Còn nhớ, hôm dừng xe trước đèn đỏ, đằng sau xe người thanh niên bấm còi inh ỏi, ông quay lại từ tốn nói: Còn đèn đỏ mà cháu! Thanh niên này vẫn bấm còi lách qua ông, vượt đèn đỏ và không quên ngoái cổ lại nói "Lão hâm". Lần nữa khi có việc phải qua đò, trời nắng nóng ông vẫn yêu cầu chủ đò đưa áo phao cho ông mặc.
Mọi người trên chuyến đò nhìn ông với con mắt khác lạ. Hai thanh niên ngồi gần thì thầm hình như ông già kia "hâm" thì phải. Mới đây thôi, có dịp về quê, đang đi trên đoạn đường vắng, bất chợt ông Tâm thấy 2 người nằm sõng soài trên đường, máu me bê bết.
Không suy nghĩ, ông dừng xe rồi sơ cứu cho 2 người bị nạn. Lúc sau, có tốp xe máy đi qua thấy vậy họ nói ông là người gây ra tai nạn giao thông. Biết là khó thanh minh được với họ, ông Tâm bình tĩnh nhờ người gọi xe cấp cứu đưa 2 người bị nạn đi viện, ông cũng gửi xe đi cùng. Biết việc ông làm có người cũng lại nói ông là "lão hâm".
Cũng may, sau khi được cấp cứu kịp thời, 2 vợ chồng người bị nạn tỉnh lại, biết là do đi quá nhanh nên tự bị ngã nên cảm ơn ông rối rít và chiều nay họ còn mang cả quà Tết đến biếu ông. Trong suy nghĩ miên man, bất chợt ông Tâm suy nghĩ về vấn đề văn hóa giao thông.
Những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Việc xây dựng văn hóa giao thông được xem là biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Khái niệm văn hóa giao thông là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hóa nói chung.
Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.
Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động như vượt đèn đỏ, dừng xe không đúng quy định, chen lấn, bóp còi inh ỏi, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều…
Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.
Việc không chen lấn hoặc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, cấp cứu người bị nạn, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác; thấy các sự cố về đường sá, phương tiện, kịp thời báo hiệu, thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý… là những việc làm tuy nhỏ nhưng cần được phát huy.
Tính cộng đồng khi tham gia giao thông sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tắc đường, ngăn chặn những vụ việc va chạm, tranh cãi hoặc thậm chí đánh lộn không đáng có trên đường và chấm dứt tình trạng vô cảm trước nỗi đau và rủi ro của người khác, mỗi cử chỉ "Văn hóa giao thông" làm nên nét đẹp về nhân cách của mỗi người.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay có thể thấy nhiều người điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; lái xe không có giấy phép, học sinh, sinh viên đi xe mô tô, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dùng ô khi đi xe đạp, xe máy, đi xe dàn hàng ba, hàng bốn; có người kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng; vừa điều khiển phương tiện giao thông, vừa nghe điện thoại, khi có va quệt thì thoái thác trách nhiệm, chưa cần biết người va quệt có bị sao không đã văng những câu chửi thề; thậm chí đua xe trái phép, hành hung cảnh sát giao thông khi bị dừng xe vì vi phạm Luật giao thông. Một số người dân tùy tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cho mục đích tư lợi.
Để xây dựng nếp ứng xử có văn hóa của mọi người khi tham gia giao thông, ngoài hiểu rõ khái niệm văn hóa giao thông, từ đó xây dựng thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật và nêu cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về TTATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống, biểu hiện văn minh, hiện đại của con người khi tham gia giao thông. Những việc làm tuy nhỏ của ông Tâm góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cần tập trung xây dựng ý thức văn hóa ở mỗi người, trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng khi tham gia giao thông.
Xây dựng văn hóa giao thông cho cả cộng đồng, trước hết mỗi người cần nâng cao ý thức và thái độ khi tham gia giao thông. Biết từ tốn, bình tĩnh ưu tiên nhường nhịn cho người già, trẻ em; biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt, biết đội mũ bảo hiểm cho mình và cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Những hành vi tưởng như nhỏ bé ấy lại là nét đẹp có văn hóa trong tham gia giao thông và khi đó văn hóa giao thông của cả cộng đồng sẽ được nâng lên, TNGT và ùn tắc giao thông sẽ từng bước được đẩy lùi.
Trần Dũng