Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội nông dân trong việc tham gia đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp sạch, bền vững, thời gian qua, các cấp Hội nông dân tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để các hội viên, nông dân nhận thức được tầm quan trọng trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội nông dân tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm như: Luật An toàn thực phẩm, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua sinh hoạt chi hội hàng quý, sinh hoạt CLB nông dân với pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thực phẩm…, đặc biệt là vận động các Tổ hợp tác và HTX chuyên ngành sản xuất đảm bảo cung cấp đến người tiêu dùng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc. Không dừng lại ở tuyên truyền, Hội đã có những việc làm thiết thực nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm của cán bộ, hội viên đối với vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và Trung ương Hội Nông dân Việt nam, Hội nông dân tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn giai đoạn 2016-2020" và tổ chức hội nghị ký cam kết triển khai Đề án đến các cấp Hội trong tỉnh. Đến nay, đã có 8/8 đơn vị cấp huyện và 50 hộ nông dân, đại diện các Tổ hợp tác, HTX được chọn làm điểm ký cam kết nói không với thực phẩm bẩn. Tại cấp huyện, có 214 hộ nông dân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã ký cam kết với HND các huyện, thành phố; 143/143 cơ sở HND xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã triển khai kế hoạch và chỉ đạo các chi hội ký cam kết với 100% hội viên. Định kỳ, các cấp Hội tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các cam kết. Cùng với đó, HND tỉnh còn tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho nông dân như: tạo điều kiện cho 32 hộ vay vốn từ nguồn quỹ Hỗ trợ Nông dân và các nguồn khác trị giá 4,5 tỷ đồng; hỗ trợ kỹ thuật và một phần vật tư xây dựng 8 mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi; thành lập 4 tổ hợp tác liên kết theo chuỗi; vận động 16 hộ tự nguyện nhận giúp đỡ, hỗ trợ cho 41 lượt hộ nông dân về giống vật nuôi, cây trồng, kỹ thuật cho các hộ khó khăn. Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng mô hình sản xuất an toàn, triển khai các hoạt động liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi "từ sản xuất đến tiêu dùng", phấn đấu đến năm 2020, mỗi cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn. Cùng với đó, Hội tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân áp dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm sạch, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng giúp đỡ, hỗ trợ nông dân đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm, xúc tiến thương mại quảng bá thực phẩm an toàn…
Cuộc chiến với thực phẩm bẩn là cuộc chiến lâu dài và phức tạp, do vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động tạo sự chuyển biến thực sự về hành vi an toàn thực phẩm trong hội viên, nông dân, Hội cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.
Khải Hoàn