Cùng các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của tỉnh tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nhận thấy, có rất nhiều lỗi vi phạm mà các cơ sở đang mắc phải. Như chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; người tham gia sản xuất, chế biến không được khám sức khỏe định kỳ, không được tập huấn nâng cao kiến thức ATTP; nguyên liệu, phụ gia chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác; việc bố trí, sắp xếp và bảo quản các nguyên liệu thực phẩm chưa đúng quy định....
Tại cơ sở sản xuất giò, chả N.T, phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp), tuy cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, đầu tư nhiều dụng cụ, thiết bị bảo quản, chế biến hiện đại như tủ âm, tủ hấp, bàn, máy thái thịt, các dụng cụ đựng thực phẩm bằng inox..., nhưng các điều kiện về đảm bảo vệ sinh khu chế biến, nơi bảo quản thực phẩm không đúng quy định, chưa đảm bảo vệ sinh, khi sân nền nhà còn ẩm ướt, dụng cụ sử dụng, đựng thực phẩm còn để dính mỡ với các lớp dầy két lâu ngày, các loại khăn lau tay, lau đồ dùng đổi màu, nhìn nhếch nhác và không vệ sinh.
Kiểm tra tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Tam Điệp nhận thấy, còn nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng. Chủ cửa hàng chống chế, cho rằng không biết các sản phẩm như vậy là chưa đảm bảo ATTP. Bởi cửa hàng bán khá nhiều mặt hàng, khi có nhân viên tiếp thị, đưa sản phẩm đến chào bán, thấy có đăng ký tên tuổi, địa chỉ là tin tưởng rồi nhập bán...
Ngoài ra, cửa hàng tạp hóa còn nhiều tồn tại trong việc bố trí, sắp xếp hàng hóa không phù hợp, không đúng quy định; để lẫn lộn các mặt hàng với nhau, ảnh hưởng đến mùi vị, giảm chất lượng sản phẩm;nơi để các mặt hàng thường để lâu, nhiều bụi bẩn, ẩm thấp...
Tại một doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm tại Cụm công nghiệp Khánh Nhạc, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) nhận thấy, còn khá nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng về ATTP cần phải bị xử lý. Như điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất không đảm bảo; các mặt hàng không được sắp xếp theo trật tự, hàng lối, theo từng mặt hàng; điều kiện về nơi chế biến, bảo quản không đạt yêu cầu... Đoàn kiểm tra đã xử phạt ở mức khá cao, số tiền 21,9 triệu đồng với lỗi kho bảo quản không có đủ giá kệ cũng như một số mặt hàng không có giấy tờ đầy đủ theo quy định, đồng thời thực hiện tiêu hủy theo quy định 300kg chân gà chưa rút xương không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong quá trình kiểm tra nhận thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đều có những lỗi vi phạm từ nhỏ đến lớn. Trong đó, lỗi thường gặp hơn cả là điều kiện nơi chế biến, sản xuất, về cơ sở vật chất, kiến thức người thực hiện, các điều kiện về bảo quản thực phẩm, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ thực phẩm.... Có hàng trăm lý do được các cơ sở đưa ra để biện minh cho những lỗi sai phạm đó. Tuy nhiên, điều các cơ sở cần hiểu rõ và nhận thức được, sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng mới là quan trọng bên cạnh lợi ích cá nhân mà họ thu nhận về, từ đó mới làm nghề bền vững và là người kinh doanh có đạo đức.
Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá ban đầu tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Tam Điệp và huyện Yên Khánh nhận thấy, hầu hết các cơ sở đều có vi phạm, với những lỗi khác nhau. Các đoàn kiểm tra đều chỉ ra cụ thể các lỗi để các cơ sở khắc phục và yêu cầu địa phương hậu kiểm để đánh giá tình hình thực hiện.
Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu sử dụng các mặt hàng phục vụ Tết như giò chả, nem mọc, bánh kẹo, rượu bia, thủy sản, các mặt hàng tươi sống... tăng cao. Đây cũng là lúc nhiều hộ kinh doanh nhập thêm số lượng lớn các mặt hàng để tích trữ, trong đó có những mặt hàng không rõ nguồn gốc, việc sơ chế, tích trữ, bảo quản chưa đúng quy trình, trong điều kiện chưa đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ, dụng cụ bảo quản.... rất dễ xảy ra nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Việc tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra dịp Tết nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm. Đồng thời, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đặc biệt, qua kiểm tra có sự nhắc nhở, xử phạt nghiêm minh, mang tính răn đe và thông báo danh tính trên các cơ quan thông tin đại chúng, tạo sự chuyển biến tích cực trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, ngoài tiến hành kiểm tra, các thành viên đoàn thanh tra còn tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP, làm rõ vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Bởi khi họ nâng cao ý thức, sẽ hành động theo đúng quy định, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...
Bài, ảnh: Hạnh Chi