nhận những đóng góp của Đào Bạch Linh cho bộ môn nghệ thuật hát xẩm truyền thống, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng Đào Bạch Linh là nghệ nhân dân gian. Hiện anh là một trong những nghệ nhân dân gian trẻ nhất của đất Cảng và là một trong số nghệ nhân hát xẩm ít ỏi của Việt Nam hiện nay.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm