Thủa còn đi học, Văn Lê đã bộc lộ một tư chất thông minh, văn hay chữ đẹp, được các thày cô hết sức ngợi khen. Vào giữa năm 1966, Đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc quê anh, nằm ven quốc lộ I, lại có cầu Gián Khẩu, cầu Đoan Bình chạy qua đã thành trọng điểm bắn phá của lũ giặc trời.
Đau thương, chết chóc đã trùm lên giải đất vốn một thời bình yên này. Con sông Hoàng Long vốn một thời êm đềm mộng mơ là vậy ấy thế mà giờ đây khi đánh vào cầu Gián Khẩu, máy bay Mỹ đã trút xuống lòng sông hàng chục tấn bom đạn, nước cứ đỏ ngầu lên như màu máu.
Bom đạn kẻ thù đã cướp đi bao sinh mạng của những người dân vô tội, tuổi thơ của những cháu học trò, gây ra biết bao tội ác tang thương khác. Cũng như bao thanh niên yêu nước thời đó, Văn Lê đã tạm gác bút nghiên tình nguyện gia nhập quân đội, vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mĩ.
Phát hiện ra khả năng thiên phú của anh về năng lực viết bài, sáng tác thơ ca động viên bộ đội vượt lên trong hành quân chiến đấu, Văn Lê đã được điều về Cục Chính trị miền công tác.
Suốt những năm từ 1966 đến 1974 với sức trẻ, tài năng, xông xáo anh đã vượt lên bao gian khổ hiểm nguy, bom đạn kẻ thù, có mặt khắp mọi nẻo chiến trường để sáng tác phản ánh tinh thần chiến đấu, động viên khích lệ bộ đội nguyện hi sinh đến cùng để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Thời đó, không ít cán bộ chiến sĩ còn chuyền tay nhau đọc những bài thơ của Văn Lê được anh viết trong chiến hào, trong khoảng lặng giữa 2 trận đánh. Những bài viết, những bài thơ của Văn Lê luôn gắn với đời sống chiến trường, với người lính được đọc giả trân trọng đón nhận bởi họ luôn tìm thấy chính mình trong mỗi khuôn mẫu, hình tượng được tác giả dày công xây dựng nên qua từng tác phẩm.
Năm 1974, Văn Lê về làm phóng viên rồi được giao làm biên tập tuần báo Văn nghệ giải phóng, tiếp đó anh được điều về làm biên tập tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam.
Đây cũng là thời kỳ cây bút đa tài Văn Lê bắt đầu phát lộ, anh làm thơ, viết văn, cứ vài năm lại cho ra đời một tác phẩm. Bút pháp, văn phong khá mới, anh đã để lại cho bạn đọc những dấu ấn khó quên bởi những tên đất, tên người, ngôn ngữ, hình ảnh trong thơ, truyện Văn Lê rất gần gũi với những vùng đất anh đã đi qua, những con người anh đã gặp.
Tên những tác phẩm đầu tay của anh "Một miền đất, một con người" (tập thơ), "Những ngày yên tĩnh" (tập truyện), "Chuyện một người du kích" (tập truyện) đã chứng minh điều đó.
Những năm ở Cục chính trị miền, ít khi anh ngồi yên một chỗ, bom đạn ác liệt vẫn không cản được bước chân anh, anh đến với từng đơn vị, có mặt khắp mọi nẻo chiến trường.
Bản tính ấy đã giúp Văn Lê có được một vốn sống phong phú với nhiều trải nghiệm và cả những phát hiên giúp anh xây dựng được những điển hình tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho phẩm chất của một thế hệ nguyện chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, song cũng có không ít những kẻ cơ hội, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết và trở thành những vật cản trong chặng hành trình đi lên của đất nước.
Vốn là cây bút xông xáo, đam mê đi và viết nên khi về làm biên tập chưa nóng chỗ, anh lại tình nguyện xin đi làm phóng viên chiến trường khi xảy ra xung đột ở biên giới phía Bắc, tiếp đó là chiến trường Campuchia.
Theo bước chân những người lính trên miền biên viễn, nhận chân những giá trị mà ông cha ta đã đời nối tiếp đời chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc để cháu con hôm nay viết tiếp bài ca giữ nước. Và chính thực tế chiến trường đã giúp Văn Lê có được một vốn sống phong phú, có cái nhìn đa diện, tinh tế để anh xây dựng nên những tác phẩm, những hình tượng văn học được bạn đọc đánh giá cao.
Ở Văn Lê, không chỉ có khả năng trên lĩnh vực sáng tác văn học mà hiện là cây bút hàng đầu trong việc viết kịch bản phim truyện, phim truyền hình, đặc biệt là từ năm 1982 anh được điều về làm biên tập, đạo diễn phim tài liệu hãng phim Giải phóng thuộc Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch).
Về với hãng phim Giải phóng thực sự là cái duyên của Văn Lê bởi trên địa hạt này anh đã phát huy tối đa năng lực sáng tạo của mình, có những đột phá đáng ghi nhận, trở thành tác giả đắt khách, được nhiều hãng phim ưu ái tìm đến.
Nhiều tác phẩm điện ảnh của anh được đánh giá cao cả ở trong nước và nước ngoài, kịch bản phim của Văn Lê thường có tính khái quát cao, có những phát hiện khá mới, tạo được dấu ấn tích cực cho nền điện ảnh nước nhà.
Tuy nhiên nói đến Văn Lê là nói đến một khối lượng tác phẩm văn hoc đồ sộ gồm thơ, truyện, tiểu thuyết mà không nhiều tác giả theo đuổi được.
Về thơ phải nói "Một miền đất, một đời người" (tập thơ 1976), "Khoảng thời gian tôi biết" (tập thơ 1983), "Phải lòng" ( tập thơ 1994), "Những cánh đồng dưới lửa" (trường ca 1997), "câu chuyện của người lính binh nhì" (trường ca năm 2006) và gần đây là trường ca "Những người làm chủ biển Đông" năm 2010.
Truyện, tiểu thuyết Văn Lê phần lớn viết về đề tài chiến tranh. Đây là kết quả nhiều năm lặn lội với trận mạc, với chiến tranh anh đã có một vốn sống phong phú, sự trải nghiệm và cái nhìn tinh tế, theo đó mà bút pháp, ngôn ngữ, hình tượng trong văn xuôi của Văn Lê cũng có những nét riêng khá đặc trưng được bạn đọc và giới phê bình văn nghệ đánh giá cao.
Anh đi khỏe, viết nhiều, với một bút lực sung sức, có uy tín trên văn đàn cả trong Nam ngoài Bắc. Chỉ tính gần 3 thập kỷ trở lại đây anh đã cho ra đời 15 tác phẩm gồm truyện tiểu thuyết trong đó phải kể đến "Những ngày yên tĩnh" (truyện 1978), "Chuyện một người du kích" (truyện 1980), "Đồng chí đại tá của tôi" (truyện 1981), " Báo đen" (truyện 1980), "Người gặp trên tàu" (tiểu thuyết 1982), "Ngôi chùa ở Pa rát ha na" (tiểu thuyết 1985), "Hai người còn lại trong rừng" (tiểu thuyết 1989), "Tình yêu và cuộc đời" (tiểu thuyết 1989), "Khi tòa chưa tuyên án" (tiểu thuyết 1990), "Tiếng rơi của hạt sương khuya" (tiểu thuyết 1993), "Nếu anh còn được sống" (tiểu thuyết 1994, tái bản 2001 xuất bản tại Hàn quốc năm 2001), "Chim hồng nhạn bay về" (truyện 1996), "Đồng giao thời chiến tranh" (tiểu thuyết 1999), "Cao hơn bầu trời" (tiểu thuyết 2004), "Những câu truyện làng quê" (truyện và ký 2005).
Từ năm 2005 Văn Lê giành nhiều công sức cho sáng tác kịch bản phim, đạo diễn phim. Điều đáng ghi nhạn là kịch bản phim truyện của Văn Lê rất giàu chất văn học, tạo nên sức hấp dẫn từ lời dẫn đến tình tiết, cốt truyện nhưng tuyệt nhiên không có sự lẫn lộn giữa ngôn ngữ văn học với ngôn ngữ điện ảnh theo đó mà phim truyện của anh ngày càng có sức thu hút khán giả từ tình tiết, nội dung đến lời thoại trong phim.
Văn Lê đạt nhiều giải thưởng cao cả về văn, thơ và kịch bản phim, trong đó phải kể đến giải A cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1975, giải A về thơ cả Hội đồng văn học chiến tranh cách mạng, LLVT và Hội nhà văn 1994 cho tập thơ "Phải lòng", tặng Giải thưởng văn học của Bộ quốc phòng cho tiểu thuyết "Nếu anh còn được sống" năm 1994, giải thưởng văn học Bộ quốc phòng cho trường ca "Những cánh đồng dưới lửa" năm 1999.
Phác họa một vài nét về cuộc đời cầm súng, cầm bút của người chiến sĩ, nhà văn, nhà thơ Văn Lê càng tự hào thêm về đội ngũ văn nghệ sĩ con em quê hương Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã đóng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp văn học nước nhà trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc thân yêu.
Lê Liêu